Tin mới

Tập huấn công tác phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

(Mặt trận) -Ngày 12/10, tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tập huấn công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài dự và chỉ đạo hội nghị.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Quang cảnh hội nghị 

Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam 8 tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên và gần 100 đại biểu là cán bộ Mặt trận cấp xã, phường, thị trấn và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được cung cấp các thông tin về công tác quản lý nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Lâm Đồng, thực trạng và giải pháp; vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài  phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài nhấn mạnh: Mục đích của hội nghị tập huấn lần này nhằm tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp, tăng cường giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân tham gia có chất lượng hơn về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, bổ sung, trang bị thêm kiến thức cho cán bộ Mặt trận các cấp nắm vững và tuyên truyền vận động Nhân dân nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới. Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, điển hình của cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thực hiện nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường.

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng, đó là các mô hình: Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Khu dân cư thực hiện hài hoà giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường gắn với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện, đang duy trì, xây mới và nhân rộng mô hình điểm "Vận động Nhân dân ở khu dân cư thực hiện tang văn minh, tiến bộ và bảo vệ môi trường”. Trong đó, năm 2017, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng mới 94 mô hình tại 47 tỉnh, thành phố; năm 2018, 2019, hỗ trợ 100 mô hình tại 50 tỉnh, thành phố; năm 2020 hỗ trợ 46 mô hình tại 23 tỉnh, thành phố. 

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 17 trong 109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hằng năm. Bình quân mỗi gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Đây là mối nguy hại rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Chính vì vậy, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng giảm thiểu rác thải, hạn chế rác thải nhựa là vấn đề hết sức cần thiết. Theo đó, công chức, viên chức trong hệ thống nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức quốc tế phải gương mẫu, tích cực và đi đầu trong giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế, tiến tới không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và nilon khó phân hủy. Ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Thực hiện các biện pháp xã hội hóa nâng cao nhận thức trong cộng đồng thông qua truyền thông bằng nhiều hình thức và nhiều đối tượng góp phần chung tay bảo vệ môi trường sống ngày càng trong lành, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuấn Quang

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản