|
Đồng chí Lê Ánh Dương và lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho 10 cá nhân điển hình tiên tiến. |
Bắc Giang có 45 thành phần DTTS với hơn 257 nghìn người (chiếm 14,26% dân số), trong đó có 6 DTTS dân số đông, sinh sống thành cộng đồng gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Dao và Sán Chay (bao gồm Cao Lan và Sán Chí). Đồng bào DTTS tập trung nhiều ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.
Theo ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Gianh, những năm qua, các phong trào thi đua trong vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn được các cấp, ngành quan tâm phát động gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương.
Các phong trào thi đua đổi mới về hình thức, nội dung và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và đồng bào các dân tộc. Từ các phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường vươn lên của đồng bào các dân tộc.
Trong phát triển kinh tế, đồng bào chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, cho thu nhập cao. Điển hình như mô hình sản xuất giống cây lâm nghiệp của chị Lục Thị Độ, dân tộc Cao Lan, thôn Nhân Định, xã Yên Định (Sơn Động); trồng cam, bưởi cho giá trị và thu nhập cao của anh Trương Văn Lưu, dân tộc Sán Dìu, thôn Phi Lễ, xã Quý Sơn (Lục Ngạn); sản xuất chế biến gỗ bóc, tạo việc làm cho nhiều hộ DTTS trong bản có thu nhập ổn định của anh Lý Xuân Chỉ, dân tộc Nùng, xã Tiến Thắng (Yên Thế)...
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhiều học sinh DTTS đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Đóng góp vào những kết quả đó là dấu ấn của những thầy, cô giáo người DTTS như: Cô giáo Đoàn Thị Hải Yến, dân tộc Tày, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế) tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn 12, giúp các em học sinh đoạt 2 giải Ba; cô Ngọc Thị Nhàn, dân tộc Tày, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Vân Sơn (Sơn Động) lãnh đạo tập thể nhà trường đạt nhiều thành tích trong các phòng trào thi đua, cá nhân nhiều năm là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở...
Trao đổi tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, các phong trào thi đua tạo động lực to lớn, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, giảm nghèo, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, KT-XH trong vùng đồng bào DTTS còn chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, phát huy đúng mức, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Trình độ dân trí còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, một số tập tục lạc hậu còn tồn tại, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS có nguy cơ bị mai một...
|
Đại diện các điển hình tiên tiến chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các phong trào thi đua.
|
Theo ông Triệu Xuân Thể, dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ bản Vua Bà, xã Trường Sơn (Lục Nam), các cấp trong tỉnh cần quan tâm hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào những giống cây mới có năng suất, giá trị cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của từng vùng; tạo điều kiện để người dân tiếp cận công nghệ, thay đổi tập quán canh tác, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi.
Một số ý kiến khác đề nghị tỉnh tập trung giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và nâng cao thu nhập của người dân; thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; khắc phục tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, chú trọng đào tạo những ngành nghề phù hợp, gắn công tác đào tạo nghề với hỗ trợ và tìm kiếm việc làm cho người lao động. Quan tâm đầu tư phát triển y tế, giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ dân trí, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS.
|
Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương biểu dương thành tích của các điển hình, đồng thời nhấn mạnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục dành nhiều sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác dân tộc cũng như phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi.
Đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đại đoàn kết dân tộc.
Thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng DTTS và miền núi, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025).
Tăng cường đổi mới trong tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hỗ trợ kiến thức để chuyển giao khoa học kỹ thuật; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; chú trọng phát triển sản phẩm có giá trị kinh tế cao theo chuỗi giá trị. Tập trung giải quyết tốt chính sách lao động và các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ những tấm gương điển hình tiến tiến, những cách làm hay, sáng tạo để phong trào thi đua ngày càng phát triển rộng khắp, thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những điển hình tiên tiến tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chủ động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những người còn khó khăn trong cộng đồng các dân tộc.
|
Các cá nhân được Trưởng Ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen. |
Nhân dịp này, 10 cá nhân là người DTTS có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2022 được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen; 35 cá nhân được Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang tặng Giấy khen. Ngoài ra, 11 học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập được Hội Khuyến học tỉnh tặng quà.
Sỹ Quyết