Tin mới

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ

(Mặt trận) - Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 do nhiều nhân tố tạo thành, trong đó nhân tố trước tiên, xuyên suốt và có ý nghĩa quyết định, đó là sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Quy định 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính

Ngày 7/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm Tướng De Castries. Ảnh: Tư liệu TTXVN 

Phân tích, đánh giá chính xác tình hình, đề ra nguyên tắc chỉ đạo chiến lược

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta đã phân tích, đánh giá chính xác tình hình, âm mưu của địch trong thực hiện Kế hoạch Navarre, từ đó đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời và sáng tạo.

Sau khi bị thất bại trong Chiến dịch Hòa Bình (năm 1951), Tây Bắc (năm 1952), thực dân Pháp chọn tướng Navarre (khi ấy là Tham mưu trưởng lục quân Khối NATO) sang làm Tổng Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương. Tháng 7/1953, Navarre đã đề ra kế hoạch quân sự mới mang tên ông ta và được Chính phủ Pháp chấp thuận với hy vọng có thể “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng. Thực hiện Kế hoạch Navarre, thực dân Pháp mở rộng càn quét các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bình-Trị-Thiên, Nam Bộ và tập trung quân cơ động chiến lược ở Bắc Bộ chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn.

Tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954, đề ra các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và tác chiến là: chọn nơi địch sơ hở, nơi địch tương đối yếu để đánh, giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng, không thể tập trung lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ. Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 11/1953, quân chủ lực ta tiến lên Tây Bắc.

Nhận rõ vị trí chiến lược trọng yếu của Tây Bắc đối với toàn chiến trường Đông Dương, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và gấp rút xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. “Trước sự uy hiếp của ta, địch đã phân tán lực lượng cơ động, ngày 20/11 nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, mục đích là yểm trợ cho Lai Châu và bảo vệ Thượng Lào. Hiện nay, ở Điện Biên Phủ, lực lượng địch có chừng sáu tiểu đoàn (chắc chắn là bốn tiểu đoàn), chúng đã sửa sân bay và đang kiến trúc công sự… Khi chủ lực ta uy hiếp thật mạnh thì ở Điện Biên Phủ, địch có thể tăng cường đến khoảng trên dưới 10 tiểu đoàn, biến thành một tập đoàn cứ điểm lớn” (1).

Trên cơ sở nắm chắc mọi âm mưu, hành động của địch, phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận. Ta dự kiến “thời gian tác chiến ở Điện Biên Phủ ước độ 45 ngày, nhưng còn tùy tình hình thay đổi, cũng có thể rút ngắn hơn. Chiến dịch có thể kết thúc vào khoảng đầu tháng 4/1954, sau đó đại bộ phận chủ lực sẽ rút về và một bộ phận sẽ còn phải ở lại tiếp tục phát triển sang Thượng Lào và uy hiếp địch về Luông Pha Băng" (2).

Trước khi ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao toàn quyền quyết định cho Đại tướng và căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” (3). Cũng trong tháng 12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, động viên tinh thần chiến đấu, giữ vững quyết tâm giành thắng lợi.

Trung ương cũng chỉ đạo các chiến trường Tây Nguyên, Liên khu 5, Nam Bộ và các nơi tiến công địch, phối hợp với Điện Biên Phủ. Đồng bằng Bắc Bộ đẩy mạnh chiến tranh du kích, làm suy yếu địch, tiến công địch cả ở địa bàn Hà Nội, Hải Phòng để “chia lửa” với mặt trận chính Điện Biên Phủ.

Như vậy, có thể khẳng định, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng đã tạo cơ sở, tiền đề quan trọng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng giành thắng lợi vẻ vang.

Các chiến sĩ pháo binh của ta đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ với hai bàn tay đã kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vào trận địa. Ảnh: Tư liệu TTXVN 

Chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch

Sau khi đã hạ quyết tâm mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đảng ta đã lên kế hoạch chuẩn bị mọi mặt để đảm bảo “chắc thắng”. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ. Việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương.

Về lực lượng chiến đấu, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ gồm 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 cán bộ, chiến sĩ. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch.

Ngoài lực lượng chủ lực chiến đấu trực tiếp, các lực lượng hỗ trợ chiến đấu cũng được gấp rút chuẩn bị sẵn sàng phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Một hậu phương rộng lớn trên cả nước, từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc đến vùng du kích và căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ, vùng mới giải phóng ở Thượng Lào đều dồn sức người, sức của cho chiến dịch. Công tác xây dựng đường sá, chuẩn bị lương thực, quân trang, quân dụng… được tiến hành khẩn trương. Trên 261.000 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên phục vụ chiến dịch. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, các địa phương đã huy động được 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt; 917 tấn thực phẩm khô; và 469 tấn thực phẩm khác… (4)

Về phương tiện vận tải, do nhu cầu vận tải lớn, tuyến vận tải dài, Tổng cục Cung cấp xác định: lấy vận tải cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới, đồng thời hết sức tranh thủ mọi phương tiện thô sơ, phát huy thế mạnh của từng phương thức, phù hợp với điều kiện địa hình. Do đó, chiến dịch đã huy động sử dụng toàn bộ 16 đại đội ô tô vận tải hiện có lúc đó; 20.991 xe đạp thồ, 11.800 mảng nứa và 500 ngựa thồ... (5)

Đến đầu tháng 3/1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã hoàn tất, quân dân ta chờ thời gian khai hỏa mở màn trận quyết chiến cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Pháo cao xạ phát huy sức mạnh tại Điện Biên Phủ, khiến quân Pháp hoang mang, lúng túng. Ảnh: Tư liệu TTXVN 

Triển khai thắng lợi chiến dịch

Thực hiện quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, khi địch còn chưa mạnh, cơ quan tham mưu đã đề nghị phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, dốc toàn lực đánh trong 3 đêm, 2 ngày tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Tuy nhiên, theo dõi nhiều ngày, khi thấy địch ngày càng tăng cường lực lượng, ra sức củng cố trận địa và những khó khăn của ta chưa có cách khắc phục, sáng 26/1/1954, Chỉ huy trưởng mặt trận - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ý kiến ra Đảng ủy bàn thay đổi cách đánh. Đảng ủy đã thảo luận sôi nổi và cuối cùng đi đến nhất trí chuyển sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Bởi đánh theo cách này, ta có điều kiện tập trung binh hỏa lực ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo đánh thắng địch.

Quyết định thay đổi cách đánh đã nhanh chóng được quán triệt từ Đảng ủy Chiến dịch đến các tổ chức đảng, các đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội và từng cán bộ, đảng viên. Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ đã tập trung lãnh đạo tư tưởng, thống nhất nhận thức và hành động, ra sức chuẩn bị lực lượng về mọi mặt cho cách đánh mới.

Trong thời gian đó, ta đẩy mạnh chiến tranh du kích tại các địa phương khác, kết hợp chặt chẽ với chống địch bắt lính, từ đó làm suy yếu địch ở các vùng miền để phát triển mạnh cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ và đồng bằng Bắc Bộ.

Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Từ ngày 13/3 đến 17/3/1954, quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, cứ điểm Bàn Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; uy hiếp sân bay Mường Thanh. Bất lực trước pháo binh của ta, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ đã dùng lựu đạn tự sát.

Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/l954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, kiểm soát sân bay Mường Thanh, cắt đứt đường tiếp viện của địch. Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Sau đợt tấn công thứ 2 khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm Sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.

Như vậy, với sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng sự chỉ đạo, hành động bản lĩnh, sáng tạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sự chiến đấu anh dũng của cán bộ, đảng viên, bộ đội trên toàn Mặt trận; sự chi viện to lớn của hậu phương và phối hợp giữa các chiến trường, sau 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2001, tập 14, tr. 593- 594.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn lập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2001, tập 14, tr. 595
(3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.291
(4) Chiến dịch Điện Biên Phủ: Sự kiện-Con số, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr.172
(5) Chiến dịch Điện Biên Phủ: Sự kiện-Con số, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr.171

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản