Tin mới

Tăng cường công tác phối hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc và bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, ngày 22/8/2008, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký và ban hành triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 19/2008/NQLT/CP-UBTUMTTQVN về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quy chế đã xác định 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy vai trò và trách nhiệm của các bên trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sau 15 năm thực hiện Quy chế, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - Nhân tố quyết định Đại thắng mùa xuân năm 1975

Hiệp định Geneva 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Một biểu tượng chói lọi của văn hóa Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ký kết Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.

Nghị quyết liên tịch số 19/2008/NQLT/CP-UBTUMTTQVN về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sau đây gọi tắt là Quy chế phối hợp) là cơ sở giúp thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Qua 15 năm thực hiện, các nội dung đề ra trong Quy chế được thực hiện đã tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và hoạt động đối ngoại của đất nước. Các nội dung phối hợp được triển khai toàn diện, thiết thực và hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống Nhân dân, như: phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đổi mới, sáng tạo, bảo vệ môi trường...

Từ thực tiễn phối hợp, nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh (như phối hợp phòng, chống dịch Covid-19) thực hiện có hiệu quả, qua đó đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao mức sống của người dân, thực hiện an sinh xã hội, nhất là trong chăm lo cho người nghèo, vùng khó khăn. Kết quả đạt được góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của Chính phủ và đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thứ nhất, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong việc tập hợp, vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong giai đoạn 2008 - 2022, hai bên đã phối hợp xây dựng, triển khai, giám sát và phản biện xã hội nhiều chính sách, chương trình, dự án, đề án về công tác dân tộc, tôn giáo, như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn I (2021 - 2025); Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”; Đề án “Công giáo Việt Nam thực hiện đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc”; xây dựng Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành luật...

Tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, chúc mừng, gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò người có uy tín, chức sắc tôn giáo tiêu biểu; nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận là người dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo; phối hợp biểu dương, tôn vinh người có uy tín, chức sắc tôn giáo tiêu biểu.

Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện với mục tiêu cụ thể hóa các phương hướng, nhiệm vụ do Bộ Chính trị đề ra, giao đầu mối chủ trì và các cơ quan phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004, Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 19/5/2015 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 21/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động về tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; ký kết Quy chế phối hợp công tác với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài về vận động người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân; ký kết Chương trình phối hợp với các tổ chức thành viên về hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp đánh giá, đề xuất các tiêu chí lựa chọn người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu để giới thiệu tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các khóa; phối hợp tổ chức các sự kiện dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, như Chương trình “Xuân quê hương”, tổ chức cho đồng bào đi thăm Trường Sa... phối hợp trao đổi thông tin và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của kiều bào để phản ánh, đề xuất với Đảng, Nhà nước.

Phối hợp kêu gọi, vận động kiều bào hướng về quê hương đóng góp xây dựng đất nước, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực tham gia hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư và tại nhiều địa phương trên cả nước; thường xuyên tham gia các hoạt động của Mặt trận như: Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”, thăm và tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách… Hai bên đã phối hợp tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài...

Thứ hai, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2008 - 2022, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 2 cuộc vận động và phong trào thi đua vận động Nhân dân tham gia thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác phòng chống dịch Covid-19 và hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hai bên đã phối hợp tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; ký Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/CP-ĐCTUBTWMTTQVN về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Chương trình phối hợp số 90/CTrPH/CP-ĐCTUBTWMTTQVN về vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về tiêu chí công nhận đô thị văn minh.

Hàng năm, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình “Nối vòng tay lớn”, sau này là Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” vận động “Quỹ vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội để chăm lo hỗ trợ người nghèo; phối hợp vận động ủng hộ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” góp phần chăm lo các gia đình chính sách, người có công và người nghèo...

Hai bên đã phối hợp xây dựng để ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Thông qua kết quả phối hợp triển khai các phong trào, cuộc vận động đã góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, đề án, nghị quyết của Chính phủ.

Quá trình triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các bộ, ngành để tổ chức triển khai. Hai bên đã phối hợp tham mưu đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; Chính phủ đã ban hành các chỉ thị, quyết định về tăng cường thực hiện cuộc vận động; ban hành Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương phát động tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX; động viên, khích lệ, phát huy khả năng tư duy sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, góp phần hình thành sáng kiến, ý tưởng mới trên các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, đất nước trong xu hướng hội nhập quốc tế, năm 2017, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động và triển khai phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”.

Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức bình chọn, công bố “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam”, góp phần thực hiện chủ trương: Chính phủ kiến tạo, Nhân dân khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục phòng, chống, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19. Quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên.

Thứ ba, trong công tác phối hợp xây dựng pháp luật, số lượng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành xin ý kiến của Mặt trận ngày càng có xu hướng tăng, nhất là sau khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được ban hành và có hiệu lực.

Hàng năm, Chính phủ, các bộ, ngành của Chính phủ đã gửi xin ý kiến đóng góp của Mặt trận khoảng 60 đến 80 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp đã mời đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 trong giai đoạn 2014-2016; tham gia hội đồng thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phạm vi quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, như Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Hai bên đã phối hợp tham gia xây dựng Hiến pháp năm 2013. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, hai bên đã phối hợp xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Luật Thanh niên năm 2020; sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn...

Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang tham gia xây dựng các chuyên đề trong Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" của Bộ Chính trị. Công tác phối hợp xây dựng pháp luật của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tiến hành trên tinh thần cụ thể hóa nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực Nhà nước, đổi mới cơ chế hoạt động... nhằm hướng tới hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Thứ tư, phối hợp thực hiện công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia để xây dựng, ban hành các văn bản về bầu cử, Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; thực hiện tốt công tác tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021, 2021 - 2026 theo luật định.

Tại các kỳ bầu cử, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác bầu cử. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp cao nhất để hoàn thành tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm:

(1) Phối hợp cùng với cơ quan nhà nước thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử và cử đại diện tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp;

(2) Chủ trì tổ chức hiệp thương, lựa chọn giới thiệu những người ứng cử ;

(3) Chủ trì phối hợp với chính quyền cùng cấp ở xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú, để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách chính thức giới thiệu người ứng cử;

(4) Chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử;

(5) Tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử;

(6) Thực hiện quyền giám sát việc bầu cử... góp phần bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm; tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu và bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Thứ năm, công tác phối hợp trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân có nhiều chuyển biến, tiến bộ, góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Hằng năm, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân phản ánh trực tiếp tại Quốc hội và gửi các cơ quan có liên quan, trong đó có Chính phủ.

Từ năm 2009 đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp 58.698 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới các kỳ họp Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Thứ sáu, các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, được hai bên phối hợp triển khai với các nội dung thiết thực, hiệu quả. Từ năm 2008 đến năm 2013, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức chủ yếu thông qua việc: tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và Nhân dân; tham gia giám sát với cơ quan nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân); giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 về quy định chi tiết hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thống nhất, lựa chọn, triển khai 13 chương trình phối hợp giám sát; trong đó có nhiều chương trình có sự phối hợp của các bộ, ngành của Chính phủ triển khai giám sát, kết quả bước đầu là rất rõ, có tác động tích cực để thực hiện,...

Đặc biệt, hai bên đã khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và giám sát việc thực hiện nghị quyết này. Lần đầu tiên, Mặt trận các cấp đã phát huy 4 hình thức giám sát, giám sát theo chuyên đề, giám sát đột xuất, liên thông giữa 4 cấp.

Các hình thức giám sát đã phát huy tốt hơn vai trò của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, hội đoàn, người dân chịu sự tác động của chính sách...

Về hoạt động phản biện xã hội, thực hiện theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, từ năm 2014 đến tháng 6/2022, Chính phủ, các bộ, ngành của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tổ chức 17 hội nghị phản biện xã hội đối với 14 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo chương trình, đề án.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp trong thời gian tới, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi bên trong việc tham gia xây dựng, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, như sau:

Một là, phối hợp trong việc tập hợp Nhân dân, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phối hợp động viên Nhân dân phát huy mọi nguồn lực, khả năng sáng tạo, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc, theo tôn giáo; phát huy vai trò nòng cốt của người uy tín, tiêu biểu, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo.

Phát huy nguồn lực, giá trị văn hóa, đạo đức của các dân tộc, tôn giáo tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xã hội hóa y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, an sinh xã hội, dạy nghề, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đối ngoại nhân dân. Phối hợp đề xuất giải quyết hoặc giải quyết các vụ việc khi có phát sinh về công tác dân tộc, tôn giáo. Phối hợp thực hiện các dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát huy vai trò của đồng bào dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc vận động; các phong trào thi đua yêu nước; các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội; các Chương trình mục tiêu quốc gia. Hằng năm, căn cứ vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, hai bên thống nhất nội dung trọng tâm, trọng điểm phối hợp thực hiện.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ, bảo đảm điều kiện cần thiết để Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai tuyên truyền, động viên Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bốn là, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp thu, giải trình ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trước khi ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đối với các chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án, chương trình có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Năm là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương mời đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập; gửi dự thảo văn bản và nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, phản hồi ý kiến phản biện, góp ý của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.

Sáu là, thực hiện công tác bầu cử, hai bên phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ về công tác bầu cử theo quy định của pháp luật. Hai bên phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và các văn bản hướng dẫn khác về công tác bầu cử theo quy định của pháp luật.

Bảy là, hai bên phối hợp triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tám là, hai bên phối hợp trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định pháp luật.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương xem xét, trả lời kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chín là, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh với Chính phủ tại các phiên họp Chính phủ; báo cáo phản ánh tình hình Nhân dân hằng quý gửi Chính phủ; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội hoặc đột xuất, phát sinh. Chính phủ có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời hoặc chỉ đạo bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, có văn bản gửi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mười là, hai bên phối hợp trong việc mở rộng và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế, đối ngoại nhân dân. Chính phủ tham khảo ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi ban hành chính sách nhằm khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước; cung cấp thông tin tình hình quốc tế, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động đối ngoại nhân dân và ký kết văn bản với các đối tác nước ngoài có liên quan; giúp các đoàn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi công tác ở nước ngoài.

Chính phủ mời đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các hội nghị, sự kiện trong nước và đoàn công tác ở nước ngoài khi có nội dung làm việc về hoạt động đối ngoại nhân dân.

* Nguyễn Bình Minh - Thạc sĩ, Chánh Văn phòng

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 

** Phạm Thu Hương - Tiến sĩ, Phó Chánh Văn phòng

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản