Hiện tỉnh Bắc Giang hiện có gần 260 nghìn người DTTS. Đến nay, UBND tỉnh công nhận 525 NCUT ở hơn 450 thôn, bản thuộc 78 xã ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế và Tân Yên.
Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của trung ương, tỉnh, đội ngũ NCUT luôn khắc phục khó khăn, thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội với nhân dân trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH địa phương.
Diện mạo vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã có những thay đổi căn bản, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,2%/năm (giảm từ 35,1% năm 2015 xuống còn 8,77% năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 7,63%/năm (từ 51,6% năm 2015 xuống còn 13,45% năm 2020). Đặc biệt, đến nay có 36/73 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
|
Các đại biểu dự hội nghị. |
Trao đổi tại buổi đối thoại, các đại biểu vui mừng về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng; đồng thời nêu kiến nghị, đề xuất giải pháp phát triển vùng DTTS, thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Một số ý kiến nêu, những năm qua, Đảng, Nhà nước có sự quan tâm, đầu tư lớn cho công tác xóa đói, giảm nghèo song một số hộ dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại.
Khắc phục tình trạng này, ông Lý Khánh Dỉ, dân tộc Nùng, thôn Tam Chẽ, xã Sơn Hải (Lục Ngạn) đề nghị trong phần kinh phí hỗ trợ giảm nghèo vùng DTTS và miền núi tập trung nhiều hơn cho bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh cho hộ dân.
Chung quan điểm, ông Tống Chí Thiềm, dân tộc Cao Lan, thôn Hòa Bình, xã Bình Sơn (Lục Nam) đề xuất cần rà soát lại các chính sách đang triển khai, kịp thời dừng thực hiện các chính sách hiệu quả không cao, không phù hợp với thực tế. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách đặc thù của tỉnh đối với các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh, từng bước hoàn thiện hạ tầng, tạo động lực để các thôn, bản cũng như từng hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo.
|
Ông Lý Khánh Dỉ nêu ý kiến tại hội nghị. |
Liên quan đến chính sách đối với NCUT, ông Nịnh Văn Cạng, dân tộc Sán Chí, thôn Lọ, xã Lệ Viễn (Sơn Động) nêu, thực tế NCUT tham gia nhiều hoạt động ở cơ sở, đa số NCUT không có lương hưu, phụ cấp nên gặp khó khăn nhất định trong phát huy vai trò, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Do đó kiến nghị tỉnh nghiên cứu có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, kinh phí đi lại cho NCUT.
Có ý kiến băn khoăn, theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II và I thuộc vùng DTTS, số xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn (khu vực III, II) của tỉnh giảm từ 130 xã xuống còn 37 xã. Vậy những chính sách cho cán bộ, người dân tại các xã ra khỏi danh sách thì thực hiện thế nào, còn được hỗ trợ không?
Một số đại biểu lo ngại, tại nhiều khu vực, trẻ em, thậm chí người trưởng thành không còn nói tiếng dân tộc, nguy cơ không giữ được tiếng dân tộc. Đồng thời đề xuất, trung ương và tỉnh có chính sách bảo tồn tiếng nói, chữ viết của người DTTS...
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị có chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người DTTS đang sống tại các xã khu vực I; tạo điều kiện cho NCUT đi học tập kinh nghiệm; hỗ trợ xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng ở những thôn, bản chưa có; tạo điều kiện chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng cây ăn quả, nâng cao giá trị kinh tế...
Tiếp thu, giải đáp ý kiến, đề xuất của NCUT, các đồng chí: Trần Công Thắng, Vi Thanh Quyền thông tin, hiện tỉnh đã xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Quyết định Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (giai đoạn 1 từ 2021 đến 2025). Khi kế hoạch được thông qua, nhiều dự án, chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS được triển khai, đời sống người dân sẽ có chuyển biến.
Liên quan đến chế độ bảo hiểm y tế tại các xã khu vực I, đồng chí Vi Thanh Quyền cho biết, sau khi phân định lại ba khu vực, toàn tỉnh có khoảng 70 nghìn người DTTS thuộc các xã khu vực I không được hưởng chính sách bảo hiểm y tế. Đây là quy định chung và thực hiện trên toàn quốc nên không thể thay đổi.
Về chính sách hỗ trợ, đồng chí cho biết từ nay đến năm 2025 tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch hỗ trợ xây dựng 73 ngầm, cầu dân sinh tại địa bàn các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đối với việc đi tham quan, học tập kinh nghiệm, do nguồn kinh phí hạn chế lại bị ảnh hưởng của dịch nên hai năm gần đây việc này bị gián đoạn. Trong dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí, tạo điều kiện để NCUT tiếp cận mô hình, cách làm mới, hiệu quả.
|
Đồng chí Trần Công Thắng phát biểu tại hội nghị. |
Để tiếp tục phát huy vai trò NCUT, đồng chí Trần Công Thắng đề nghị các cấp ủy đảng tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật mới của Nhà nước đến đồng bào DTTS. Đồng chí mong muốn, NCUT phát huy vai trò người trong cộng đồng, tuyên truyền, vận động đồng bào mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giữ gìn tốt bản sắc văn hóa, phong tục, truyền thống...
Với các nội dung khác, Ủy ban MTTQ, Ban Dân tộc tỉnh tập hợp báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như các ngành liên quan xem xét, từ đó có cơ chế, chính sách phù hợp.
Nhân dịp này, Ủy ban MTTQ, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang tổ chức báo công tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, tặng quà 110 NCUT tiêu biểu tham dự buổi gặp mặt, tiếp xúc, đối thoại.
Sỹ Quyết