Tin mới

Xây dựng nông thôn mới Quảng Trị với những cách tiếp cận mới

(Mặt trận) -Chương trình MTQG xây dựng NTM là một trong những giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị xã hội, với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, trong đó người dân chính là chủ thể. Đến nay chương trình đã trở thành một phong trào có tính lan tỏa mạnh mẽ, được người dân đồng tình hưởng ứng, được chính phủ đánh giá là “toàn diện và mang tính lịch sử”.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

Nghị định số 178/2024/NĐ-CP: Từ 1/1/2025, chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức

Nghị định số 177/2024/NĐ-CP: Chế độ, chính sách đối với trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

 Một tuyến đường có hàng rào xanh ở khu dân cư Thiết Xá, xã Cam Chính, Cam Lộ. Ảnh NP

Qua hơn 10 năm thực hiện, xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị đã tạo ra những chuyển biến rõ nét về diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Hiện toàn tỉnh đã có 57 xã đạt chuẩn NTM, 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, bình quân mỗi xã đạt 16,05 tiêu chí NTM, huyện Cam Lộ đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới; không còn xã đồng bằng đạt dưới 16 tiêu chí, xã miền núi dưới 8 tiêu chí; diện mạo khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang hơn; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 03 lần so với năm 2010, đã từng bước hình thành nông thôn mới kiểu mẫu, miền quê đáng sống.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, nhất là sự chênh lệch giữa các vùng miền; chất lượng đạt chuẩn một số tiêu chí thiếu tính bền vững; phong trào xây dựng nông thôn mới một số địa phương có phần chững lại. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế là ngoài sự ảnh hưởng, tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và nội dung về xây dựng nông thôn mới, còn bị động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; sự phối hợp, vào cuộc của các sở, ban, ngành chưa cao, đặc biệt thiếu quyết liệt của các địa phương trong việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, việc lồng ghép, huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới chưa hiệu quả.

Để tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới có hiệu quả trong giai đoạn tới, ngày 04/11/2021 Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025 là phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn, 25% xã nâng cao, kiểu mẫu, không còn xã dưới 13 tiêu chí, có thêm 4 huyện nông thôn mới và 01 huyện kiểu mẫu, 40% thôn/bản khó khăn đạt chuẩn. Để đạt mục tiêu đề ra cũng như xây dựng nông thôn mới ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, bền vững, “có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc” đòi hỏi cần những cách tiếp cận mới, cách làm mới phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế hiện nay, cụ thể như sau: Quán triệt nhất quán xuyên suốt quan điểm “Nông thôn mới là nền tảng, tái cơ cấu nông nghiệp là căn bản, Nhân dân là chủ thể”; “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”, huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là 03 Chương trình MTQG (Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).
Thay đổi cách tiếp cận từ xây dựng thôn/bản nông thôn mới, việc tập trung xây dựng xã nông thôn mới thực tế phù hợp với các địa bàn thuận lợi, tuy nhiên với địa bàn khó khăn sẽ phân tán nguồn lực và khó đột phá, vì vậy giai đoạn tới cần tập trung ban hành và thực hiện bộ tiêu chí thôn/ bản nông thôn mới theo phương châm “có nhiều thôn/bản đạt chuẩn ắt sẽ có xã đạt chuẩn”, tạo động lực mạnh mẽ trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời để đến năm 2025 có thêm 09 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới cần chọn 9 xã này là xã chỉ đạo điểm của tỉnh, gắn với việc đỡ đầu của các sở, ban, ngành các doanh nghiệp nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giữa các vùng miền.

Đảm bảo sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới, đối với các xã đã đạt chuẩn cần tiếp tục chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, tập trung đầu tư để đạt chuẩn các tiêu chí, chỉ tiêu cao hơn với bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Phát huy vai trò chủ thể của người dân để bắt nhịp bộ tiêu chí mới và từng bước hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, miền quê đáng sống. Kiên quyết thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn đối với các địa phương trong 2 năm liên tục không duy trì được tiêu chí theo quy định, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và tổ chức cơ sở đảng địa phương.

Tập trung xây dựng huyện nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 có thêm 4 huyện nông thôn mới và 01 huyện kiểu mẫu để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững cho khu vực nông thôn của tỉnh. Việc hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới sẽ tạo sự liên kết xã, liên kết vùng về liên kết vùng nguyên liệu, kết nối hạ tầng kinh tế xã hội các xã lân cận, nâng cao mức độ thụ hưởng của người dân về thiết chế văn hóa cấp huyện, trường THPT cấp huyện, y tế cấp huyện, đảm bảo môi trường ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, thu gom và xử lý chất thải rắn tập trung cấp huyện, cơ sở hạ tầng thương mại cấp huyện, bảo tồn các di sản văn hóa v.v.

Chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” nhằm nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; chuyển từ nền nông nghiệp “sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững” và đây là chìa khóa cho ngành nông nghiệp để phát triển bền vững. Cùng với xu thế phát triển của xã hội, xây dựng nông thôn mới phải hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh, trong đó vai trò của chuyển đối số cần tập trung đến những nơi khó khăn nhất, những người yếu thế nhất, để không bỏ lại ai ở phía sau. Quá trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng đến làng, xã NTM thông minh phải quan tâm đến văn hoá, phong tục tập quán từ đó thúc đẩy xây dựng nông thôn mới chất lượng hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Chú trọng xây dựng các mô hình điểm, mô hình làm mẫu trong NTM theo đặc trưng của địa phương, vùng miền, vừa làm động lực, vừa mang tính lan tỏa. Trong đó, đối với các địa phương có điều kiện phát triển, chịu tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa cần có các mô hình NTM dựa trên nền tảng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung quy mô lớn, gắn chặt với liên kết chuỗi giá trị; mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, phát triển du lịch nông thôn gắn với các sản phẩm OCOP có lợi thế, đặc trưng địa phương.

Xây dựng NTM không chỉ có cơ chế, chính sách, nguồn lực của Nhà nước, mà phải xuất phát từ các phong trào thi đua, các cuộc vận động như “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, để từ đó động viên Nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy nguồn lực, tiềm năng, sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng những miền quê đáng sống.

Việc thay đổi tư duy, năng lực của người dân, đặt đúng vai trò, vị thế của chủ thể, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn theo định hướng “nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại và nông thôn thông minh”./.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản