(Mặt trận) - Đến năm 2030, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh An Giang có cơ hội được tiếp cận với những chương trình, dự án, nguồn lực khác nhau, thông qua kế hoạch thực hiện tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025. Qua đó, giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần…
Nhiều mục tiêu trọng tâm
Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh An Giang đã quan tâm lãnh, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đối với đồng bào DTTS. Các chủ trương, định hướng đó đã tác động mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển KTXH, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội; giúp người nghèo, đồng bào DTTS phát triển; quyền làm chủ của nhân dân, được phát huy mạnh mẽ.
Các chương trình còn giúp đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện, phát triển. Một bộ phận đồng bào DTTS bước đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao; số hộ đồng bào DTTS có thu nhập khá trở lên ngày càng tăng…
|
Tận dụng các nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số |
UBND tỉnh An Giang vừa ban hành kế hoạch thực hiện tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025. Chương trình nhằm triển khai các chính sách đảm bảo các nhu cầu xã hội cơ bản cho đồng bào DTTS về giảm nghèo, thu nhập, việc làm, phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch y tế, giáo dục, thông tin; giúp đồng bào DTTS ý thức nỗ lực, phấn đấu trong lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo; làm thay đổi cơ bản diện mạo các địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS và thu hẹp khoảng cách phát triển KTXH giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác của tỉnh…
Chương trình đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ đất ở cho 317 hộ, nhà ở cho 1.092 hộ dân; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 358 hộ dân. Bên cạnh đó, đầu tư, xây dựng 59 công trình, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giai đoạn 2022-2025 vùng đồng bào DTTS và miền núi còn 3,5%/năm...
Chương trình được triển khai trên địa bàn các xã, ấp vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó, ưu tiên nguồn lực của chương trình đầu tư cho các địa bàn xã, ấp đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó là các hộ gia đình, cá nhân người DTTS, người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn; các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn…
Thực hiện 10 dự án phát triển kinh tế - xã hội
Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, các sở, ban, ngành và địa phương sẽ triển khai thực hiện 10 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 573,56 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 383 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 38 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách khoảng 151 tỷ.
Một số dự án cụ thể, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Để đảm bảo thực hiện chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện chương trình phải có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; đảm bảo công khai, dân chủ; không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình đối với cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng.
UBND tỉnh còn yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh phù hợp với từng địa phương. Quan tâm chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ dân trí; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân…
UBND tỉnh đồng thời yêu cầu các ngành chức năng thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật, cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, nhà nước của các thế lực thù địch... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát; biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những mô hình mới, cách làm hiệu quả…
Đức Cảnh