(Mặt trận) -Theo số liệu điều tra dân số năm 2019, tỉnh Bắc Giang có trên 1,8 triệu người, với 45 thành phần dân tộc. DTTS có hơn 257.000 người, chiếm 14,26% dân số toàn tỉnh, trong đó có 7 DTTS có dân số đông, sinh sống thành cộng đồng.
|
Ông Bàn Văn Cường, Nghệ nhân Ưu tú, dân tộc Dao, ở thị trấn Tây Yên Tử (huyện Sơn Động) truyền dạy chữ Dao cho thế hệ trẻ. |
Mỗi DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có bản sắc văn hóa riêng biệt với nhiều giá trị độc đáo được thể hiện trong các hoạt động lễ hội, trang phục, kiến trúc, tín ngưỡng, tiếng nói và chữ viết... Thực tế ở Bắc Giang, một bộ phận đồng bào DTTS không còn nói được tiếng mẹ đẻ của mình, chủ yếu lứa tuổi thanh thiếu niên. Để bảo tồn ngôn ngữ các DTTS, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã nghiên cứu và xây dựng được Đề cương về bảo tồn và phát huy giá trị tiếng nói DTTS trong tỉnh Bắc Giang được phê duyệt ngày 11/4/2023, là bước đầu góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn văn hóa các DTTS của tỉnh.
Đề cương nêu rõ 5 nhiệm vụ chính, gồm các hoạt động: Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng sử dụng tiếng DTTS trong cộng đồng và nhu cầu học tiếng DTTS; điều tra, thống kê người có khả năng, điều kiện, tâm huyết trong việc truyền dạy tiếng DTTS trong cộng đồng; xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho lực lượng truyền dạy tiếng DTTS; xây dựng tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc (tài liệu lưu hành nội bộ) của 7 DTTS là: Tày, Nùng, Hoa, Dao, Sán Chí, Cao Lan, Sán Dìu...
Để thực hiện tốt các nội dung trên, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể như: Đưa nội dung môn học tiếng dân tộc vào hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa của các trường PTDT nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh hỗ trợ cho người học, người truyền dạy tiếng DTTS; tích cực tuyên truyền về sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy tiếng DTTS...
PHƯƠNG NGUYÊN