Tin mới

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự do và tất yếu - Giá trị vận dụng vào quá trình nhận thức và bảo đảm quyền tự do của nhân dân

(Mặt trận) - Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không tập trung bàn riêng về tự do và tất yếu; song, trong những bài viết, bài nói của Người, chúng ta nhận thấy khá rõ quan điểm khẳng định về mối quan hệ biện chứng giữa tự do và tất yếu, giữa tự do và bổn phận của mỗi công dân trên con đường phấn đấu để đi tới thắng lợi cuối cùng là xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, nhằm tạo dựng “nền tự do và hạnh phúc cho con cháu muôn đời sau”.

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Quy định 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính

HDBank đồng hành cùng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Việt Nam _Tranh: Tư liệu 

1- Tự do và Tất yếu là hai phạm trù quan trọng không chỉ trong triết học, mà còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng cả trong các lĩnh vực của đời sống con người và xã hội. Hai phạm trù này thể hiện rõ mối quan hệ giữa các hoạt động có mục đích của con người với các quy luật khách quan, tồn tại độc lập với ý thức của con người.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, tự do là khả năng, là năng lực của con người quyết định hành động của mình trên cơ sở nhận thức đúng đắn tính tất yếu khách quan. Tự do của con người không phải là hành động tùy tiện, bất chấp quy luật, muốn làm gì cũng được. Nói cách khác, tự do của con người là sản phẩm của lịch sử, là sự thống nhất giữa nhận thức và vận dụng, hành động của chủ thể theo cái tất yếu. Cụ thể hơn, “Tự do không phải là ở sự độc lập tưởng tượng đối với các quy luật của tự nhiên, mà là ở sự nhận thức được những quy luật đó và ở cái khả năng - có được nhờ sự nhận thức này - buộc những quy luật đó tác động một cách có kế hoạch nhằm những mục đích nhất định... Do đó, sự phán đoán của một người về một vấn đề nhất định, càng tự do bao nhiêu thì nội dung của sự phán đoán đó sẽ được quyết định với một tính tất yếu càng lớn bấy nhiêu; còn sự không quả quyết, do không hiểu biết mà ra, thì có vẻ là chọn lựa một cách tùy tiện trong nhiều khả năng quyết định khác nhau và trái ngược nhau, song chính do đó mà chứng tỏ rằng nó không có tự do, nó bị chi phối bởi đối tượng mà lẽ ra nó phải chi phối. Vì vậy, tự do là ở sự chi phối được chính bản thân và tự nhiên bên ngoài, một sự chi phối dựa trên sự nhận thức được những tất yếu của tự nhiên; do đó, tự do là sản phẩm tất yếu của sự phát triển lịch sử”(1).

Trong chủ nghĩa Mác, tự do, về bản chất là cái vốn có của con người, là “quyền của con người”(2); “sự thiếu tự do là mối nguy hiểm chết người thật sự đối với con người”(3). Tự do tuyệt nhiên không phải là sản phẩm của tư duy thuần túy, mà đúng như Ph. Ăng-ghen đã nói, “tự do là sản phẩm tất yếu của sự phát triển lịch sử”(4); cũng có nghĩa là, tự do không tránh khỏi việc bị giới hạn nhất định của lịch sử quy định. Trong xã hội loài người, tự do không phải là cái có sẵn, không phải là cái tự nhiên. Nó là kết quả của các hoạt động hết sức đa dạng của con người, trong đó có hoạt động cải biến giới tự nhiên; đặc biệt, tự do là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp trong các xã hội có giai cấp nhằm chống ách áp bức, chống tình trạng người bóc lột người, chống việc dân tộc này áp bức, đè nén, thống trị các dân tộc khác. Nói tóm lại, tự do đối với con người là sự nhận thức được cái tất yếu và hành động theo cái tất yếu ấy. Các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa trong thời đại chúng ta được tiến hành dựa trên cơ sở con người nhận thức và tự giác hành động theo tính tất yếu đanh thép, đó là sự sụp đổ không tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân, “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản”, của những người dân nô lệ ở các nước thuộc địa, “đều là tất yếu như nhau”(5).

2- Trong tất cả công trình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta, không có công trình nào của Người tập trung bàn riêng về hai phạm trù triết học này. Tuy nhiên, ngay từ rất sớm, khi mới bắt đầu hành trình đi tìm con đường cứu nước cho đến tận những ngày cuối đời, trong nhiều bài viết, bài nói của Người, chúng ta có thể nhận ra quan điểm của Người về mối quan hệ giữa tự do và tất yếu. Mỗi khi Người nói về cuộc đấu tranh tất yếu của nhân dân các nước thuộc địa để giành độc lập và tự do, để xây dựng xã hội mới, chúng ta đều thấy nổi lên vấn đề tự do và tất yếu. Chẳng hạn, về vấn đề tự do, khi trả lời phỏng vấn của một phóng viên Mỹ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9-1919, về mục đích đến nước Pháp của mình, Nguyễn Ái Quốc khẳng khái đáp: “Để đòi quyền tự do cho dân An Nam”(6). 

Suốt cả cuộc đời mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã ra sức làm mọi việc cốt để giành lại độc lập cho đất nước, đem lại tự do cho nhân dân, đúng như Người nói: Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Đối với Người, có giành được độc lập hoàn toàn cho đất nước, thì mới có thể đem lại tự do thật sự cho cả dân tộc và cho mỗi con người. Nói cách khác, độc lập dân tộc là tiền đề, là điều kiện tiên quyết, là tất yếu để cho con người có được sự tự do. Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”(7). Bởi vậy, đối với Người, một nhận định mang tính chân lý hiển nhiên là: Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,/ Cay đắng chi bằng mất tự do? 

Năm 1928, Nguyễn Ái Quốc đã đanh thép tố cáo chủ nghĩa thực dân: “đế quốc Pháp với quân lính của chúng đã coi tính mạng người Đông Dương như cỏ rác, muốn thì chúng tước đoạt của cải, thích thì chúng bắn giết”(8). Sự thống trị hà khắc của thực dân Pháp làm cho nhân dân, “chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có. Chúng tôi không có quyền cư trú và du lịch ra nước ngoài; chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập”(9); người Việt Nam cũng như người dân Đông Dương bị tước quyền tự do lập hội, đi lại, diễn thuyết và viết báo, đều bị bịt mồm bịt miệng và bị giám sát; bị chế độ thực dân “làm cho u mê để thống trị”. Từ khi thiết lập chế độ thuộc địa trên đất nước Việt Nam, “những người đại diện cho nước Cộng hòa Pháp ở Đông Dương vẫn cứ ngoan cố kìm chân người bản xứ trong vòng nô lệ, không cho họ hưởng một chút quyền tự do nào”(10).

Bôn ba suốt nhiều năm tháng, qua nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc với nhiều hạng người, làm nhiều nghề kiếm sống để hoạt động cách mạng, chứng kiến sự tàn bạo và vô nhân đạo của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã đúc kết hết sức sâu sắc như sau: “Chế độ thực dân ngày nay nghìn lần vô nhân đạo, khủng khiếp và tội lỗi hơn so với chế độ nô lệ. Nó dẫn tới sự hủy diệt nhân dân các thuộc địa”(11). Chính sự vô nhân đạo, sự đàn áp dã man của chế độ thực dân hơn cả chế độ nô lệ thời Trung cổ và sự bất bình đẳng xã hội ấy đã “gây ra cho tất cả những người bản xứ cái tâm trạng chống chủ nghĩa quân phiệt”(12).

Lịch sử xã hội loài người cho thấy, khi nào và ở đâu có tình trạng người áp bức, bóc lột người thì tất yếu sẽ có sự phản kháng, sẽ có đấu tranh, cho nên nhân dân các dân tộc thuộc địa nhất định sẽ vùng dậy chống lại sự thống trị của chủ nghĩa thực dân để giành quyền sống, giành quyền tự do cho dân tộc mình. Nguyễn Ái Quốc viết: “Vì bị áp bức mà sinh ra cách mệnh”; tất nhiên “áp bức càng đè nặng lên vai dân chúng bao nhiêu thì dân chúng chống lại càng nhiều bấy nhiêu”(13); “mọi chế độ thực dân đế quốc đều tiêu diệt hết các nòi giống bản xứ, và muốn cứu vãn những nòi giống này, ta phải lật đổ chủ nghĩa đế quốc”(14). Người chỉ rõ rằng, dù người Đông Dương không được học, bằng sách vở và bằng diễn thuyết, nhưng người Đông Dương nhận sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ. Tuy nhiên, “đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến”; chính “sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”(15).

Còn nhiều lần khác nữa Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh mối quan hệ giữa tự do và tất yếu, theo đó, các dân tộc thuộc địa muốn “ăn quả thì phải trồng cây”. Muốn tự do, độc lập thì phải hy sinh tranh đấu; muốn thoát ách nô lệ, muốn tự lập, tự cường thì nhất định phải làm cách mạng; muốn tự giải phóng hoàn toàn thì còn phải đấu tranh. Bởi vậy, trong Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp trước khi bí mật rời nước Pháp, Người viết: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(16).

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở mọi người dân ở tất cả nước thuộc địa rằng, chế độ thực dân không bao giờ muốn đất nước họ được độc lập; không bao giờ cho dân họ được tự do. Tự do không bao giờ tự đến với họ; bởi vì, chế độ thuộc địa chỉ muốn họ chìm đắm mãi mãi trong cảnh nô lệ, nên nếu họ muốn tự giải phóng hoàn toàn thì còn phải đấu tranh, mỗi một người dân phải hiểu rằng có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do; cho nên muốn thoát ách nô lệ, muốn tự lập, tự cường thì nhất định phải làm cách mạng.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chế độ thực dân chưa đem lại tự do thật sự cho họ ngay tức thì; vì vậy, muốn có sự tự do thật sự ấy thì các dân tộc còn cần “tự lập”, “tự cường”; muốn đạt mục đích ấy thì nhất định phải “đánh quỵ đế quốc, đánh quỵ phong kiến”, “phải có một lực lượng cực kỳ to lớn mạnh mẽ”; phải có sự đồng lòng, sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc. Tựu trung lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, trong thời đại ngày nay có một tính tất yếu mang ý nghĩa như một chân lý, đó là “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(17). Còn xa hơn nữa, “thế giới sẽ chỉ có nền hòa bình cuối cùng khi tất cả các dân tộc tự mình thỏa thuận với nhau cùng tiêu diệt con quái vật đế quốc chủ nghĩa ở khắp mọi nơi mà họ gặp nó”(18).

Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy trong chủ nghĩa Mác - Lênin một cái “cẩm nang thần kỳ” - “con đường cách mạng vô sản” - ở đó, có một sự thống nhất biện chứng giữa giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Bởi vậy, Người chỉ rõ phải làm thế nào để cho công nhân da đen và da vàng cùng hiểu rằng: Kẻ thù duy nhất của họ nằm ngay trong bản thân cái chế độ này, chế độ đang dẫn đến một chế độ nô lệ tinh vi hơn, và vô nhân đạo hơn chế độ nô lệ trước đây. Để hiện thực hóa con đường tự giải phóng ấy, tất yếu phải có một đảng cách mạng chân chính lãnh đạo, bởi lẽ: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(19). Chỉ khi có được tất cả điều kiện và thành quả của công cuộc giải phóng đó thì con người mới thật sự có được tự do; khi đó “tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc”(20) mới trở thành sự thật.

Các dân tộc thuộc địa có đánh đổ được sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, đất nước có giành được độc lập thật sự thì nhân dân mới được hưởng quyền tự do, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc thật sự. Đó cũng là lý do vì sao ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước thế giới về việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), và Người khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rằng: Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy. Người luôn luôn khẳng định về một nước Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, nhưng cũng nhấn mạnh rằng, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(21). Độc lập cho đất nước, tự do và hạnh phúc cho cả dân tộc và cho mỗi con người có mối quan hệ biện chứng, không tách rời nhau.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư xóm 4, xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: TTXVN 

3- Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi nước nhà giành được độc lập thì cả dân tộc nhất định phải ra sức xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn; để cho mọi người có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc; để cho “mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy”(22), nghĩa là mọi người được thật sự tự do; bởi vì, tự do, độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc.

Một xã hội mà con người có được sự tự do như vậy chỉ có thể là xã hội xã hội chủ nghĩa. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không tách rời nhau; độc lập dân tộc là tiền đề, là điều kiện tiên quyết và tất yếu để nhân dân tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, sự thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là điều kiện để thực hiện một cách vững chắc mục tiêu độc lập dân tộc, và từ đó mang lại cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc cho con người.

Từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết bài học lịch sử hết sức quý giá: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”(23). Nói cách khác, đoàn kết toàn dân tộc là điều kiện không thể thiếu, là đòi hỏi tất yếu để giữ gìn nền độc lập của quốc gia và quyền tự do vững bền cho dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh rằng, cũng như trong cuộc kháng chiến chống thực dân giành độc lập dân tộc, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội chúng ta càng cần đến tinh thần đoàn kết toàn dân tộc - một truyền thống quý báu đã được hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm qua. Chúng ta đang có thuận lợi rất lớn là: “Lịch sử nước nhà chưa bao giờ trông thấy chúng ta đoàn kết chặt chẽ như ngày nay”(24). Theo Người, nếu không có sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng rất cao của toàn dân tộc thì công cuộc xây dựng đất nước sẽ vô cùng khó khăn. Để có được sự đồng lòng, nhất trí và đoàn kết toàn dân tộc thì Đảng, Nhà nước và xã hội phải thực hành dân chủ để làm cho dân ai cũng được hưởng quyền dân chủ, tự do; bởi vì “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(25).

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định về mối quan hệ giữa tự do và tất yếu, giữa tự do và bổn phận của công dân. Người viết: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân”(26). Nói cách khác, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với mọi công dân, quyền lợi và nghĩa vụ, tự do và bổn phận, tự do và trách nhiệm, tự do và tất yếu... gắn bó hết sức chặt chẽ với nhau. Nếu như trước đây, muốn thoát ách nô lệ, muốn tự lập, tự cường thì nhất định phải làm cách mạng, vì thế cả dân tộc ta đã nhất tề đứng lên “kiên quyết noi theo lịch sử vẻ vang của tổ tiên, tranh lại thống nhất và độc lập cho dân tộc và xây dựng nền tự do và hạnh phúc cho con cháu muôn đời”(27); thì ngày nay, để thành công trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta nhất định “phải động viên hết thảy mọi lực lượng mới mong đi tới thắng lợi cuối cùng”(28).

Để thành công trong huy động lực lượng toàn dân tích cực tham gia công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời, muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và các cơ quan nhà nước nhất định “Phải khắc phục hiện tượng thiếu tập thể, thiếu dân chủ, khắc phục tác phong quan liêu mệnh lệnh, phải nghe ngóng ý kiến của cán bộ và nhân dân”(29); phải “đoàn kết từ trên xuống dưới và phải mở rộng dân chủ thật sự với nhân dân”; cán bộ, đảng viên, đoàn viên “phải... làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(30). Tuy nhiên, theo Người, để thực hiện được tất cả việc đó thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân, vì rằng chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt.

Một con người, một người cán bộ, một đảng viên cộng sản, khi sa vào chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết lo cho sự tự do của bản thân và chỉ lo thu vén cho quyền lợi cá nhân mình, dẫn đến tham ô, nhận hối lộ bất chấp pháp luật của Nhà nước, kỷ cương của tổ chức thì tất yếu sẽ bị kỷ cương và pháp luật trừng trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, không ít cán bộ đảng viên, do sa vào chủ nghĩa cá nhân, nên đã mắc “khuyết điểm lớn nhất là thiếu chí khí làm chủ nước nhà, thiếu tinh thần trách nhiệm”(31). Người cũng cảnh báo: Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, theo Người, để bản thân mình và mọi người thật sự làm chủ nước nhà thì cán bộ và đảng viên phải bài trừ tệ quan liêu, lãng phí, tham ô; phải quan tâm đến lợi ích, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phải làm sao cho “tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình”; nghĩa là trong công việc và trong cuộc sống, mọi người “tư tưởng phải được tự do... Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”(32). Trong một xã hội không có tự do, thiếu dân chủ thì con người không thể có sáng kiến, phát minh, sáng chế, không thể sáng tạo, cũng không thể có sự chủ động trong mọi công việc. Hậu quả sẽ là làm cho sản xuất đình đốn, xã hội trì trệ.

Trong công cuộc xây dựng đất nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, mọi người, mọi công dân, dù ở bất cứ cương vị nào trong xã hội, đều cần được hưởng quyền tự do, quyền con người, quyền công dân đã được quy định rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3). Rất nhiều quyền tự do và nghĩa vụ của con người, của công dân cũng được quy định tại các điều từ Điều 14 đến Điều 49, tại chương II của Hiến pháp: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Chẳng hạn, kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền tự do và nghĩa vụ tất yếu, tự do và luật định, Hiến pháp cũng quy định rõ quyền con người“quyền công dân không tách rời nghĩa vụcông dân” (Điều 15). Cụ thể là, mọi người không bao giờ được lãng quên nghĩa vụ, bổn phận, trách nhiệm công dân của mình; không bao giờ được đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Mặc dù tự do, về bản chất là cái vốn có của con người, là “quyền của con người” như các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã nói, nhưng trong xã hội văn minh như xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang từng bước hướng tới, thì tự do không có nghĩa là coi thường, bất chấp pháp luật; và bất kỳ ai cũng nhất quyết không được tùy tiện đi ngược lại kỷ cương, phép nước. Một mặt, xã hội càng văn minh thì biên độ tự do của con người càng được mở rộng và cũng được pháp luật bảo vệ một cách hiệu quả hơn; ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi công dân cũng cần được nâng cao hơn; mặt khác, trong xã hội, tự do của con người cũng không có nghĩa là con người được phép hành động một cách tùy tiện, bất chấp quy luật, bất chấp quy định của pháp luật và không vì lợi ích tối thượng của quốc gia - dân tộc. Cần thực hiện nghiêm tinh thần của Đại hội XIII của Đảng: “Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(33)./.

-----------------------------

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1994, t. 20, tr. 163 - 164
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 20, tr. 153
(3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 99
(4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 20, tr. 164
(5) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 613
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 16
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 496
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 395 - 396
(9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 34 - 35, 18
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 18
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 408
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 191
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 288, 396
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 371
(15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 40, 209
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 30
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 17
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 289
(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 9
(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64
(22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 272
(23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 256
(24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 101
(25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 325
(26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 258
(27) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 197
(28) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 96
(29) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 451 - 452
(30) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 294, 293
(31) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 13
(32) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 378
(33) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 165 - 166

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản