Tin mới

Nghiên cứu, phát triển khoa học lý luận chính trị theo yêu cầu của Đại hội XIII của Đảng

(Mặt trận) - Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chính thức xác lập khoa học lý luận chính trị là một trong bốn nhóm thuộc hệ thống các khoa học. Đồng thời, đặt ra yêu cầu đổi mới có tính đột phá trong nghiên cứu, phát triển khoa học lý luận chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước; cũng như nhu cầu đổi mới và phát triển của đất nước trong bối cảnh mới. Bài viết phân tích một số vấn đề có tính gợi mở từ góc độ tiếp cận xã hội học hướng đến  góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới trong hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam. 

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN KHOA HỌC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG BỐI CẢNH MỚI

Khoa học lý luận chính trị là hệ thống tri thức về lĩnh vực chính trị. Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị là lĩnh vực có vai trò rất quan trọng, làm cơ sở lý luận, khoa học cho công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Quy định số 285-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước” đã chỉ rõ: Nghiên cứu lý luận chính trị là hoạt động nghiên cứu nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước/ Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị không chỉ là “khẳng định”, “thuyết minh” đường lối, chủ trương đã có; mà còn có nhiệm vụ rất quan trọng là phát hiện cái mới, dự báo cái mới, luận chứng cơ sở lý luận - thực tiễn cho đổi mới đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển. Chính vì vây, nghiên cứu lý luận chính trị một mặt phải đảm bảo nguyên tắc và trách nhiệm chính trị cao nhất là phục vụ cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, lợi ích phát triển của đất nước, đồng thời phải có tinh thần dũng cảm cách mạng - khoa học, có không gian tự do sáng tạo trong nghiên cứu, đề xuất được những nhận thức lý luận mới phù hợp đòi hỏi của thực tiễn, vượt qua những nhận thức, quan điểm, luận điểm hiện hành đã không còn phù hợp. Điều đó cũng có nghĩa là trong nghiên cứu, phát triển khoa học lý luận luôn chứa đựng bản chất cốt lõi tư duy biện chứng, sáng tạo, dựa trên bằng chứng.

Mặc dù công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam đã có những bước tiến, đạt được những kết quả quan trọng; nhưng nhìn chung, công tác nghiên cứu lý luận chính trị “còn nhiều hạn chế, khuyết điểm”; “còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn”. Kết quả thực hiện nhiệm vụ cung cấp luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, quan điểm của Đảng còn hạn chế, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được làm rõ…Thiếu gắn bó mật thiết giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn…”. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ(1).

Bối cảnh quốc tế và yêu cầu phát triển bứt phá của đất nước trong thời kỳ mới đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy phát triển trên cơ sở phát huy tiềm năng, vị thế, điều kiện thực tiễn của chúng ta, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, thời đại”. Do vậy, “không thể để kéo dài tình trạng còn lạc hậu của lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn”, “Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn”, “phải có tầm nhìn vượt trước”, “phải tạo được những bước đột phá về lý luận phát triển, khai thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế, xây dựng đường lối, chủ trương, định hướng, chính sách phát triển; khơi dậy khát vọng và phát huy ý chí, quyết tâm vươn lên của cả dân tộc; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Đặc biệt, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, vai trò của công tác lý luận được nhấn mạnh và định hướng rất cụ thể gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trực tiếp là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, lý luận, với yêu cầu cao: Nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước(2). Do đó, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trong bối cảnh mới hiện nay phải mang tính hệ thống, tính tổng hợp rất cao (sự tích hợp của nhiều khoa học, lý thuyết, phương pháp, cách tiếp cận…), vừa đáp ứng những yêu cầu trước mắt vừa đáp ứng những yêu cầu dài hạn; đồng thời đỏi hỏi phải có tính định hướng - dự báo cao, tính thích ứng nhanh.

Công tác nghiên cứu lý luận sẽ được tiến hành trong bối cảnh mới, với những yêu cầu mới, rất cao. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những phát triển đột biến về công nghệ làm thay đổi sâu sắc phương pháp tư duy, nhận thức và hoạt động thực tiễn. Cuộc sống luôn thay đổi, luôn xuất hiện những hiện tượng, những xu hướng, những yêu cầu mới, đòi hỏi lý luận phải bám sát, cập nhật, khái quát hóa, phong phú hóa để có sức định hướng, dẫn dắt hoạt động thực tiễn. Vì vậy, nghiên cứu phát triển khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam phải có sứ mệnh nhận diện, phân tích kịp thời, chính xác, toàn diện thực tiễn phát triển của đất nước; nắm bắt được nhu cầu khách quan và dự báo xu hướng vận động của thực tiễn; khái quát khoa học sự vận động có tính quy luật; trên cơ sở đó, đề xuất những định hướng phù hợp, có tính khả thi để giải quyết hiệu quả các nhu cầu của thực tiễn. Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị phải có nhiệm vụ mở đường cho những nhận thức, tư duy lý luận mới, cách làm mới. Trên cơ sở đó xác lập một hệ thống tri thức mới vững chắc, khoa học, xứng tầm bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng, tư duy lý luận của Đảng trong điều kiện mới.

VAI TRÒ CỦA TRI THỨC XÃ HỘI HỌC TRONG NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN KHOA HỌC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Xã hội học là khoa học có đối tượng nghiên cứu là các quá trình của hiện tượng xã hội, trên cơ sở sử dụng các phương pháp nghiên cứu định lượng, định tính cũng như áp dụng các lý thuyết để giải thích một cách hệ thống và khách quan về quy luật hình thành, vận động, biến đổi xã hội; về các mối quan hệ giữa con người và xã hội, các vấn đề xã hội với tính chất là những sự kiện xã hội... Xã hội học là khoa học làm việc với con người trong các mối quan hệ và bối cảnh xã hội cụ thể. Khoa học xã hội học có sứ mệnh tìm kiếm giải pháp nhằm giải quyết những bất cập, hạn chế của các khoa học xã hội trong giải thích các hiện tượng xã hội, và đề xuất các giải pháp xây dựng chính sách can thiệp thực tiễn. Do vậy, xã hội học là khoa học đặc biệt quan tâm, nhấn mạnh đồng thời cả hai chức năng: nhận thức và cải tạo thực tiễn. Trong khuôn khổ phân tích, có thể làm rõ hơn một số gợi mở hướng đến góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học học lý luận chính trị trên một số chiều cạnh như sau:

Một là, để góp phần thúc đẩy nghiên cứu, phát triển khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam theo yêu cầu của Đại hội Đảng lần thứ XIII, cần phải kiên định việc xuất phát điểm từ phương pháp luận xã hội học Mác-Lênin. Đặc trưng nổi bật nhất của xã hội học Mác-Lênin là sự đóng góp lý luận và thực tiễn của Lênin đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận xã hội học duy vật biện chứng của Mác-Ăngghen vào lý luận và thực tiễn cách mạng tháng Mười Nga vào năm 1917. Trong các tác phẩm của mình, Lênin đã phê phán mọi biểu hiện của xã hội học duy tâm, xã hội học chủ quan, siêu hình của một số tác giả trên thế giới và bảo vệ xã hội học khoa học của Mác. Lênin khẳng định Mác là nhà xã hội học vĩ đại trên thế giới, vì ông đã có công làm cho xã hội học trở thành một khoa học nghiên cứu một cách duy vật biện chứng về sự vận động, biến đổi của hình thái kinh tế-xã hội. Đồng thời, Lênin đã phát triển sáng tạo xã hội học Mác-Lênin vào hoàn cảnh cách mạng nước Nga nửa đầu thế kỷ XX về cả mặt lý luận và thực tiễn cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.

Hai là, cần thúc đẩy sự vận dụng một cách sáng tạo hiệu quả sức mạnh các đặc trưng của khoa học xã hội học trong hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học lý luận chính trị. Đặc trưng của khoa học xã hội học là sự chỉnh thể bởi các yếu tố: (1) Tính khách quan, lôgíc đặt trong bối cảnh xã hội; (2) Tính thực chứng, có độ tin cậy cao khi đưa ra các kết luận nghiên cứu; (3) Tính duy vật biện chứng trong nhận định, đánh giá; (4) Tính lý giải thấu hiểu dựa trên các bối cảnh văn hóa để giải thích, tìm kiếm sự hiểu biết về bản chất của các hiện tượng xã hội; (5) Các phương pháp nghiên cứu hiện đại, liên ngành: quan sát tham dự; quan sát không tham dự; phiếu anket; phiếu phát vấn; thảo luận nhóm tập trung; phỏng vấn sâu; phân tích nội dung tài liệu; phân tích số liệu thống kê; nghiên cứu trường hợp...; (6) Khoa học đề cao tính chỉnh thể, hệ thống, toàn diện, thực chứng về hiện tượng, sự kiện, quá trình xã hội; (7) Giá trị cốt lõi của xã hội học là sự chính trực khoa học.

Ba là, việc phát huy vai trò của xã hội học trong nghiên cứu, phát triển khoa học lý luận chính trị không thể không nhấn mạnh vai trò, sức mạnh tư duy của khoa học xã hội học. Tư duy của khoa học xã hội học có đặc điểm cốt lõi là luôn coi trọng việc đồng thời các góc cạnh tích cực và hạn chế của đời sống xã hội, lịch đại và đồng đại, hiện trạng và tương lai. Tiếp cận tư duy xã hội học có thể nhận thấy, bên cạnh mặt tích cực, tư duy xã hội học sẽ luôn nhấn mạnh, quan tâm đến những hệ quả xã hội, những dự báo xu hướng và đề xuất giải pháp kiểm soát, hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Do đó, từ góc nhìn xã hội học, chúng ta phải có nhận thức đầy đủ, kịp thời để có hành động, giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu những hệ quả xã hội không mong muốn do chính quá trình đổi mới và phát triển đất nước mang lại. Xã hội học là một ngành khoa học mà đặc trưng của nó là khả năng tiếp cận thực tiễn để thường xuyên đổi mới về tư duy, hoàn thiện sáng tạo lý luận khoa học, giải quyết thành công các vấn đề mà thực tiễn yêu cầu. Trên cơ sở đó góp phần làm rõ, bổ sung và hoàn thiện nền tảng tư tưởng; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó có thể khẳng định, để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học lý luận chính trị cần phải thường xuyên đổi mới tư duy gắn với sự vận động ngày càng đa chiều và phức tạp của thực tiễn xã hội.

Bốn là, xã hội học là khoa học rất quan tâm đến việc phát triển lý thuyết và vận dụng lý thuyết để giải thích các hiện tượng của đời sống xã hội. Không những vậy, sức mạnh của tư duy xã hội học chính là khả năng kết nối với những trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới, tiếp thu những giá trị tiến bộ của nhân loại. Xã hội học hình thành và phát triển một hệ thống các lý thuyết để giải thích một cách khoa học và bản chất những hiện tượng xã hội, trong đó có các lý thuyết giải thích mối quan hệ giữa tính chủ động và tích cực của con người với tính quy định chặt chẽ của cấu trúc xã hội. Song, con người có vai trò tích cực chủ động nhất định, họ tạo ra xã hội, và xã hội là do con người thiết kế nên, nhưng đồng thời họ cũng chịu sự ràng buộc của xã hội. Do đó, điều này có thể gợi ý việc nghiên cứu, phát triển và vận dụng khoa học lý luận chính trị phải thẩm thấu quyền lực xã hội - tức tính chủ động, tự nguyện, tự giác, ý chí, nguyện vọng, giá trị và lợi ích của từng nhóm, giai tầng xã hội.

Năm là, khoa học xã hội học nhấn mạnh hướng tiếp cận thiết chế xã hội để giải thích, can thiệp và quản lý các hiện tượng xã hội nảy sinh trong quá trình hiện đại hóa và phát triển của xã hội. Thiết chế xã hội chính là hệ thống những quy tắc, chuẩn mực xã hội có chức năng khuyến khích và kiểm soát, giám sát, điều tiết và điều chỉnh các hành vi, quan hệ xã hội đối với các chủ thể xã hội có liên quan nhằm đáp ứng những nhu cầu nhất định của xã hội. Từ hướng tiếp cận thiết chế xã hội có thể gợi ý rằng, những kết quả hay bất cập, thuận lợi hay khó khăn, lực hút hay lực đẩy; đề xuất giải pháp…trong các nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cần được tiếp cận và phân tích một cách tổng thể, đồng bộ từ chính các thiết chế xã hội có liên quan, với sự lượng hóa các mức độ, xu hướng, tính chất tác động cụ thể.

Sáu là, xã hội học có thế mạnh là sử dụng kết hợp đồng thời cả hai phương pháp nghiên cứu: định lượng và định tính dựa trên bằng chứng và độ tin cậy cao. Khoa học xã hội học nhấn mạnh tính khách quan, trung tính trong việc đưa ra các nhận định luận điểm. Để đạt mục tiêu chất lượng và hiệu quả trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học lý luận chính trị việc cung cấp các luận chứng xác đáng dựa trên nền tảng của việc kết hợp giữa phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Điều này bắt nguồn từ “sức mạnh kép” của xã hội học. Khoa học xã hội học vừa có đặc điểm của khoa học tự nhiên, tức là giải thích nguyên nhân, điều kiện và hệ quả của hành động xã hội, vừa có đặc điểm của khoa học xã hội-nhân văn, tức là lý giải mục đích, nhu cầu, động cơ, ý nghĩa của hành động xã hội. Do đó, từ vấn đề này có thể gợi ý rằng trong nghiên cứu phát triển lý luận chính trị cần phải quan tâm vận dụng đồng thời và phù hợp các phương pháp nghiên cứu xã hội học. Đó là xây dựng bộ chỉ báo, tiêu chí định lượng và định tính để đo lường, lượng hóa nhằm đảm bảo sự khách quan, trung tính, độ tin cậy và phù hợp của các kết quả, sản phẩm của các công trình, đề tài khoa học lý luận chính trị cụ thể.

 Bảy là, xã hội học có nguồn gốc hình thành và phát triển từ góc độ tiếp cận đa- liên- xuyên- ngành. Từ vấn đề này có thể gợ ý rằng, nghiên cứu phát triển lý luận chính trị cần dựa trên nền tảng khoa học đa- liên- xuyên ngành và bám sát điều kiện, nhu cầu và mục tiêu đổi mới, phát triển của đất nước. Tức là tiếp cận theo các lĩnh vực: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Tiếp cận đa - liên - xuyên ngành khoa học trong nghiên cứu khoa học lý luận chính trị đòi hỏi phải đẩy mạnh việc thiết lập tư duy mới, cách làm mới và mục tiêu thích hợp trong bối cảnh mới.Do đó, chỉ có thể mở rộng tối đa biên độ kết nối sự hiểu biết của các khoa học: khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật- công nghệ, khoa học xã hội - nhân văn, khoa học lý luận chính trị để nghiên cứu khoa học, hoạch định và thực hiện chính sách nhằm không ngừng đổi mới và phát triển đất nước theo hướng nhanh, hài hòa, bền vững.

Tám là, trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển lý luận chính trị cần quan tâm hơn đến tư duy tiếp cận hệ thống và phương pháp phân tích cấu trúc xã hội. Tư duy hệ thống và phân tích cấu trúc xã hội là phân tích nhóm xã hội, xác định vị trí, vai trò, vị thế, thái độ chính trị - xã hội của các nhóm xã hội, tìm ra vấn đề xã hội phải giải quyết. Trong khoa học xã hội học, nhóm với ý nghĩa là một thành tố cơ bản tạo nên cấu trúc xã hội; là đơn vị tiếp cận, phân tích cơ bản theo nghĩa là một tập hợp người, trong đó các cá nhân có mối liên hệ tương giao lẫn nhau và tồn tại một kiểu cấu trúc nào đó để xác định danh vị chung. Vì vậy, trong nghiên cứu và vận dụng khoa học lý luận chính trị cần quan tâm đến đến “tương quan nhóm” trong phân tích, đánh giá và vận dụng khoa học lý luận chính trị. Bởi vì  khoa học xã hội học có khả năng nắm bắt kịp thời, chính xác cũng như tạo ra cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc tham vấn, đề xuất chính sách nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra của từng nhóm xã hội. Trên cơ sở tiếp cận nhóm trong nghiên cứu xã hội học nắm bắt được chính xác, kịp thời diễn biến tư tưởng, nhu cầu, mong muốn, năng lực và điều kiện chính trị, văn hóa - xã hội của mỗi người dân, mỗi nhóm và giai tầng xã hội. Từ đó có những biện pháp phù hợp như: tuyên truyền vận động hay thuyết phục họ thực hiện tốt các chủ trương chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước song hành với việc giải quyết kịp thời, đúng đắn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhóm và các giai tầng xã hội.

Chín là, sử dụng phương pháp quan sát khoa học để phát hiện những kịp thời, phân tích chính xác những vấn đề nãy sinh trong thực tiễn mà khoa học lý luận chính trị cần phải quan tâm nghiên cứu. Theo quan niệm của  A.Comte, có thể coi nhà triết học là “chuyên gia khai quát” các ý tưởng, còn nhà xã hội học là “chuyên gia quan sát” đời sống xã hội. Một trong những sức mạnh của xã hội học chính là phương pháp quan sát theo tinh thần thực chứng luận. Trong đó quan trọng nhất là quy tắc “quan sát bằng lý thuyết”, quan sát bằng con mắt lý luận khoa học, tức là: quan sát phải gắn với lý luận, quan sát phải được soi rọi bởi lý thuyết, quan sát phải có mục đích, quan sát phải tuân theo quy luật của hiện tượng được nghiên cứu. Nếu làm trái các quy tắc này, quan sát sẽ trở nên mò mẫm, mù quáng, phi khoa học. Do đó, điều này đòi hỏi cần phải tích cường việc vận dụng phương pháp quan sát xã hội học để làm tăng giá trị khoa học, tăng sức thuyết phục và sự lan tỏa sức thuyết phục của các luận điểm, luận cứ khoa học lý luận chính trị trong đời sống xã hội.

Là một khoa học ra đời muộn trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản giữa thế kỷ XIX và phục vụ cho mục tiêu của chủ nghĩa tư bản. Xã hội học được giai cấp tư sản kỳ vọng là có sứ mệnh là tìm kiếm những giải pháp giải quyết sự bất cập, hạn chế của các khoa học xã hội trong giải thích các hiện tượng xã hội ở các nước tư bản chủ nghĩa lúc bấy giờ. Trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản cho thấy có sự thường điều chỉnh để vượt qua  những khuyết tật của chính nó, một trong những giải pháp đó là họ sử dụng triệt để sức mạnh của khoa học xã hội học.

Ngày nay trong bối cảnh Việt Nam, việc nghiên cứu khoa học xã hội học ở Việt Nam một trong những mục tiêu cần hướng đến chính là góp phần thúc đẩy nghiên cứu phát triển và vận dụng lý luận chính trị. Và đương nhiên, trong nghiên cứu xã hội học cần phải xem lý luận chính trị  chính là một phương pháp luận quan trọng để phát huy vai trò sức mạnh của khoa học xã hội học đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước hiện nay. Thiết tưởng để mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, phát triển và vận dụng khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam, một trong những yêu cầu đặt ra và cần phải thực hiện sáng tạo, hiệu quả là tăng cường và phát huy vai trò của khoa học xã hội học trong các chủ đề/đề tài nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cụ thể.

Khoa học lý luận chính trị tự nó không thể đi vào cuộc sống, không thể cải biến thực tiễn nếu không được thẩm thấu vào đường lối chính trị của đảng cầm quyền, vào hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước. Do vậy, từ góc độ tiếp cận xã hội học như đã phân tích, cũng như yêu cầu lý luận và thực tiễn đặt ra cần phải khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tạo sự kết nối, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa hệ thống các khoa học: khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội nhân văn (trong đó có khoa học xã hội học), khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ; giữa các cơ quan nghiên cứu, đào tạo lý luận chính trị; giữa cơ quan nghiên cứu lý luận với cơ quan nghiên cứu xây dựng chính sách và với cơ quan lãnh đạo, quản lý; giữa đội ngũ cán bộ tham vấn lý luận với cán bộ hoạt động thực tiễn, cán bộ hoạch định đường lối, chính sách...nhằm góp phần bảo đảm cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong bối cảnh mới./.

TS. Đỗ Văn Quân
TS. Đặng Thị Minh Lý

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thậtH, 2021, t.I, tr. 90-91.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thậtH, 2021, t.II, tr. 234 -235.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản