(Mặt trận) -Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) đã được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Giang quan tâm triển khai thực hiện.
|
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đã làm cho diện mạo đời sống của người dân trên địa bàn huyện Yên Thế từng bước thay đổi. Ảnh: Thân Nam. |
Nhờ đó, diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi trên địa bàn đã có những thay đổi căn bản, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt.
Ông Trần Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang cho biết, thực hiện Chương trình MTQG 1719, bám sát các nghị quyết, thông tư hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa các quy định của Trung ương cho phù hợp với thực tế của địa phương. Đặc biệt, sau khi HĐND - UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2025 và các năm 2022 - 2023 cho các địa phương được thụ hưởng, hàng năm Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát thực hiện Chương trình.
Qua giám sát cho thấy, Chương trình MTQG 1719 đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Nguồn vốn được phân bổ theo tiêu chí, đảm bảo công khai, công bằng, đúng hướng dẫn của các bộ, ngành, các tiểu dự án được đầu tư hỗ trợ đúng địa bàn, đúng đối tượng, đảm bảo chế độ, chính sách đúng quy định. Nhờ đó, đến nay cơ bản các đơn vị cấp huyện, các sở, ngành được giao chủ trì đã phân bổ xong kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch thực hiện trong năm 2022 và 2023 để triển khai thực hiện Chương trình.
Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn I, tỉnh Bắc Giang đã dành gần 2.500 tỷ đồng để thực hiện 10 dự án. Ngoài nguồn lực của Trung ương và của tỉnh, các địa phương đều có những giải pháp phù hợp “tiếp sức” cho các hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã huy động nhiều nguồn lực giúp hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Trần Công Thắng, thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2025, cùng với các chính sách dân tộc khác trên địa bàn, diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bắc Giang có những thay đổi căn bản, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng DTTS từng bước được cải thiện. Các chính sách đã có tác động mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, động viên đồng bào DTTS phát huy nội lực, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước vượt qua khó khăn, phấn đấu phát triển kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Nhờ đó, ý chí, tinh thần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trong vùng dân tộc đã tạo thành các phong trào sản xuất, làm kinh tế trong hầu hết các lĩnh vực...
“Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy vẫn còn một số tồn tại như việc triển khai Chương trình MTQG 1719 đang chậm so với mục tiêu, yêu cầu đề ra, một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo mới cơ bản hoàn thành. Việc phân bổ vốn đầu tư của Chính phủ mới trình Quốc hội nhưng vẫn chưa phân bổ hết cho các tỉnh; chưa bố trí đủ vốn đối ứng, tiến độ giải ngân vốn cho chương trình đến thời điểm này còn rất thấp, từ đó làm ảnh hưởng tới mục tiêu, kế hoạch, định hướng đề ra từ đầu giai đoạn tại các địa phương, cơ sở…” - ông Thắng cho hay.
Lý giải nguyên nhân của những hạn chế trên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang Trần Công Thắng cho rằng, do năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Chương trình, cơ chế có nhiều thay đổi so với những giai đoạn trước nên việc ban hành các quy định, hướng dẫn của một số bộ, ngành còn chậm, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thống nhất; một số nội dung giao địa phương phải quy định cụ thể dẫn đến việc cụ thể hóa các văn bản của Trung ương phải thực hiện theo quy trình, mất nhiều thời gian.
Bên cạnh những khó khăn trong chỉ đạo thực hiện, công tác giám sát việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh cũng gặp phải những hạn chế nhất định do nhận thức của một số cấp ủy, lãnh đạo chính quyền về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ giám sát của MTTQ Việt Nam còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện, dẫn đến coi nhẹ công tác giám sát của MTTQ. Việc lựa chọn nội dung giám sát hàng năm, nhiều địa phương còn lúng túng, một số đơn vị làm hình thức, thụ động; còn biểu hiện nể nang, né tránh. Trình độ một số cán bộ còn hạn chế; việc theo dõi giám sát thực hiện các kiến nghị sau giám sát nhiều nơi làm chưa tốt dẫn đến công tác giám sát chưa được quan tâm, coi trọng nhất là ở cơ sở…
Để huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG 1719, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn vốn để từ đó tạo ra “đòn bẩy” phát triển kinh tế để miền núi tiến kịp miền xuôi.
PHƯƠNG NGUYÊN