Tin mới

“40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và Phát triển cùng đất nước”

(Mặt trận) - Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2021) với chủ đề “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và Phát triển cùng đất nước” sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào sáng ngày 7/11/2021.

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

Diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận

 Nghi lễ Tắm Phật được tổ chức nội bộ, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống COVID-19. Ảnh minh họa: Xuân Khu/TTXVN

Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự kiện trọng đại của các cấp Giáo hội, của các Ban, Viện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và Tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài. Qua đó khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là đáp ứng trọn vẹn nguyện vọng thống nhất các sơn môn, hệ phái của Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam.

Trải qua 8 nhiệm kỳ, trong chặng đường 40 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đại diện duy nhất cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài đã có nhiều hoạt động Phật sự ích đạo, lợi đời, có nhiều thành tích tham gia, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu tập, thực hành đúng theo chính pháp giáo lý của Phật giáo, sống tốt đời, đẹp đạo. Thực hiện nghiêm pháp luật nhà nước. Phát huy tinh thần yêu nước, giữ gìn truyền thống văn hóa, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo. Xây dựng đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh, bài trừ mê tín dị đoan, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, Giáo hội thành lập và xây dựng 04 Học viện Phật giáo mà tiền thân là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP Cần Thơ. Đến nay các Học viện đã đào tạo trên 10.000 Tăng Ni tốt nghiệp Cử nhân Phật học, đang đào tạo trên 3.000 Tăng Ni sinh.

Giáo hội cũng đã chủ động gửi các Tăng Ni đi đào tạo, du học nước ngoài. Đến nay Giáo hội đã giới thiệu gần 1000 Tăng Ni đi du học ở các nước: Ấn Độ, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Myanma, Thái Lan, Sri Lanka... Đã có khoảng hơn 200 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về nước phục vụ công tác Giáo hội đây là nguồn nhân lực của hệ thống đào tạo giáo dục Tăng Ni của Giáo hội.

Công tác từ thiện xã hội là một trong những công tác Phật sự trọng tâm của Giáo hội, của Tăng Ni, Phật Công tác từ thiện tập trung vào hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với hàng trăm cơ sở hoạt động. Giáo hội hiện có trên 160 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị y học dân tộc, 01 phòng khám đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân hàng năm.

Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước. Phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sĩ, ngư dân biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc... kết quả công tác từ thiện xã hội mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng, số liệu tổng kết trong 40 năm qua ước tính khoảng gần 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Giáo hội đã tổ chức thực hiện cứu trợ nhân đạo quốc tế trước các thảm họa thiên tai động đất, sóng thần tại Nhật Bản, Nepal, Indonesia...và gần đây nhất, trong làn sóng đại dịch COVID-19, Giáo hội đã ủng hộ lương thực, trang thiết bị vật tư y tế cho nhân dân Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal...trong công tác phòng chống dịch.

Trong phòng, chống đại dịch COVID-19, Giáo hội đã chỉ đạo các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, các chùa, cơ sở tự viện dừng sinh hoạt tập trung đông người, dùng tổ chức tất cả các lễ hội, các khoá lễ, khóa tu tập đông người; có văn bản kêu gọi các Phật tử thực hiện các quy định, các biện pháp phòng ngừa theo quy định của Bộ Y tế thực hiện 5K và động viên Tăng Ni, Phật tử tích cực đóng góp nguồn lực cho Quỹ vắc xin và Quỹ phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc cho bệnh nhân...trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Nhiều Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch phục vụ tại các bệnh viện.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới, hải đảo, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khôi phục và xây dựng 09 ngôi chùa tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử các vị Sư Tăng ra trụ trì các chùa ngoài đảo, sống cùng với các chiến sỹ, quân và dân trên đảo để ngày đêm bảo vệ vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trên biên giới đất liền, Giáo hội đã xây dựng các ngôi chùa vùng biên cương ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ninh, Kon Tum... đây là những cột mốc tâm linh góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực chủ động trong hội nhập quốc tế và mở rộng hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế với các tổ chức Phật giáo các nước trên thế giới và các tổ chức tôn giáo theo phương châm đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Thành tựu nổi bật trong quan hệ quốc tế là Giáo hội đã tổ chức thành công ba kỳ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tại Việt Nam vào các năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội; năm 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam. Qua các kỳ Vesak rất thành công, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam, cũng như sự chủ động, năng lực hội nhập quốc tế của Giáo hội. Qua đó, góp phần khẳng định Việt Nam luôn là thành viên tích cực của Liên hợp quốc, giới thiệu về truyền thống văn hóa, hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là dịp các cấp Giáo hội nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, kế thừa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam để có những bước đi vững chắc cùng đất nước trong tương lai xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng hướng đến 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Những dấu mốc quan trọng

Ngày 7/11/1981, lịch sử Phật giáo Việt Nam (PGVN) đã ghi dấu một sự kiện quan trọng, đó là Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc lần thứ I, diễn ra tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội.

Từ đây, 9 tổ chức hệ phái gồm: Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Thiên Thai Giáo Quán Tông; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh; Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ cùng Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã thành lập nên Giáo hội PGVN (GHPGVN) ngày nay.

Việc thống nhất PGVN quy về một mối không chỉ là nguyện vọng của toàn thể Phật giáo đồ, mà hơn thế nữa, đó là chân lý tất yếu của PGVN, như theo nội dung báo cáo của Thượng tọa Thích Minh Châu khi nói về sứ mệnh của Ban Vận động thống nhất PGVN, ghi rõ: “Có thống nhất Phật giáo mới đoàn kết được toàn thể Tăng Ni, Phật tử cả nước, nhờ đó chúng ta mới có thể thực hiện những Phật sự trọng đại của PGVN”.

Đại hội lần đầu tiên đã thông qua Hiến chương GHPGVN và nhân sự khoá I nhiệm kỳ (1981-1987) Hội đồng Chứng minh gồm 50 vị, Hội đồng Trị sự có 49 vị. Hội đồng Trị sự có 6 ban, viện Trung ương; thành lập 28 Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố; thành lập 02 Trường Cao cấp Phật học Việt Nam. Nhiệm kỳ I là thời kỳ xây dựng và củng cố cơ sở GHPGVN.

Nhiệm kỳ II (1987-1992) là giai đoạn phát triển các hoạt động theo chương trình nội dung 6 điểm của Giáo hội trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Nhiệm kỳ II có 37 thành viên Hội đồng Chứng minh, 60 thành viên Hội đồng Trị sự, thành lập được 40 đơn vị Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố và 07 Ban, Viện Trung ương hoạt động.

Nhiệm kỳ III (1992-1997) có 33 thành viên Hội đồng Chứng minh, 70 thành viên Hội đồng Trị sự. Giáo hội có 10 ban, viện Trung ương hoạt động, 41 đơn vị Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố. Phát triển số lượng tăng, ni và cơ sở tự viện. Tổng số có 15.777 tăng, ni và 8.463 cơ sở tự viện, số lượng Phật tử chiếm 3/4 dân số. Nhiệm kỳ III tiếp tục chương trình hoạt động 6 điểm ngày càng mở rộng thể hiện tính tích cực hơn qua phương châm hoạt động "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" để phù hợp với thời kỳ mở cửa của đất nước, tiến tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nhiệm kỳ IV (1997-2002) có 67 thành viên Hội đồng Chứng minh, 94 thành viên Hội đồng Trị sự. Giáo hội thành lập mới một số Ban Trị sự các tỉnh, nâng số Ban Trị sự địa phương lên 45 đơn vị Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành phố. Số lượng tăng, ni và cơ sở thờ tự tăng lên. Tăng, ni có 28.787, tự viện có 10.383. Đây là nhiệm kỳ tổng kết những thành quả của Giáo hội trong những năm cuối thế kỷ XX để vững vàng bước sang thế kỷ XXI.

Nhiệm kỳ V (2002-2007) có 84 thành viên Hội đồng Chứng minh, 95 thành viên Hội đồng Trị sự chính thức và 24 thành viên dự khuyết. Toàn Giáo hội có 52 đơn vị Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành phố. Nhiệm kỳ phát triển về số lượng tăng, ni và cơ sở tự viện: Tăng nNi có 36.512 vị, cơ sở tự viện có 14.321 ngôi. Đây là nhiệm kỳ đầu bước vào thế kỷ XXI.

Nhiệm kỳ VI (2007-2012) đánh dấu giai đoạn phát triển rực rỡ của lịch sử PGVN trong thời hiện đại, đánh giá 25 năm thành lập GHPGVN. Về tổ chức có nhiệm kỳ VI Giáo hội có 97 thành viên Hội đồng Chứng minh, 147 thành viên Hội đồng Trị sự và 48 uỷ viên dự khuyết, 56 Ban Trị sự và Ban Đại diện Phật giáo tỉnh, thành phố. Tổng số có 44.498 tăng, ni, 14.775 cơ sở tự viện.

Nhiệm kỳ VII (2012-2017) với chủ đề kế thừa - ổn định - phát triển, GHPGVN đã kiện toàn hệ thống tổ chức, gồm 03 cấp hành chính Giáo hội: Cấp Trung ương; cấp tỉnh, thành phố; và cấp quận, huyện. Giáo hội có 89 thành viên Hội đồng Chứng minh, 199 Ủy viên Hội đồng Trị sự chính thức và 61 ủy viên dự khuyết. Giáo hội có 13 ban, viện Trung ương, 63 đơn vị Phật giáo cấp tỉnh, thành phố trong cả nước; hàng trăm đơn vị Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh. Tổng số có 46.495 tăng, ni, 14.778 cơ sở tự viện.

Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) đánh dấu một giai đoạn phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu của Giáo hội sau hơn 35 năm thành lập, khẳng định vị thế của GHPGVN trong thời kỳ hội nhập, phát triển ở cả trong nước cũng như ở nước ngoài, và các hoạt động Phật giáo quốc tế. Nhiệm kỳ VIII Giáo hội có 96 thành viên Hội đồng Chứng minh, 224 Ủy viên Hội đồng Trị sự chính thức và 45 ủy viên dự khuyết. Tổng số có 53.491 tăng, ni, 18.466 cơ sở tự viện.

Trong quá trình hình thành, ổn định và phát triển suốt 40 năm qua, PGVN đã khẳng định là chủ thể kế thừa truyền thống 2000 năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc. Sự phát triển bền vững của Giáo hội cũng là cơ sở vững chắc để tăng cường niềm tin đạo pháp của tăng, ni và Phật giáo đồ; đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội qua nhiều thời kỳ.

Trải qua một chặng đường hình thành và phát triển, GHPGVN đã lớn mạnh trên nhiều phương diện, đạt được kết quả khả quan trong hầu hết các lĩnh vực tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, văn hóa, từ thiện xã hội, quan hệ trên mặt hoạt động đối ngoại, thông qua các hội nghị, hội thảo quốc tế, đã không ngừng nâng cao vị thế Phật giáo trong lòng dân tộc, trên trường quốc tế, những thành tựu vượt bật này là nền móng cho sự phát triển bền vững của Giáo hội, đồng thời là cơ sở vững chắc để tăng cường niềm tin đạo pháp của tăng, ni và Phật giáo đồ trong cả nước.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản