Tin mới

Tọa đàm trực tuyến: Ô nhiễm rác thải và các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam

(Mặt trận) -Tại Việt Nam, rác thải đang là vấn đề cấp bách của xã hội. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Cũng vì không được xử lý hợp lý nên rác thải dược xem là một trong những nguồn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

 Quang cảnh buổi tọa đàm

Hiện nay, đốt rác phát điện được xem là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng công nghệ đốt rác phát điện chỉ phù hợp với những nước phát triển (rác được phân loại tại nguồn). Còn tại các quốc gia mà rác không được phân loại như Việt Nam thì việc đốt rác sẽ có một lượng khí độc hại đáng kể xả vào môi trường.

Thực tế, tại Việt Nam, hiện có nhiều dự án điện rác đã và đang triển khai, nhưng không ít trong số đó chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, lượng rác còn lại không xử lý được khá lớn, khoảng 20% thì phải mang chôn lấp. 

Lý giải nguyên nhân nhiều dự án điện rác tại Việt Nam “chết yểu”, các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân. Cụ thể, công nghệ HTC, biocarbon có thể sử dụng làm nhiên liệu sạch để đốt nhưng chi phí cao không dùng để sản xuất điện năng. Thứ hai, công nghệ thiết bị TF, cũng đòi hỏi rác thải được phân loại từ nguồn và chỉ xử lý rác thải hữu cơ để làm thành phân compost.

Hơn nữa, chi phí đầu tư thiết bị TF tương đối đắt tiền nhưng không sản xuất ra điện. Ngoài ra, công nghệ xử lý rác của Nhật Bản do tổ chức NEDO tài trợ đã dừng hoạt động vì chi phí quá cao và hiệu quả phát điện thấp. Công nghệ Trung Quốc có thể thấy tương đối lạc hậu, độ bền không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường.

Các nhà khoa học cho biết, hiện nay nhà máy sản xuất dây chuyền xử lý rác thải theo công nghệ mới tối ưu, có thể xử lý triệt để rác thải chỉ còn dưới 2%, không xả thải ra môi trường, điện năng phát lên lưới gấp 3 lần công nghệ đốt rác thông thường…

Đây cũng là công nghệ duy nhất đáp ứng điều kiện chất thải còn lại mang chôn lấp dưới 5%. Các bãi rác cũ sẽ được hoàn nguyên thành công viên cây xanh hoặc đất sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, còn có thể cung cấp năng lượng xanh tái chế và tái sử dụng vật liệu hữu ích được phân loại từ rác, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Công nghệ này đang được áp dụng tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp đã gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Để lắng nghe ý kiến và hỗ trợ khó khăn đồng hành cùng doanh nghiệp, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và sự phối hợp với Hội đồng Tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Ô nhiễm rác thải và các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam”

Tham dự Tọa đàm gồm có: ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Chi nhánh Đà Nẵng; ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường; đại diện Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có: TS. Nguyễn Linh Ngọc, Phó Chủ nhiệm Hội đồng; các vị Ủy viên Hội đồng: GS.TS Đặng Thị Kim Chi, GS.TS Lê Vân Trình, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy, ThS Nguyễn Quang Huân; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Hiệp hội Nhà Vệ sinh Việt Nam; lãnh đạo một số ban ngành, Ủy ban MTTQ TP. Đà Nẵng; một số nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và đông đảo phóng viên báo chí tham dự Tọa đàm.

Toạ đàm thảo luận, góp ý về thực trạng, ô nhiễm rác thải, nhằm đưa ra giải pháp thúc đẩy và phát triển dự án công nghệ điện rác tại Việt Nam. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp cùng các Cơ quan chức năng cùng hiến kế cải cách các thủ tục hành chính, góp phần làm xanh môi trường và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bứt phá.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Tuy nhiên, do tỷ lệ chôn lấp cao gây nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng như tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ TN&MT khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện. Nhưng thực tế tại Việt Nam, hiện có nhiều dự án điện rác ở khắp các địa bàn tỉnh thành nhưng phần lớn không mang lại hiệu quả. Hiện nay, đốt rác phát điện đang là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như: Nhật Bản , EU, … bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa cung cấp năng lượng cho xã hội. “Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án điện rác tại Việt Nam chưa  phát triển và chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Các cơ chế, chính sách cần phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp”. – Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng đặt câu hỏi.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài Nguyên & Môi trường khẳng định: Ô nhiễm rác thải sinh hoạt, cả ở khu vực thành thị và khu vực nông thôn hiện nay ở Việt Nam là một vấn đề nóng, gây bức xúc trong các cộng đồng dân cư. Đây là một chủ đề quan trọng được người dân, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, nhiều doanh nghiệp cũng như dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Mới đây, Nghị quyết của Bộ Chính trị số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 về các vấn đề phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường cũng đã có nhiều nội dung nhấn mạnh đến giải quyết ô nhiễm rác thải bằng các công nghệ hiện đại và phù hợp với Việt Nam. "Trong tương lai cần nhắm tới chủ đề các công nghệ xử lý rác thải. Trong đó, sẽ tổng kết một cách khái quát thực trạng hiện nay, đánh giá các công nghệ đã và đang được áp dụng tại Việt Nam, phân tích nguyên nhân vì sao ô nhiễm rác thải chưa được giải quyết một cách cơ bản và lâu dài. Từ đó, đề xuất định hướng và các giải pháp công nghệ phù hợp". - ông Nguyễn Thượng Hiền nói.  

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TSKH Mai Huy Tân - Chủ tịch, Giám Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức (VIDEBRIDGE) cho biết, cần đảm bảo các yêu cầu dưới đây để lựa chọn công nghệ đốt rác: Thứ nhất, phải xử lý tất cả các CTR không yêu cầu phân loại từ nguồn nhờ hệ thống phân loại rác tự động. Thứ hai, xử lý cả rác cũ đã chôn lấp, hoàn nguyên bãi rác đang tồn tại. Thứ ba, không cần nhiên liệu bổ sung để đốt rác. Thứ tư, không có tro bay và khí thải độc hại khi đốt rác. Thứ năm, không phát sinh nước rỉ rác. Thứ sáu, tỷ lệ tro xỉ phải chôn lấp < 2%. Thứ bảy, tiết kiệm diện tích xử lý rác (NM điện rác 2.000 T/ngày cần < 8ha). Thứ tám, biến rác hữu cơ và CTR thành khí tổng hợp và than cốc sinh hoạt. Thứ chín, hiệu suất sản xuất năng lượng từ syngas rất cao, phát điện liên tục từ syngas 8.600 h/năm. Thứ mười, độ bền và tuổi thọ dây chuyền thiết bị cao (tối thiểu 30 năm liên tục hoạt động). Thứ mười một, an toàn, VSMT, triệt tiêu ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất. Thứ mười hai, có bằng sáng chế đã đăng ký quốc tế và được bảo hộ. Thứ mười ba, có thể nội địa hóa để Việt Nam tự sản xuất dây chuyền thiết bị trong tương lai.

Tham luận với chủ đề "Giải pháp Công nghệ xử lý Chất thải rắn thông thường ở Việt Nam", GS.TS. Đặng Kim Chi, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, theo Báo cáo Môi trường quốc gia 2016 lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh trong cả nước tăng trung bình khoảng 12 %/năm. Hiện nay, trên cả nước chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh khoảng hơn 61.000 tấn/ngày. Trong đó phát sinh tại các đô thị khoảng hơn 37.000 tấn/ngày, nông thôn 24.000 tấn/ngày.

Toàn quốc hiện có khoảng 1230 cơ sở xử lý CTR, trong đó 860 bãi chôn lấp CTR tập trung (kể các bãi chôn lấp nhỏ rải rác ở các xã), 330 cơ sở đốt CTR  kể cả lò đốt nhỏ quy mô cấp xã), 37 cơ sở ủ phân hữu cơ, còn lại là kết hợp. Khối lượng chất thải được tái chế, tái sử dụng rất thấp, không được phân loại tại nguồn, độ ẩm cao, nhiệt trị thấp.

GS.TS. Đặng Kim Chi cho biết, mục đích của việc xử lý chất thải nhằm chuyển chất thải sang một dạng khác ít độc hại hơn, dễ kiểm soát hơn, chuyển chất thải thành chất khác có thể sử dụng có ích, làm giảm thể tích hoặc khối lượng nhằm lưu giữ được nhiều hơn và lưu giữ tạm thời để chờ đợi công nghệ phù hợp.

Tùy theo công nghệ áp dụng, chi phí xử lý sẽ khác nhau. Có công nghệ xử lý với chi phí thấp nhưng trong quá trình xử lý lại phát sinh ra ô nhiễm thứ cấp. Có công nghệ xử lý hiện đại, chi phí vận hành cao nhưng xử lý an toàn, không gây mùi, không phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Tuy nhiên, việc quản lý chất thải rắn làm sao cho hiệu quả, hạn chế phát sinh chất thải, tái sử dụng và tái chế chất thải.

Trong công tác quản lý chất thải rắn, cần ưu tiên giảm thiểu phát thải, tái sử dụng, tái chế, rồi mới đến xử lý, tiêu hủy.

GS.TS. Đặng Kim Chi nêu ra một số phương pháp xử lý chất thải rắn hiện hành: T́hứ nhất, giảm thiểu - tái chế - tái sử dụng một sô loại CTR, Xử lý CTR bằng phương pháp chôn lấp, Xử lý bằng phương pháp chế biến CTR hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh (Composting),... Thứ hai, xử lý CTR bằng phương pháp chôn lấp là phương pháp phổ biến tại các nước đang phát triển chủ yếu gồm: Bãi chôn lấp hở  không thu hồi và xử lý khí thải nước thải phát sinh và bãi chôn lấp hợp vệ sinh, có  lớp ngăn cách với đáy, có thu hồi và xử lý nước rác và khí phát sinh. Thứ ba, xử lý bằng phương pháp chế biến CTR hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh (Composting). Thứ tư, xử lý CTR hữu cơ bằng phương pháp sinh học phân hủy kị khí tạo thành khí gas sử dụng để phát điện. Thứ năm, xử lý bằng phương pháp nhiệt nhằm giảm khối lượng chất thải rắn, thu hồi năng lượng dùng cho các mục đích tái tạo năng lượng phục vụ đời sống, PP thiêu đốt còn là giai đoạn xử lý cuối cùng cho một sô loại chất thải không thể xử lý bằng các phương pháp khác. Thứ sáu, đổ thải ra đại dương. Và cuối cùng, xử lý bằng một số phương pháp thân thiên môi trường theo đặc thù của từng loại CTR.

Theo GS.TS. Đặng Kim Chi, ở Việt Nam phương pháp xử lý CTR bằng cách chôn lấp chiếm mất diện tích đất lớn, hiện đang quá tải ở nhiều thành phố lớn. Việc chôn lấp không phân loại gây khó khăn cho khả năng phục hồi môi trường. Bên cạnh đó việc chôn lấp cũng gây ô nhiễm môi trường: khí thải, mùi hôi, GHG, nước rỉ rác, các chất ô nhiễm tồn lưu như POP, KLN,... Các lò đốt chất thải công suất nhỏ, không đáp ứng nhu cầu xử lí chất thải đô thị, CTNH và chất thải y tế, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường cao. Không tận dụng được nguyên liệu, năng lượng trong CTR.

Vì vậy, công nghệ xử lý CTR thu hồi năng lượng, giảm thiểu chôn lấp CTR đang là xu thế chung của thế giới và cần được quan tâm, phát triển tại Việt Nam.

Chia sẻ về định hướng phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn ở Việt Nam, GS.TS. Đặng Kim Chi cho biết, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt bởi Quyết định số 2068/QD-TTg ngày 25/11/2015 nhằm nâng tỷ lệ xử lý chất thải thành phố cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050.

Theo chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 sẽ có 100% CTR đô thị, CTR công nghiệp không nguy hại, 50% CTR khu dân cư nông thôn và 50% CTR tại các làng nghề được thu gom để tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuát phân hữu cơ, hoặc xử lý đảm bảo không ô nhiễm môi trường.

Theo quy hoach phát triển nguồn điện sử dụng CTR (dự thảo) đến năm 2035 có khoảng 65 điểm (Khu XL) thuộc 30 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng phát triển dự án nhà máy điện sử dụng CTR với tổng công suất lắp đặt khoảng 1.290 MW trên toàn quốc.

Về tiêu chí lựa chọn Công nghệ xử lý chất thải rắn, GS.TS. Đặng Kim Chi cho biết, có 5 nhóm tiêu chí chung được sử dụng để đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn là: Hiệu quả xử lý ô nhiễm; Chi phí kinh tế; Trình độ hiện đại của thiết bị và công nghệ xử lý, vận hành, tiện lợi; Phù hợp với điều kiện Việt Nam; An toàn về mặt môi trường. Tùy thuộc từng loại hình công nghệ xử lý mà mức độ ưu tiên các tiêu chí sẽ khác nhau.

"Cần lựa chọn các địa phương có lượng rác lớn để thực hiện phương án điện rác chứ không nên thực hiện tại mọi địa phương bởi lẽ nếu không cần phải xử lý lượng lớn rác sẽ gây phung phí nguồn vốn lắp đặt, vận hành". - GS.TS. Đặng Kim Chi nói.

Về kinh tế, theo vị chuyên gia này, "đốt chất thải phát điện cần vốn đầu tư lớn nhất tuy nhiên, việc đầu tư ban đầu sẽ tạo ra lợi ích kinh tế từ việc thiết kế, xây lắp, lắp đặt nhà máy đốt rác tạo năng lượng. Làm đa dạng nguồn cung cấp năng lượng, tạo nguồn thu từ việc bán năng lượng tái tạo từ đốt rác. Giảm chi phí chiếm dụng đất dành cho chôn lấp. Không phát sinh nhiều chi phí xử lý nước rỉ rác, mùi hôi sinh ra từ chôn lấp".

Đối với xã hội, GS.TS. Đặng Kim Chi cho rằng, sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân địa phương. Tạo nguồn cung cấp năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Giảm mối nguy hiểm đến sức khỏe của cộng đồng từ tác động tiêu cực của bãi rác gây ra. Giảm tác động tiêu cực do xung đột với cộng đồng dân cư quanh bãi rác. Đem lại cơ hội tiếp cận những công nghệ mới tiên tiến của thế giới, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chuyển giao công nghệ môi trường trong tương lai.

Đối với môi trường, bà Kim Chi cho rằng, phương án điện rác sẽ xử lý triệt để các chất ô nhiễm trong chất thải rắn, đặc biệt hiệu quả với chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại. Giảm đáng kể thể tích và trọng lượng chất thải phải xử lý: tro xỉ thu được sau khi đốt, tùy thuộc vào công nghệ, giảm trung bình 80% trọng lượng và hơn 90% thể tích so với lượng chất thải ban đầu sẽ làm giảm diện tích đất sử dụng cho chôn lấp.

"Cần xét tiêu chí mức độ ảnh hưởng đến môi trường, nếu ít gây ô nhiễm môi trường thì mới được, giảm thiểu kinh phí, được ủng hộ từ nhiều phía, cần xem xét các địa phương nào cần thiết hơn. Nếu bán được điện sẽ giảm được chi phí vận hành". - GS.TS. Đặng Kim Chi nói thêm.

Đánh giá về khả năng áp dụng công nghệ Wte tại Việt Nam, bà Kim Chi cho rằng, các tiêu chí về công nghệ xử lí chất thải cần đáp ứng khi áp dụng tại Việt Nam gồm: Một là, mức độ ảnh hưởng đối với môi trường, không hoặc ít gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, không khí, ít gây ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hai là, khả thi về mặt kinh tế (sử dụng đất hiệu quả, chi phí xây dựng, mua sắm lắp đặt thiết bị, chi phí vận hành có thể chấp nhận được trong điều kiện của địa phương). Ba là, được sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân. Bốn là, khả năng đáp ứng về mặt kỹ thuật (dễ vận hành, phù hợp với nguồn nhân lực). Năm là, phù hợp với tính chất, thành phần và khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh hoặc khu vực.

Về khả năng đáp ứng của công nghệ WtE, theo bà Kim Chi, sẽ giảm phát sinh nước thải, khối lượng chôn lấp rất thấp (< 10% ban đầu) chủ yếu là tro không độc và chiếm dụng đất ít, không gây ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm. Bên cạnh đó, phương pháp đốt khép kín nên không phát tán mùi khó chịu ra ngoài, đốt ở nhiệt độ cao, có hệ thống xử lí khí thải đạt yêu cầu. Chi phí đầu tư của những công nghệ này cao, tuy nhiên hiện nay có rất nhiều sự ưu đãi đối với các dự án xử lý CTR (ví dụ thuế, lãi vay, liên doanh…) và vẫn khả thi về mặt đầu tư. Chi phí vận hành cao, tuy nhiên có nguồn thu từ việc bán năng lượng sẽ làm giảm chi phí vận hành và tăng khả năng thu hồi vốn.

"Công nghệ này thân thiện với môi trường, lại cung cấp nguồn năng lượng và nhận được sự đồng thuận của cộng đồng. Trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ môi trường ở nước ta ngày càng tăng và có khả năng đáp ứng về mặt kỹ thuật và nhân lực. Chất thải rắn đô thị ở nước ta chủ yếu là chất hữu cơ chứa nhiều các bon (>60%) và đang ngày càng tăng và đáp ứng được đầu vào của công nghệ." - Bà Kim Chi thông tin thêm.

Đồng thời đưa ra một số lưu ý nếu áp dụng Công nghệ đốt chất thải tạo năng lượng ở Việt Nam: Khuyến khích triển khai tại khu vực kinh tế trọng điểm đông dân, công nghiệp phát triển (khối lượng chất thải phát sinh nhiều, tập trung, nhiệt trị cao) quĩ đất ít, giá trị cao. Bên cạnh đó, nhà máy có công suất xử lý chất thải theo công nghệ WtE càng lớn càng hiệu quả về Kinh tế và Môi trường. Ngoài ra, phải chú trọng lựa chọn và đầu tư công nghệ đốt chất thải phát điện thuộc hàng tiên tiến trên thê giới, để tranh rủi ro khi đi vào vận hành (lò đốt tiên tiến, hệ thống xử lí khí thải đạt yêu cầu QCVN, có khâu phân loại chất thải bảo đảm yêu cầu về nhiệt trị, độ ẩm).

Trình bày tham luận "Công nghệ INTEC-TCP, CHLB Đức - một đột phá trong công nghệ xử lý rác thải ở Việt Nam", ThS Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường, Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam cho biết, có 4 mục đích khi áp dụng công nghệ này: Thứ nhất, nhằm từng bước thay thế công nghệ chôn lấp rác, hoàn nguyên các bãi rác cũ thành công viên cây xanh hoặc đất sản xuất công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, không khí, nước mặt, nước ngầm. Thứ hai, cung cấp năng lượng xanh (điện, than cốc sinh học), tái chế và tái sử dụng vật liệu hữu ích được phân loại từ rác. Thứ ba, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống biến đổi khí hậu. Thứ tư, phát triển tổ hợp công nghiệp 4.0 hiện đại, nội địa bước sản xuất các dây chuyền thiết bị điện rác công nghệ Đức cho Việt Nam và Asean.

Theo Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam, có bốn hệ thống trong nhà máy: Hệ thống xử lý rác cơ – sinh học; Hệ thống khí tổng hợp – INTEC SG Serie; Hệ thống sản xuất điện; Hệ thống sản xuất điện từ nhiệt. "Công nghệ xử lý rác này sẽ khử được mùi hôi, không cần phân loại rác tại nguồn. Sản phẩm sau xử lý chỉ còn than cốc và singat. Giảm phát thải khí CO2, bảo vệ môi trường, không cần dùng nguyên liệu bên ngoài để nung đốt, lượng tro sỉ chỉ có 2%. Nếu vận hành 24 tháng mà không phát ra điện thì phía bảo hiểm sẽ hoàn tiền lại". - Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam khẳng định.

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP. Đà Nẵng chia sẻ: Đây là vấn đề phức tạp về môi trường. Ngay từ khi tiếp cận vấn đề môi trường, tôi cũng đã đi tham quan rất nhiều nhà máy tại Trung Quốc và những nhà máy tại Quảng Bình, Bắc Giang, Cần Thơ…, các nhà máy còn nằm trên giấy (dự án). Chúng tôi đã đọc hồ sơ để đề xuất dự án với 26 hồ sơ từ các nhà đầu tư quan tâm.

Thế nhưng bây giờ để trả lời công nghệ nào tối ưu nhất hiện nay tôi cũng không trả lời được. Những tiêu chí như TSKH Mai Huy Tân, GS.TS Đặng Kim Chi đưa ra tôi hoàn toàn đồng tình. Những tiêu chí này cũng là những mong muốn của địa phương, đặc biệt Đà Nẵng là thành phố hướng đến tiêu chí môi trường, trở thành đô thị sinh thái. Để đạt được tiêu chí đó là điều hết sức khó khăn.

Hiện nay Đà Nẵng vẫn đang xử lý chôn lấp nhưng “không hợp vệ sinh mấy”, giá chôn lấp hiện nay cao không dưới 20USD/tấn. Năm 2017, không còn đất chôn lấp, thành phố đã đề xuất nhiều chuyên gia nghiên cứu hơn 2 năm nhưng cũng chưa tìm ra bài toán. Hiện nay, TP Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 1,1 tấn/ngày, bình quân hơn 1kg/rác/ngày/người.

Thực tế cho thấy, việc kêu gọi đầu tư xử lý rác đã tiến hành từ năm 2012 bằng cách đốt phát điện để triển khai. Tuy nhiên quy trình triển khai dự án hết sức khó khăn do phải lấy ý kiến của 7 hoặc 8 cơ quan phải mất 4 tháng. Hiện nay rất nhiều công nghệ xử lý điện rác, nhưng phải phù hợp với năng lực tài chính của địa phương.

Theo GS.TS Lê Vân Trình, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Tất cả các công nghệ đều được thẩm định. Các lò không có lỗi, lỗi ở đây là việc phân loại rác thải chúng ta không thể làm được. Nếu không phân loại rác được thì công nghệ nào cũng sẽ bó tay. Nhà máy tại Cần Thơ lượng tro bay đã gần đầy kho, công nghệ tốt nhưng không đồng bộ. Đầu tiên chúng ta cần nâng cao ý thức phân loại rác cho người dân, nếu cần có thể tăng chế tài xử phạt như các nước khác. Như vậy công nghệ mới có thể hoạt động tốt được. 

Phát biểu bế mạc buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Linh Ngọc, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường nhận định: Các báo cáo được trình bày trong hội thảo đã tổng kết một bức tranh khái quát, phân tích sâu sắc thực trạng của vấn đề rác thải ở Việt Nam. Các ý kiến trong hội thảo đã thẳng thắn mổ xẻ và phân tích những nguyên nhân khách quan và chủ quan của công nghệ và phương pháp xử lý rác thải hiện nay. Những nội dung đã được thảo luận trong hội thảo có ý nghĩa thiết thực về lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, hội thảo đã quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị số 55 - NQ/TW ngày 11.2.2020 về những nội dung có liên quan đến xử lý rác thải gắn với năng lượng tái tạo để giải quyết ô nhiễm môi trường bằng công nghệ hiện đại, phù hợp với Việt Nam. Tọa đàm đã chia sẻ, trao đổi, thông tin hữu ích giúp cho các cơ quan quản lý, các đại biểu dự Tọa đàm có được nhận thức sâu sắc hơn về thực trạng cũng như giải pháp khắc phục ô nhiễm rác thải cũng như giải pháp phát riển công nghệ điện rác tại Việt Nam, đóng góp vào sự  phát triển bền vững của đất nước.

Văn Vẻ

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản