Tin mới

Bà Rịa-Vũng Tàu: Diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Bà Rịa-Vũng Tàu đang ưu tiên mọi nguồn lực để chăm lo hơn nữa cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với mục tiêu đến năm 2025 sẽ đổi thay toàn diện vùng đồng bào sinh sống.

Hỗ trợ nhà ở, giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp

Phú Thọ: Đẩy mạnh chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số

Phù Ninh: Tạo sinh kế cho người nghèo

 Ông Phạm Ngọc Tài, Phó Chủ tịch UBND TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức khảo sát đời sống đồng bào DTTS tại địa phương để có kế hoạch hỗ trợ.

Dồn lực đầu tư 

Năm 2022, riêng về đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, UBND tỉnh bố trí hơn 198 tỷ đồng để đầu tư 58 công trình thuộc vùng DTTS. Trong đó, 30 công trình đường giao thông với kinh phí gần 164 tỷ đồng; 20 công trình nước sinh hoạt dài hơn 43km - kinh phí 21,7 tỷ đồng; 8 công trình điện dài gần 10km - kinh phí 11,9 tỷ đồng.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2022, tỉnh bố trí hơn 224,5 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS theo Nghị quyết số 108/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh và Quyết định số 2337/QĐ-UBND ngày 15/8/2022 của UBND tỉnh.

Trong đó, nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện các nhóm hỗ trợ trực tiếp, xây mới và sửa chữa nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, lắp đặt đồng hồ điện sinh hoạt, đồng hồ nước sinh hoạt, hỗ trợ về văn hóa, giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất, tuyên truyền phổ biến pháp luật hơn 24,4 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 198 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ vay vốn đối với hộ đồng bào DTTS hơn 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững, tỉnh thực hiện hỗ trợ cho 70 hộ đồng bào DTTS để tham gia 5 mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, dê sinh sản, dê thương phẩm và heo rừng lai thương phẩm. 8.246 con em đồng bào DTTS cũng được hỗ trợ tập vở, sách giáo khoa với gần 5 tỷ đồng. 

Chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS đang triển khai đã đem lại hiệu quả thiết thực, giải quyết được cơ bản nhu cầu đi lại, khám, chữa bệnh, học hành và tạo điều kiện giao thương hàng hóa giữa các vùng. Người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, hưởng thụ tốt hơn các dịch vụ công cộng và các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Các lễ hội văn hóa truyền thống, sinh hoạt cộng đồng được duy trì, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Nỗ lực xóa nghèo

Dù đạt những kết quả tích cực nhưng vẫn cần thêm nhiều nguồn lực để tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa các xã vùng đồng bào DTTS với vùng đồng bằng. Bởi thực tiễn, nhu cầu đầu tư vào các xã vùng đồng bào DTTS rất lớn, nhưng công tác rà soát, đánh giá thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ đồng bào DTTS của một số địa phương khi tham mưu xây dựng Chương trình chưa sát với thực tiễn. Do vậy, trong năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 108 của tỉnh, một số chỉ tiêu về xây dựng nhà ở, sửa chữa nhà ở, xây dựng nhà vệ sinh, lắp điện sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS chưa đạt tỷ lệ 100% 

Để tìm những giải pháp phù hợp, bên cạnh các chính sách ưu tiên, ưu đãi, mỗi địa phương thực hiện nhiều chương trình đặc thù, chính sách cụ thể, sát, đúng với thực tiễn trên cơ sở lồng ghép, huy động các nguồn lực cho công tác này. Từ đó, xây dựng kế hoạch, phối hợp thực hiện, lồng ghép công tác tuyên truyền; lan tỏa nhiều tấm gương điển hình tiên tiến để người dân học hỏi và làm theo. 

Đơn cử tại TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức, thị trấn tổ chức khảo sát từng hộ DTTS để tìm hiểu đời sống, nguyện vọng, nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, cây con giống, vay vốn để đề xuất huyện hỗ trợ theo Nghị quyết 108 của HĐND tỉnh với phương châm trợ lực đúng và trúng nhằm thoát nghèo bền vững.

“Hiện thị trấn còn 8 hộ nghèo là DTTS. Với nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 108 và sự huy động nguồn lực của địa phương, mục tiêu đến cuối năm 2023, địa phương sẽ  “xóa trắng” hộ nghèo DTTS”, ông Phạm Ngọc Tài, Phó Chủ tịch UBND TT.Ngãi Giao khẳng định. 

Ông Dương Văn Hạnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh còn 341 hộ nghèo dân tộc (giảm 106 hộ so với hộ nghèo dân tộc đầu năm). Để đạt mục tiêu của tỉnh là “xóa” nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, Ban Dân tộc đã phối hợp cùng các huyện, thị xã, thành phố phối hợp kiểm tra, khảo sát thẩm định các hộ đồng bào DTTS có nhu cầu đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà ở, sửa chữa nhà ở, xây mới nhà vệ sinh năm 2023; vận động đồng bào phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Trong đó, năm 2023, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bố trí tổng kinh phí 163,7 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào DTTS còn khó khăn về nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, điện thắp sáng, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất cho bà con trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ tập vở, sách giáo khoa; hỗ trợ các lễ hội văn hóa truyền thống, sinh hoạt cộng đồng nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. 

“Giải pháp khảo sát thực tế từng hộ DTTS là cách làm thiết thực để triển khai Nghị quyết 108 của tỉnh có hiệu quả. Nghị quyết tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh tới đồng bào các DTTS, được nhân dân mong đợi và kỳ vọng”, ông Dương Văn Hạnh nhấn mạnh.

Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025 phấn đấu thu nhập bình quân đồng bào DTTS tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong DTTS hằng năm từ 3-5%, đến năm 2025 giảm còn dưới 2% theo chuẩn nghèo mới.

99,5% hộ DTTS có nhà ở đạt tiêu chuẩn từ bán kiên cố trở lên; trên 95,5% hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh theo chuẩn; trên 99,8% hộ được sử dụng điện thường xuyên; trên 83% hộ được sử dụng nước máy, gia tăng hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 99,8%. 100% thôn, ấp có đông đồng bào DTTS sinh sống có đường giao thông được cứng hóa và cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

AN NHIÊN

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản