Tin mới

Bắc Giang: Phát huy vai trò của người có uy tín, thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

(Mặt trận) -Ngày 25/9, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức gặp mặt, tiếp xúc, đối thoại với 200 người có uy tín (NCUT) tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Trần Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang; Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đồng chủ trì.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Đề xuất nhiều cơ chế, chính sách

Hiện UBND tỉnh công nhận 522 NCUT ở 522 thôn, bản, tổ dân phố thuộc 81 xã, thị trấn tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và Tân Yên.

 Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thông qua các chương trình, dự án, chính sách được triển khai, diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi của tỉnh có những thay đổi căn bản; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Có được kết quả này, ngoài sự chỉ đạo sát sao của T.Ư, của tỉnh, huyện, sự đồng thuận và cố gắng vuơn lên của người dân còn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ NCUT.

Trao đổi tại buổi đối thoại, các đại biểu vui mừng về kết quả phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng; đồng thời nêu kiến nghị, đề xuất giải pháp phát triển vùng DTTS, thu hẹp khoảng cách vùng miền.

Quang cảnh buổi gặp mặt, tiếp xúc, đối thoại. 

Một số ý kiến nêu, những năm qua, tại vùng DTTS và miền núi, nhiều người đi xuất khẩu lao động và gửi tiền về cho gia đình làm nhà ở, có vốn đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất, thoát nghèo, đời sống được nâng lên. Hiện nhiều người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động song gặp khó khăn, nhất là về chi phí. Do đó, đề nghị T.Ư, tỉnh và các địa phương nghiên cứu, vận dụng các chính sách hiện hành để hỗ trợ đồng bào.

Trên địa bàn vùng DTTS và miền núi còn nhiều gia đình thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; một số hộ có đất lâm nghiệp, đất vườn đã sử dụng từ lâu nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước thực tế này, cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện cần sớm có giải pháp để giải quyết, giúp đồng bào yên tâm lao động, sản xuất. 

 Ông Ninh Quốc Dân nêu ý kiến tại hội nghị.

Về chính sách hỗ trợ sản xuất, ông Ninh Quốc Dân, dân tộc Sán Chí, thôn Cống, xã Kiên Lao (Lục Ngạn) phản ánh, hiện một số hợp tác xã, người dân ở vùng DTTS và miền núi trên địa bàn huyện bắt đầu quan tâm đến việc chăm sóc, trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư vốn, kinh phí triển khai các mô hình.

Ngoài ra một số ý kiến đề xuất: Công nhận bổ sung 1-2 NCUT tại một số thôn có dân số đông, nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống; tạo điều kiện để NCUT tham gia giám sát triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là chương trình mục tiêu vùng đồng bào DTTS). Bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các thôn còn khó khăn, không nằm trong vùng hỗ trợ của chương trình mục tiêu vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ hoàn thiện thiết chế văn hóa cho các thôn, bản; có biện pháp chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, hạn chế các vụ tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua vùng đồng bào DTTS và miền núi...

Tiếp tục khẳng định vai trò cầu nối 

Trao đổi tại hội nghị, đồng chí Vi Thanh Quyền thông tin, thực hiện chương trình mục tiêu vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2021-2025, tỉnh dành gần 2,5 nghìn tỷ đồng để thực hiện 10 dự án, trong đó ngân sách T.Ư hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 241 tỷ đồng, còn lại là vốn chính sách, ngân sách huyện, xã và nguồn vốn khác.

Trong đó có dự án về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại những nơi cần thiết; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, phát triển du lịch... Hiện qua nắm bắt, một số hộ vẫn còn khó khăn về nhà ở song do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể hỗ trợ. Tới đây, Ban Dân tộc tỉnh sẽ báo cáo, xin ý kiến của UBND tỉnh để có giải pháp tháo gỡ.

 Đồng chí Vi Thanh Quyền giải đáp một số ý kiến, kiến nghị của NCUT.

Liên quan đến hỗ trợ xuất khẩu lao động, đồng chí cho biết, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và chi phí làm hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh, làm thị thực (visa), khám sức khỏe…

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh dành gần 141 tỷ đồng để hỗ trợ giải quyết việc làm thông qua hoạt động đào tạo người lao động vùng DTTS và miền núi đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài, đào tạo sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 3 tháng. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, chuyên đề tại địa bàn vùng DTTS và miền núi.

 Các đồng chí: Trần Công Thắng, Vi Thanh Quyền trò chuyện với các đại biểu.

Đối với đề xuất hỗ trợ triển khai dự án trồng cây dược liệu, đồng chí Vi Thanh Quyền cho biết, do huyện Lục Ngạn có tỷ lệ dân số là người DTTS dưới 50% nên không đáp ứng đủ tiêu chí để thực hiện nội dung hỗ trợ theo tiểu dự án 2, dự án 3 thuộc chương trình mục tiêu vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, để phát triển cây dược liệu, người dân tại địa bàn huyện Lục Ngạn có thể đăng ký hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoặc phát triển cộng đồng.

Về chính sách đối với NCUT, đồng chí cho biết, theo quy định, mỗi thôn thuộc vùng DTTS có ít nhất 1/3 số hộ gia đình hoặc số nhân khẩu là người DTTS được bình chọn một NCUT. Trường hợp thôn không đủ điều kiện quy định hoặc có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, căn cứ tình hình thực tế và đề nghị của Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định số lượng NCUT được bình chọn nhưng tổng số NCUT được bình chọn không vượt quá tổng số thôn của vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Công Thắng tiếp thu các ý kiến tại hội nghị. Các ý kiến này sẽ tổng hợp, phân loại và có văn bản chuyển đến các địa phương, ngành liên quan giải quyết theo thẩm quyền.

 Đồng chí Trần Công Thắng phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí nhấn mạnh, thời gian qua, KT-XH vùng DTTS và miền núi của tỉnh từng bước ổn định và phát triển, góp phần vào thành quả ấy có dấu ấn của đội ngũ NCUT. Đồng chí mong muốn, đội ngũ NCUT tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và phạm vi ảnh hưởng đối với quần chúng nhân dân trên địa bàn sinh sống; gương mẫu, tiên phong trong các phong trào.

Đồng thời vận động đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương. Tích cực tham gia giải quyết các vụ việc, mâu thuẫn, khiếu kiện, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.

Tiếp tục là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc; tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, giữ gìn và phát huy khối đoàn kết các dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc.

Đồng chí đề nghị, sau hội nghị, MTTQ các cấp, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức gặp mặt, biểu dương tôn vinh điển hình tiên tiến vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang tặng quà cho các đại biểu.

Nhân dịp này, Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang tặng quà cho 200 NCUT tiêu biểu dự hội nghị.

Sỹ Quyết

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản