Tin mới

Bắc Giang quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ các dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Văn hoá của mỗi dân tộc thiểu số (DTTS) có bản sắc riêng biệt và nhiều giá trị độc đáo khác nhau được thể hiện trong các hoạt động lễ hội, trang phục, kiến trúc, tín ngưỡng. Đặc biệt ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) là một trong những thành tố quan trọng, cơ bản nhất của văn hóa dân tộc và cũng là tiêu chí để xác định thành phần DTTS. 

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Theo số liệu điều tra dân số năm 2019, tỉnh Bắc Giang có trên 1,8 triệu người, với 45 thành phần dân tộc. DTTS có hơn 257 nghìn người, chiếm 14,26% dân số toàn tỉnh, trong đó có 7 DTTS có dân số đông, sinh sống thành cộng đồng.

 Ông Bàn Văn Cường truyền dạy chữ Dao cho thế hệ trẻ. Ảnh: Xuân Thỏa.

Theo số liệu điều tra KT - XH vùng DTTS và miền núi tỉnh Bắc Giang năm 2019, trong tổng số 212 nghìn mẫu phiếu điều tra trong tỉnh: chỉ có 1.100/26.411 người dân tộc Sán Chay được hỏi còn nói được tiếng của dân tộc mình, chiếm 4,16%; tương ứng với các thành phần dân tộc khác là: Dao 145/10.000, chiếm 1,45%; Hoa 241/17.961, chiếm 1,39%; Tày 619/47.878, chiếm 1,29%; Nùng 755/81.462, chiếm 0,93%; Sán Dìu 131/29.275, chiếm 0,45%.

Thực tế ghi nhận, số người dân tộc không còn nói được tiếng mẹ đẻ của mình, chủ yếu lứa tuổi thanh thiếu niên. Đời sống đồng bào DTTS đang từng bước bắt nhịp cùng sự văn minh, hiện đại của đô thị miền xuôi về các mặt phát triển kinh tế, văn hoá, tri thức thì đi kèm theo đó nhiều các giá trị truyền thống của DTTS cũng bị mai một và mất dần. Giữ gìn những giá trị đặc sắc của DTTS trong tỉnh chính là hoạt động để góp phần xây dựng vững chắc “biên giới văn hoá” trong việc “bảo vệ” bản sắc văn hoá người Việt nói chung.

Trước thực trạng này, nhiều già làng, trưởng bản ở các thôn, bản vùng cao trong tỉnh đã tìm cách giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình theo nhiều phương pháp khác nhau như truyền dạy văn hóa, ngôn ngữ dân tộc mình qua tiếng hát, tiếng đàn như hát Then, đàn tính, hát soọng cô… hay tự mày mò nghiên cứu biên soạn tài liệu tiếng dân tộc để mở các lớp truyền dạy miễn phí về tiếng nói, ngôn ngữ DTTS của mình cho thế hệ nối tiếp trong thôn, xã mình. Điển hình như ông Đàm Văn Tình, xã An Lạc và ông Bàn Văn Cường ở thị trấn Tây Yên Tử (cùng huyện Sơn Động) là những người đi đầu trong phong trào bảo tồn tiếng DTTS của tỉnh.

Ông Đàm Văn Tình, người dân tộc Sán Chay, năm nay đã 78 năm tuổi với 41 năm tuổi Đảng, nhiều năm liền âm thầm biên soạn tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc Sán Chí, Cao Lan, tổ chức được nhiều lớp truyền dạy tiếng Sán Chí, Cao Lan tại thôn. Thời gian đầu, ông đã tự biên soạn, viết tay trên giấy để chuyển thể, phiên âm từ vựng từ tiếng Sán Chí, Cao Lan sang chữ Quốc Ngữ. Sau này, nhờ sự giúp sức của thầy giáo Vũ Hùng Cường, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Vân Sơn (Sơn Động) đã nghỉ hưu, đánh máy tài liệu, ông Tình có bộ tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc in sạch đẹp, rõ ràng và lưu trữ tốt hơn. 

Hiện nay, thôn Đồng Bây, xã An Lạc đang duy trì được 2 lớp truyền dạy tiếng Sán Chí và Cao Lan. Mỗi lớp gần 20 học viên, học vào buổi sáng ngày Chủ Nhật hằng tuần, chủ yếu là các cháu đang học bậc THCS.

Ở thị trấn Tây Yên Tử, Nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Cường, năm nay đã 78 tuổi, vẫn là người “giữ lửa, truyền lửa” ngôn ngữ dân tộc Dao qua việc tự nghiên cứu biên soạn bộ tài liệu tiếng Dao. Ông nguyên là cán bộ làm công tác dân vận ở huyện Sơn Động về nghỉ hưu từ năm 2007. Từ lúc nghỉ hưu, ông Cường đã chủ động, tích cực trong việc sưu tầm những cuốn sách cổ của người Dao. 

Khi được tham gia “Đề án bảo tồn và phát triển tri thức bản địa các DTTS Việt Nam” thuộc Trung tâm vì Sự phát triển bền vững Miền núi, ông được cung cấp “Bộ sách dạy và học chữ Dao Việt Nam” gồm 9 quyển: Tam Tự Kinh; Khai Thiên Địa; Thượng Cổ; Khai Thiên Lập Địa; Sơ Khai Tạo Thiên Địa; Thiên Tự Trọng; Thiên Tử; Thuyết Nhân; Hiền Văn. Đây là bộ sách cổ, viết bằng chữ Hán - Nôm, đã có từ hàng trăm năm, được người Dao sử dụng trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng và xã hội, thể hiện một phần bản sắc văn hóa và lịch sử phát triển của dân tộc Dao ở Việt Nam. 

Trên cơ sở tài liệu từ trung ương cung cấp, ông mở được hơn 10 lớp truyền dạy tiếng Dao ở nhiều thôn, xã trong huyện. Tất cả đều tự nguyện và miễn phí. Ông quan niệm rằng: “Lương hưu nhà nước trả tôi hằng tháng đã đủ chi tiêu rồi, cái tôi mong muốn là được tận mắt nhìn thấy lớp lớp con cháu còn nói được tiếng Dao, còn giữ được bản sắc văn hóa của mình”.

Với những cống hiến trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa DTTS, ông Bàn Văn Cường đã được tặng thưởng nhiều Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, đặc biệt năm 2019, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú do đã có những cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể (lĩnh vực bảo tồn tiếng nói, chữ viết tỉnh Bắc Giang).

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của việc bảo tồn ngôn ngữ các DTTS trong đời sống hiện nay và những tâm tư nguyện vọng của đồng bào DTTS trong tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã nghiên cứu và xây dựng được Đề cương về bảo tồn và phát huy giá trị tiếng nói DTTS trong tỉnh Bắc Giang được phê duyệt ngày 11/4/2023 là bước đầu góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn văn hóa các DTTS của tỉnh. 

Đề cương nêu rõ 5 nhiệm vụ chính gồm các hoạt động: Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng sử dụng tiếng DTTS trong cộng đồng và nhu cầu học tiếng DTTS; điều tra, thống kê người có khả năng, điều kiện, tâm huyết trong việc truyền dạy tiếng DTTS trong cộng đồng; xây dựng Kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho lực lượng truyền dạy tiếng DTTS; xây dựng tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc (tài liệu lưu hành nội bộ) của 7 DTTS là: Tày, Nùng, Hoa, Dao, Sán Chí, Cao Lan, Sán Dìu...

Để thực hiện tốt các nội dung trên, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể như: Đưa nội dung môn học tiếng dân tộc vào hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa của các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Phổ thông Dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh hỗ trợ cho người học, người truyền dạy tiếng DTTS; tích cực tuyên truyền về sự cần thiết của bảo tồn, phát huy tiếng DTTS... Đây là tin vui cho đồng bào DTTS trong tỉnh để bảo tồn tiếng DTTS, là điều kiện, nền tảng quan trọng trong hoạt động phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc, đồng thời khẳng định việc giữ gìn và phát huy giá trị nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Lê Bá Xuyên - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản