Tin mới

Văn hóa đọc trong tiến trình phát triển văn hóa Việt Nam

(Mặt trận) - Cùng lòng yêu nước nồng nàn, dân tộc Việt Nam anh hùng còn thể hiện đức tính cần cù, sáng tạo, hiếu học, lạc quan, nhân văn, yêu thương con người. Góp phần vào bề dày lịch sử dân tộc, ngoài những nét văn hóa dân gian đặc trưng - di sản văn hóa truyền khẩu thì chữ viết bao gồm ba loại văn tự được dùng để ghi chép tiếng Việt là chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và văn hóa đọc đã giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của văn hóa cũng như xã hội Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ truyền thông, giải trí như hiện nay, văn hóa đọc của người Việt chưa phát triển, nhưng đã có biểu hiện thoái trào. Nhiều người Việt không nuôi dưỡng thói quen đọc sách, một bộ phận thế hệ trẻ lại không mấy tha thiết với văn hóa đọc. Vấn đề này không chỉ cần suy ngẫm mà còn đáng “báo động” khi văn hóa đọc đang là thói quen xa lạ, “xa xỉ” đối với nhiều người dân.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - Nhân tố quyết định Đại thắng mùa xuân năm 1975

Hiệp định Geneva 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Một biểu tượng chói lọi của văn hóa Việt Nam

 Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học cấp Bộ “Phát triển văn hóa đọc góp phần xây dựng văn hóa Công an nhân dân (CAND) thời kỳ chuyển đổi số”

Ngay từ xa xưa, các bậc tiền nhân đã coi đọc sách là hành vi văn hóa cao đẹp, một việc làm thiết thực, lan tỏa tri thức, thể hiện tính nhân văn, chân - thiện - mỹ trong mỗi con người. Người đọc sách mà không tu dưỡng đức, thì chỉ là nô lệ của chữ. Làm quan mà không thương yêu che chở dân thì chỉ là cường đạo mặc áo mũ chỉnh tề. Học tri thức mà không tán thành thực hành thì chỉ như hòa thượng thuận miệng tụng kinh mà không ngộ pháp. Người tạo dựng sự nghiệp mà không chú trọng tu dưỡng phẩm hạnh đạo đức thì cũng chỉ như đóa hoa nở, trong nháy mắt sẽ héo tàn…”. Tuy nhiên, đạo đức, tài năng, tri thức, phẩm hạnh, học vấn không chỉ có được thông qua việc đọc sách. Bởi lẽ, đọc sách chỉ là bước khởi đầu trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện nhân cách. Muốn đọc sách cho hữu dụng thì đọc sách phải biết chọn sách tốt, phải đọc thế nào để sách dạy cho chúng ta biết cách suy nghĩ và nhận xét cuộc đời.

Truyền thống văn hóa hiếu học của dân tộc Việt Nam

Đối với tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, trong chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, quá trình gây dựng, gìn giữ và phát triển đất nước ta bao gồm những giai đoạn lịch sử thăng trầm, chiến tranh, chia cắt, loạn lạc đều có tâm sức, mồ hôi, máu xương của toàn dân tộc qua nhiều thế hệ. Các giai đoạn hào hùng và bi tráng ấy đều được gìn giữ, lưu truyền theo thời gian bằng nhiều hình thức hay chất liệu từ truyền miệng, ngôn ngữ, chữ viết, thư tịch…. Khẳng định sức sống bền bỉ, mãnh liệt con người Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ bờ cõi, lao động, sản xuất, thói quen sinh hoạt, tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo… để hình thành nên văn hóa - hồn cốt của dân tộc.

Cần phải thừa nhận rằng, khác với các nền văn hóa khác, Việt Nam là nước có truyền thống văn hóa truyền miệng, với những nét văn hóa dân gian đặc trưng. Văn hóa dân gian truyền thống Việt Nam được hình thành và phát triển từ rất lâu đời, bắt nguồn từ xã hội nguyên thủy - trước khi chữ viết xuất hiện.

Bước vào thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc (kéo dài từ năm 179 TCN tới năm 938 với chiến thắng của Ngô Quyền) đất nước ta bị đô hộ, nhân dân Việt Nam phải sống trong cảnh “cá chậu chim lồng”, bị ép buộc phải học văn hóa Trung Hoa. Song, người Việt chưa bao giờ chịu khuất phục, bên cạnh ảnh hưởng Hán hóa là xu hướng chống Hán hóa diễn ra rất mạnh mẽ, nhiều bản sắc văn hóa, dân tộc vẫn được giữ gìn và bảo tồn. Ở giai đoạn này, chữ Hán là chữ viết chi phối rất lớn đến hệ thống văn học nghệ thuật và đời sống văn hoá của nhân dân. Tại nước ta, chữ Hán đã từng được người Phương Bắc áp đặt đồng hóa người Việt nhưng bất thành.

Trong quá khứ, nhận thấy được chữ viết trở lên quan trọng đối với dân tộc, tổ tiên chúng ta đã sáng tạo thêm khi không hoàn toàn dùng chữ Hán mà đó là cơ sở cho chữ Nôm ra đời, dựa trên chữ Hán nhưng có sự thay đổi đang kể. Có thể nói, nhân dân ta đã trưởng thành trong cuộc đấu tranh để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa Hán nhằm phát triển sức mạnh của cộng đồng.

Đến thời kỳ phong kiến tự chủ, cùng với sự ra đời và phát triển của văn hóa bác học, chuyên nghiệp, cung đình thì văn hóa dân gian vẫn tồn tại và giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của văn hóa cũng như xã hội Việt Nam, đặc biệt là với quần chúng lao động. Chữ Nôm dần dần phát triển theo thời gian từ thời Lý (thế kỷ XI) sang đời Trần (thế kỷ XIV) thì hệ thống mới thực sự hoàn chỉnh. Đến thế kỷ XVIII, XIX, chữ Nôm đã phát triển tới đỉnh cao. Sự ra đời và hoàn thiện của chữ Nôm có ý nghĩa hết sức lớn lao, đánh dấu bước phát triển của nền văn hóa dân tộc, ý thức tự cường và khẳng định vai trò, địa vị của tiếng Việt - thứ tiếng “mẹ đẻ”, thiêng liêng, rất giàu hình ảnh, nhiều màu sắc và âm điệu, là tiếng nói của nhân dân, phản ánh tâm hồn trong sáng và cốt cách vĩ đại của nhân dân Việt Nam trải hàng nghìn năm lịch sử.

Đỉnh cao và xét vào hàng kinh điển trong văn học Việt Nam là tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du được viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát, gồm 3.254 câu. Trên chất liệu văn học dân gian Việt Nam, trên cơ sở truyền thống văn hóa của dân tộc. Nguyễn Du đã khiến Truyện Kiều có một đời sống khác với cốt truyện nguyên bản của nó, giúp Truyện Kiều trường tồn với thời gian và vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia, hòa vào đời sống văn hóa của nhân loại. Truyện Kiều với ngôn ngữ gần gũi với đời sống, khai thác hiệu quả kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ của văn học dân gian và chiều sâu giá trị nhân văn, nhân đạo, từ lâu đã đi vào mọi nẻo đường sinh hoạt trong nhân dân. Trên thế giới hiếm có một tác phẩm có ảnh hưởng tới văn hóa dân tộc sâu rộng đến như thế.

Bước vào lịch sử cận đại Việt Nam là một giai đoạn diễn ra tương đối ngắn so với các giai đoạn lịch sử khác trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Mặc dù diễn ra rất ngắn tuy nhiên đây là giai đoạn lịch sử để lại nhiều điểm lắng nhất, thời điểm Việt Nam bước từ cái cũ sang cái mới, thời điểm của những người Việt Nam yêu nước hăng say đi tìm con đường giải phóng dân tộc, thời điểm chứng kiến những chuyển biến sâu sắc của đất nước. Tất cả đều đã diễn ra và để lại rất nhiều bài học quý giá, ghi dấu vào lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Nền Nho học cũng gặp tình thế phải tiếp xúc với văn minh phương Tây. Lúc này, hình thái chính trị và xã hội biến động nhanh chóng, Nho học không còn thích hợp nữa, phải nhường chỗ cho học thuật mới. Đây cũng là giai đoạn chế độ khoa cử ở Việt Nam bị dẹp bỏ, ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa đối với cách thức đọc sách ở Việt Nam cũng phai nhạt dần. Việt Nam từ khi thành thuộc địa thì bỏ khoa cử theo nền giáo dục của người Pháp. Riêng ở miền Bắc, việc thi cử theo Nho học kết thúc năm 1915 và ở miền Trung kết thúc vào năm 1918.

Việc chế tác chữ Quốc ngữ là một công trình tập thể của nhiều giáo sĩ dòng Tên (Jésus) người Âu châu. Trong công việc này, có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của nhiều người Việt Nam, nhất là các thầy giảng Việt Nam giúp việc cho các giáo sĩ này. Giáo sĩ Alexandre De Rhodes là người đã có công lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc ngữ. Ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn cuốn từ điển Việt - Bồ Đào Nha - La Tinh, mà trong đó, có phần về ngữ pháp tiếng Việt, nó diễn giảng vắn tắt về tiếng An Nam (tức tiếng Việt) và tiếng Đàng Ngoài (tiếng Việt nói theo giọng của người miền Bắc). Ngoài việc biên soạn cuốn từ điển này, A.D.Rhodes còn soạn quyển “Phép giảng tám ngày”. Cuốn sách này có thể được xem là tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, phải đến 121 năm sau (1772), sau khi một cuốn từ điển khác cũng mang tên là “Từ điển Việt - Bồ - La” của Giám mục Pigneau De Béhaine (Bá Đa Lộc) ra đời với những cải cách quan trọng thì chữ Quốc ngữ mới có diện mạo giống như hệ thống chữ Quốc ngữ hiện nay.

Từ khi xuất hiện và trở nên thông dụng, giới trí thức Việt Nam bắt đầu quen với sách đọc từ phương Tây, hoặc là được viết theo cách hành văn phương Tây, xu thế ấy vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay.

 TS. Vũ Văn Tiến, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo cơ quan UBTƯ MTTQ trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học cấp Bộ “Phát triển văn hóa đọc góp phần xây dựng văn hóa Công an nhân dân thời kỳ chuyển đổi số”, ngày 09/8/2023.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tấm gương đọc và tự học

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên kêu gọi cán bộ và Nhân dân đọc sách để nâng cao kiến thức và lý luận cách mạng. Bản thân Người cũng là một tấm gương sáng về việc đọc sách.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc. Không chỉ đơn thuần “Cần phải xem báo Đảng”.

Người khuyên chúng ta: “Muốn có nhiều tài liệu phải xem cho rộng... Xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy”. Và Người còn nói thêm: “Tìm tài liệu cũng giống như công tác khác, phải chịu khó. Có khi xem tờ báo này có vấn đề này, xem tờ báo khác có vấn đề khác, rồi ghép hai ba vấn đề, hai ba con số làm thành tài liệu mà viết”.

Với Hồ Chủ tịch là đọc luôn phải có suy nghĩ kĩ càng không nhất thời hồ đồ tin ngay theo sách. Không chỉ dừng lại việc đọc rộng và biết cách ghi chép, đánh dấu. Người đã từng nhấn mạnh: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách. Có vấn đề thông suốt thì mạnh dạn đề ra cho vỡ lẽ, đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi: “vì sao” đều phải suy nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế hay không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ cho chín chắn”.

Đọc và văn hóa đọc tại Việt Nam

Có thể thấy, đọc sách, nghiên cứu sách, rút ra kiến thức, hình thành kinh nghiệm, sử dụng tri thức vào đời sống, lao động, sản xuất, ghi chép lịch sử đã hình thành, tồn tại lâu đời trong văn hóa người Việt Nam từ cổ đại cho đến hiện đại. Nhưng thuật ngữ “văn hóa đọc” gần đây mới xuất hiện và được nhiều người coi như là một hoạt động văn hoá của con người thông qua việc đọc sách báo, tài liệu để tiếp nhận và xử lý thông tin, tri thức một cách khoa học và bổ ích.

Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, lượng sách làm ra năm 2022 đạt 598,9 triệu bản, tăng 91% so với năm 2017. Bình quân, mỗi người Việt hưởng thụ 6,02 bản sách/năm.

Năm 2022, có 38.029 xuất bản phẩm nộp lưu chiểu, tăng 15,42% so với năm 2021, với gần 6 triệu bản sách, tăng 49,5% so với năm 2021. Xuất bản phẩm dạng điện tử tăng nhiều nhất, đạt 3.350 xuất bản phẩm, tăng 45,6% so với năm 2021. Tính đến năm 2022, có 19/57 nhà xuất bản tham gia đăng ký xuất bản và phát hành điện tử. Tất cả chỉ số về đầu sách, bản sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước năm 2022 đều tăng. Tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 4.000 tỷ đồng (tăng 33,3% so với năm 2021), trong đó, 5 nhà xuất bản có doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng.

Số liệu trên cho thấy, nguồn cung sách tại Việt Nam là khá dồi dào, các thể loại sách rất đa dạng, phong phú, đủ đáp ứng nhu cầu của nhiều lứa tuổi. Thế nhưng, một bộ phận không nhỏ người Việt đang mắc căn bệnh “lười đọc sách” dẫn đến thực trạng văn hóa đọc có lúc, có nơi, có thời điểm chưa hình thành đã mai một, chưa thành phong trào, xu thế đã lâm cảnh thoái trào.

Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng 1 giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.

Không những thế, văn hóa đọc sách của người Việt Nam thua xa các nước trong khu vực. Hiện nay, ở các nước phát triển như: Israel, Pháp, Nhật Bản, trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm. Các nước trong khu vực như: Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/năm; Malaysia là 10 cuốn/năm. Còn ở Việt Nam, trung bình 1 người chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác. Như vậy, văn hóa đọc sách của người dân còn rất hạn chế.

 Các đại biểu tại Hội thảo khoa học cấp Bộ “Phát triển văn hóa đọc góp phần xây dựng văn hóa Công an nhân dân (CAND) thời kỳ chuyển đổi số”

Sở dĩ, “văn hóa đọc” ở một số nơi, một số thời điểm lâm vào tình cảnh trên bởi một số nguyên nhân như:

Một là, số lượng tên sách, chủng loại sách xuất bản ngày một nhiều nhưng chất lượng chưa cao, còn xu hướng chạy theo lợi nhuận, thiếu định hướng được rõ rệt trên hai bình diện nâng cao và phổ cập kiến thức;

Hai là, công tác tuyên truyền hướng dẫn đọc, các chương trình khuyến khích đọc diễn ra chưa thường xuyên, thiếu tính hấp dẫn và sự đa dạng;

Ba là, các nhà xuất bản, các ấn phẩm báo chí, tạp chí nghiên cứu, khoa học chưa làm tốt công tác quảng bá thương hiệu, định hướng sản phẩm dẫn đến nhiều dân không biết, không nghe đến sự tồn tại của các đơn sản xuất, phát hành này. Trong khi đó, các triển lãm, hội chợ sách báo chỉ thường tổ chức ở các đô thị lớn, chưa đến được các vùng nông thôn, kéo theo hệ lụy ngoài kinh tế lẫn dân trí xuất hiện khoảng cách chênh lệch;

Bốn là, sự ra đời của internet cùng với sự phát triển của nền kinh tế làm thói quen đọc sách của người dân bị mai một, thay vào đó là du lịch, phương tiện nghe nhìn, giải trí khác cạnh tranh với văn hóa đọc sách như: game online, mạng xã hội;

Năm là, công tác giảng dạy ảnh hưởng ít nhiều đến thói quen đọc sách của học sinh, sinh viên. Tại các cơ sở, giáo dục đào tạo, phương pháp dạy học, truyền đạt kiến thức còn khô cứng, gò bó và khuôn khổ, chương trình học quá tải, nặng nề, không cho học sinh, sinh viên có nhiều thời gian để tự học và đọc.

Sáu là, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, trải qua chiến tranh. Người dân phải lao động để sống thì không có nhiều thời gian để quan tâm đến sách. Đây là vấn đề liên thế hệ.

Bảy là, tại mỗi gia đình, ông bà, cha mẹ không có thói quen đọc sách thì con cũng không được nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ. Thường người ta đọc sách cho bé trước khi đi ngủ để vừa truyền kiến thức và nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ. 

Tám là, một bộ phận người dân, chủ yếu là các thế hệ trẻ đọc sách theo phong trào, trào lưu đọc sách ngôn tình phản cảm, đội lốt “dâm thư trá hình”, trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa người Việt, gây ra những hệ luỵ nguy hiểm khi làm “chết” đi tâm hồn tốt đẹp của người đọc.

Đây chỉ là một vài điều còn thiếu và tồn tại bởi trong dòng chảy thời đại. Khoa học công nghệ có thể thay đổi nhanh, mạnh, tác động sâu rộng đến đâu đi chăng nữa thì vẫn còn đó những giá trị tích cực, bề dày truyền thống luôn luôn được gìn giữ và phát huy, thường xuyên được bổ khuyết, tích lũy đã làm nên nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, mãi mãi trường tồn với thời gian.

Đất nước ta, dân tộc ta tồn tại và phát triển như ngày hôm nay là nhờ sức mạnh dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam. Những giá trị ấy, những tinh hoa ấy đã tạo nên những nét đặc sắc, riêng có ở cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong con người Việt Nam. Nét nổi bật của nền văn hóa truyền thống Việt Nam là tinh thần yêu nước thương nòi; tinh thần tự tôn dân tộc, tình đoàn kết, sống hòa thuận, thủy chung, ý thức bảo vệ nhân phẩm, giữ gìn đạo lý; lao động cần cù, sáng tạo; đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất…

Đặc biệt sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đánh dấu bước phát triển mới về đường lối giữ gìn và phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng ta. Theo đó, phương hướng chung của sự nghiệp phát triển văn hóa được Đảng ta đề ra là “… phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người”.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta tiếp tục hoàn chỉnh: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.  

Chấn hưng văn hóa đọc và một số giải pháp thực hiện

Các đại biểu tại Hội thảo khoa học cấp Bộ “Phát triển văn hóa đọc góp phần xây dựng văn hóa Công an nhân dân thời kỳ chuyển đổi số”.

Những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nước ta tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế, sự giao lưu, giao thoa văn hóa diễn ra thường xuyên và sâu rộng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động mạnh, nhiều chiều đến các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, chống phá quyết liệt với nhiều thủ đoạn thâm độc, hình thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Do đó, yêu cầu, nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng cần phải được tiếp tục bổ sung nghiên cứu và có những giải pháp phù hợp.

Một là, với công năng bất biến của mình, sách và văn hóa đọc là một trong những công cụ lưu giữ, truyền bá tri thức hữu hiệu. Cần phải coi văn hóa đọc chính là cốt lõi của đổi mới giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển xã hội. Phát triển văn hóa đọc là yếu tố khách quan tất yếu thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức của mỗi con người.

Do vậy, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ngành Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp, xác định là “Chấn hưng và phát triển văn hóa đọc” là nhiệm vụ quan trọng, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học và cộng đồng; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.

Hai là, trên thực tế, số hóa là xu hướng tất yếu. Sách điện tử là phiên bản số hóa của sách giấy. Với việc biên tập bản thảo trên máy tính, sách điện tử mới là định dạng nguyên bản nhất của một cuốn sách. Trên thế giới, việc xuất bản song song sách điện tử với sách giấy đã trở thành xu thế của thời đại. Ưu điểm của sách điện tử là gọn nhẹ, dễ mang đi, có thể đọc trên nhiều thiết bị như máy tính, điện thoại, máy đọc sách chuyên dụng và rất tiện tra cứu.

Ngoài việc phát hành các đầu sách giấy truyền thống, các nhà xuất bản tại Việt Nam cần phát triển các loại hình sách mới là sách điện tử hay sách nói. Đây sẽ là nhu cầu có thực trong bối cảnh mới bởi những người trẻ hiện đại, những người không có nhiều thời gian nhưng vẫn muốn được trau dồi kiến thức. Từ đó, độc giả sẽ có nhiều cách tiếp cận hơn với sách, giúp đa dạng văn hóa đọc. Ngoài ra, chuyển đổi số và hạn chế đọc sách giấy cũng là một cách bảo vệ môi trường.

Ba là, mỗi gia đình hay nhà trường cần khuyến khích phát triển văn hoá đọc, nuôi dưỡng thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc cho trẻ hay học sinh ngay từ những lớp nhỏ. Để hình thành thói quen đọc sách là việc làm không khó nhưng cũng không dễ. Thói quen này nếu hình thành ngay từ bé sẽ quyết định đến khả năng đọc sách trong suốt thời gian dài của cuộc sống.

Xây dựng một chương trình giáo dục kỹ năng đọc trong môi trường truyền thống và môi trường điện tử để giảng dạy không chỉ ở các trường đại học mà còn tổ chức giảng dạy cho trẻ em ngay khi cắp sách tới trường cho tới bậc đại học.

Bên cạnh đó, yếu tố tạo ra môi trường thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận tài liệu đọc chất lượng cao, môi trường tôn vinh người viết sách, người đọc sách và người truyền thụ kiến thức, tôn vinh các bậc cha mẹ đọc cho con cái nghe, chủ động giáo dục kỹ năng đọc cho mọi người dân là yếu tố quyết định thành bại của quá trình phát triển nền văn hoá đọc của mỗi gia đình, mỗi cơ sở đào tạo và mỗi quốc gia.

Bốn là, để phát triển văn hóa đọc, cần nhìn nhận văn hóa đọc như một hệ thống gồm nhiều thành phần tác động, ràng buộc, thúc đẩy lẫn nhau. Đồng thời cần xác định văn hoá đọc là một thành phần trong hệ thống văn hóa Việt Nam.

Để phát triển văn hoá đọc trên bình diện quốc gia, nhằm liên kết, phối hợp các thành phần, các lực lượng của văn hoá đọc, Nhà nước đầu tư hơn nữa cho các hệ thống thư viện, đặc biệt là hệ thống chuỗi thư viện, nhà sách, phương tiện truyền thông công cộng như các mô hình: thư viện thân thiện, thư viện xanh, phòng đọc, nhà sách nhân dân, tủ sách cộng đồng,… (coi đây là nơi học tập suốt đời cho mọi công dân) trên khắp cả nước, đảm bảo độ bao phủ từ Trung ương đến các thôn, bản, làng, xóm… tạo cho công chúng được tiếp cận thường xuyên, dễ dàng hơn, hứng thú với sách, thúc đẩy văn hóa đọc.

Thư viện muốn hoạt động tốt, có hiệu quả và thu hút được ngày càng nhiều người đọc, ngoài những yêu cầu khác như cán bộ, trụ sở, trang thiết bị, cần phải đầu tư tài liệu đọc có chất lượng, có giá trị khoa học, văn học, nghệ thuật..., phải phù hợp và thoả mãn được mọi yêu cầu, nhu cầu đa dạng của từng loại người đọc khác nhau, ở những trình độ, giai tầng khác nhau trong xã hội (nông dân, công nhân, trí thức, trẻ em, phụ nữ...), sinh sống tại những vùng miền khác nhau trên đất nước.

Sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên, liên tục và có hệ thống tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh sách báo, giá trị của sách báo, giá trị của thông tin, giá trị của tri thức đối với cuộc sống của mỗi người, người đọc tìm đến với thư viện nhiều hơn, tìm đến với cửa hàng sách nhiều hơn. Sự phát triển đó ảnh hưởng, tác động và kích thích không nhỏ tới người viết sách báo, tạo động lực không nhỏ cho sự sáng tạo của mỗi người.

Năm là, đối với lực lượng vũ trang nhân dân nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng - lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, việc đọc sách - xây dựng văn hóa đọc càng có ý nghĩa quan trọng. Coi văn hóa đọc là một thiết văn hóa trong lực lượng, góp phần đẩy mạnh việc học tập suốt đời và giáo dục truyền thống, văn hóa của đất nước, của cán bộ, chiến sĩ.

Qua đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an sẽ tích lũy tri thức, kỹ năng, rèn luyện bản lĩnh chính trị và lý tưởng cách mạng, đồng thời cũng là dịp để họ “tự soi, tự sửa”, nỗ lực phấn đấu và vượt qua những cám dỗ thường ngày, đủ sức đề kháng để phòng tránh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, của nhân dân, của chế độ. Mặt khác, đọc sách giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ rèn giữa kỹ năng làm việc nhóm, sinh hoạt tập thể, đồng thời là dịp để kết nối, thắt chặt tình cảm, sự yêu thương, tinh thần đoàn kết với đồng chí, đồng đội…

Sáu là, xây dựng một đội ngũ tác giả viết sách có chất lượng cao thuộc mọi lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hoá xã hội, kinh tế, tôn giáo nhằm phát triển tri thức Việt Nam và nâng cao dân trí ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, có chế độ ưu đãi đối với họ nhằm có được những cuốn sách có chất lượng cao và phù hợp với thị hiếu của quảng đại quần chúng nhân dân. Chọn lọc có hệ thống các tác phẩm tiêu biểu về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hoá xã hội, kinh tế, y học của thế giới để dịch sang tiếng Việt.

Ngày 03/8/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến 2045 với tổng kinh phí là 180 nghìn tỷ đồng gồm 10 nhóm nội dung. Chương trình đặt ra kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới, trong đó có nội dung nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển văn hóa đọc gắn với thiết chế cần thiết.

Ở làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội có dòng chữ cổ kính được người xưa viết lên tường ngôi đình:

“Không có ăn không thể bước đi,

Không có chữ không nhìn thấy đường”.

“Chữ” ở đây là Văn hóa và nếu không có văn hóa, nhân loại sẽ trở thành “mù lòa”, không biết đường đi tới những giá trị nhân văn cao cả nhất.

TS. Vũ Văn Tiến, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam,

Trưởng ban Tuyên giáo cơ quan UBTW MTTQ Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản