Tin mới

Tổng Bí thư Trần Phú với Mặt trận Dân tộc thống nhất

(Mặt trận) - Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Đồng chí được phân công viết dự thảo Luận Cương chính trị và được Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua. Ngay trong Cương lĩnh đó, Đảng đã chủ trương giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lấy công - nông làm động lực cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo và cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Nhận thức này đã góp phần hình thành Chỉ thị đúng đắn của Đảng về xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Quy định 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính

Đồng chí Trần Phú (1904 - 1931). ẢNH TƯ LIỆU  

Đánh giá bản Luận cương Chính trị do Tổng Bí thư Trần Phú dự thảo và được Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong bản Luận cương cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân ta là nông dân”1.

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Ngay trong Cương lĩnh đó, Đảng đã chủ trương giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lấy công - nông làm động lực cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo và cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Ngoài công - nông, Đảng cần tranh thủ các giai cấp, tầng lớp có tinh thần dân tộc, phân hóa, cô lập những phần tử chống phá cách mạng.

Luận cương Chính trị đã đề ra những nguyên tắc chiến lược và sách lược xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất với nội dung cơ bản là: Đảng của giai cấp vô sản phải lãnh đạo Nhân dân làm cách mạng; cuộc cách mạng đó phải dựa vào dân cày nghèo, lôi kéo về phía mình các tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, trung nông; đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản Việt Nam mà chưa ra mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít ra là làm cho họ trung lập; bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ.

Như vậy, ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã chủ trương tập hợp đoàn kết các giai cấp, tổ chức chính trị, kể cả các cá nhân, nhằm phát huy tinh thần yêu nước truyền thống, huy động mọi lực lượng dân tộc có thể huy động, tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến để giành độc lập dân tộc.

Như đồng chí Hoàng Quốc Việt - một trong bảy Ủy viên Trung ương lâm thời đầu tiên của Đảng ta, người từ Sài Gòn ra dự Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 và bị địch bắt, đã viết trong Hồi ký “Chặng đường nóng bỏng”: Sau khi Đảng ra đời, cao trào cách mạng diễn ra trên quy mô lớn từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi lên miền ngược với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, của các dân tộc, đa số cũng như thiểu số, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Trước tình hình đó, việc thành lập Mặt trận trở thành vấn đề bức thiết. Vì vậy, cùng với việc thông qua Luận cương Chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương, với sự chuẩn bị và chủ trì của đồng chí Trần Phú, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thông qua hàng loạt các văn kiện quan trọng, liên quan đến dân vận và Mặt trận như: Công nhân vận động (Án nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị); Điều lệ Tổng Công hội Đông Dương; Điều lệ Công hội; Nông dân vận động (Án nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị); Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương; Điều lệ Nông hội làng; Điều lệ Ban chấp hành nông hội xã bộ. Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động của Trung ương toàn thể hội nghị; Phụ nữ vận động (Án nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị); Điều lệ Phụ nữ liên hiệp hội. Án nghị quyết về vấn đề cứu tế của Trung ương toàn thể hội nghị. Điều lệ Hội cứu tế đỏ và cuối cùng là Án nghị quyết về vấn đề phản đế của Trung ương toàn thể hội nghị.

Trong bối cảnh địch lùng sục gắt gao, khủng bố điên cuồng, phương tiện đi lại, họp hành hết sức khó khăn và phải bảo đảm bí mật tuyệt đối, Hội nghị vẫn được tiến hành và đã có những quyết định sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của đất nước về những vấn đề trọng đại của cách mạng Việt Nam, mở đường cho bước phát triển đi lên của cả dân tộc.

Để cụ thể hóa những điều đã nêu trong Luận cương Chính trị, Án nghị quyết về vấn đề phản đế của Trung ương toàn thể Hội nghị nhận định: Ở Đông Dương có nhiều lực lượng phản đế mà hiện nay cần phải liên hiệp lại thành một phong trào cách mạng thống nhất để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, mưu giải phóng cho xứ Đông Dương. Phê phán những nhận thức sai trái xem nhẹ các “đoàn thể phản đế”, Nghị quyết nhấn mạnh: “Việc tổ chức phản đế là một trách nhiệm cần kíp của Đảng, thế mà từ trước tới giờ, Đảng không có một cái kế hoạch cho xác đáng để tổ chức Hội ấy, chỉ tổ chức cá nhân mà thôi, không hề chú ý đến các đoàn thể cách mạng phản đế”2.

Về tổ chức và tính chất, Mặt trận thống nhất phản đế, Án nghị quyết nêu rõ: “Phải chiêu tập các hội công nông, học sinh, binh lính, thanh niên, phụ nữ và các đảng phái cách mạng khác (như Quốc dân Đảng...) lại mà tổ chức ra cho thành một hội phản đế ở Đông Dương. Khi hội phản đế đã thành lập rồi thì có thể cho từng người vào, nhưng phải chú ý đừng để cho số người này thành một bộ phận trọng yếu trong hội”3.

Về hoạt động, Án Nghị quyết yêu cầu Hội phải hoạt động công khai trong quần chúng, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh hàng ngày của công - nông.

Về mục đích của Mặt trận thống nhất phản đế, Điều lệ Hội đồng minh phản đế Đông Dương nêu rõ: Đoàn kết lực lượng cách mạng phản đế lại để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, mưu việc hoàn toàn độc lập cho xứ Đông Dương và bênh vực phong trào giải phóng ở các thuộc địa và bán thuộc địa.

 

Nghị quyết về vấn đề phản đế - bước phác họa đầu tiên về nguyên tắc xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất

Là những người cộng sản thuộc lớp kế tục, chúng ta đánh giá cao công lao to lớn, tầm nhìn và sức sáng tạo của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên, đã cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương thời đó trong việc xây dựng nghị quyết trên. Có thể khẳng định: Nghị quyết về vấn đề phản đế là bước phác họa đầu tiên về nguyên tắc xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Song, cũng do là Nghị quyết đầu tiên nên không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót như: chưa đề cập mạnh mẽ yếu tố yêu nước của cả dân tộc, chưa đặt vấn đề tranh thủ và phân hóa tầng lớp trên; lực lượng của Mặt trận mới chỉ bó hẹp trong các hội công, nông, học sinh, binh lính, thanh niên, phụ nữ và một số đảng phái cách mạng, mà chưa mở rộng đến những người thuộc tầng lớp hữu sản, giàu có nhưng có tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Hạn chế lớn nhất của Luận cương Chính trị cũng như Án nghị quyết mới chỉ nói chung về xứ Đông Dương, mà chưa nói cụ thể và đầy đủ về dân tộc Việt Nam.

Tuy những nội dung, quan điểm về Mặt trận Dân tộc thống nhất còn sơ khai, nhiều hạn chế, song phải khẳng định: Đây là những viên gạch đầu tiên mà Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 10/1930 do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì đã đặt nền móng để tiến tới xây dựng và tổ chức Mặt trận trong các giai đoạn tiếp theo.

Chỉ hơn một tháng sau Án nghị quyết về vấn đề phản đế của Trung ương toàn thể Hội nghị ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh. Chỉ thị ra đời đánh dấu sự phát triển về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng trong quá trình xây dựng và tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Trải qua 93 năm tồn tại và phát triển với nhiều hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, song Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đều nhằm mục đích chung là mở rộng hàng ngũ những người yêu nước và cách mạng, tạo sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các lực lượng của dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng do Đảng lãnh đạo đề ra cho từng giai đoạn.

Khi dân ta còn trong vòng nô lệ, Mặt trận đi sâu tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh bằng nhiều hình thức phong phú, từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ tiến lên đấu tranh chính trị, vũ trang giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Khi giành được chính quyền ở một số vùng rộng lớn, nhưng chưa giành được chính quyền trong phạm vi cả nước, Mặt trận còn đảm nhận một phần chức năng của chính quyền là tổ chức, quản lý và hướng dẫn Nhân dân thực hiện quyền làm chủ ở những vùng được giải phóng.

Khi chính quyền nhân dân được thiết lập trên phạm vi cả nước, Mặt trận trở thành cơ sở chính trị và chỗ dựa vững chắc của chính quyền nhân dân, là tổ chức giao kết giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng vai trò quan trọng, sức mạnh vĩ đại cùng những chiến công hiển hách của khối Đại đoàn kết dân tộc và vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất được bắt đầu bằng Chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh ngày 18/11/1930 của Ban Thường vụ Trung ương do Tổng Bí thư Trần Phú đích thân ký và ban hành sẽ mãi mãi được ghi đậm bằng những trang vàng chói lọi trong lịch sử vinh quang của dân tộc ta ở thời đại Hồ Chí Minh.

Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, Nhân dân ta đã làm cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, Nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, lập lại hòa bình ở Đông Dương, giải phóng một nửa đất nước, xây dựng miền Bắc vững mạnh, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Nhân dân ta đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thời kỳ “cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội”, nhất là qua gần 40 năm đổi mới, Nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành và phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng; đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Những chiến công hiển hách mà Nhân dân ta đạt được dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc thống nhất trong suốt 93 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh điều lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính sách Mặt trận là chính sách quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng”4.

Kế thừa và phát triển Luận cương Chính trị năm 1930 trong điều kiện hiện nay, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc: tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên”5.

Kế tục vai trò lịch sử của các hình thức tổ chức Mặt trận trước đây, thực hiện Cương lĩnh của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay chủ trương: Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam, xóa bỏ mặc cảm, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc ở trong nước hay ở nước ngoài, miễn là tán thành mục tiêu: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chú thích:

1.   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 10, tr.9.

2,3.   Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, tập II, tr.227.

4.    Hồ Chí Minh - Về Đại đoàn kết, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5.   Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.86.

Tài liệu tham khảo

1.   Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

2.   T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.

3.   Tổng Bí thư Trần Phú với cách mạng Việt Nam và nơi sinh Phú Yên, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014.

4.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

5.  Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (sơ thảo), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1981.

6.   Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

7.   Báo Nhân Dân, ngày 13/1/1999.

Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản