Tin mới

Bắc Kạn:Ưu tiên nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) được thực hiện, tỉnh Bắc Kạn đã bắt tay ngay vào triển khai các Dự án, Tiểu dự án. Từ đó, tạo động lực để bà con từng bước vươn lên, phát triển kinh tế.

Chư Pưh quan tâm đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Gia Lai: Dấu ấn từ cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia ở tỉnh Kon Tum

 Các cấp chính quyền tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Ảnh: Lê Thắng.

Ông Bế Ngọc Thuấn - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn được phân bổ hơn 3.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Từ nguồn vốn được cấp, tỉnh phân bổ về các địa phương để triển khai xuống cơ sở. Trong đó, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn vùng DTTS đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, vùng đồng bào DTTS đồng bộ; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Khi triển khai các Dự án và Tiểu dự án, các huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh cũng đang đẩy mạnh thực hiện các hạng mục mà Chương trình đặt ra. Tại Pác Nặm, với đặc thù là huyện khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2023 cũng đã thực hiện 4 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng về chăn nuôi và trồng trọt tại 2 xã Bằng Thành và Bộc Bố.

Ông Đào Duy Hưng - Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết, huyện đang triển khai 2 dự án chăn nuôi lợn thịt bản địa, quy mô 100 con/dự án ở xã Bằng Thành; 1 dự án trồng lê quy mô 5ha và 1 dự án chăn nuôi bò sinh sản quy mô 30 con tại xã Bộc Bố. Các dự án sẽ được ưu tiên triển khai thực hiện tại những thôn vùng cao, nơi tập trung nhiều hộ đồng bào DTTS. Trong đó, các hộ tham gia dự án sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ con giống, thức ăn, vật tư, tập huấn chuyển giao kỹ thuật để phát triển sản xuất quy mô lớn. Đặc biệt, dự án hướng tới mục tiêu tạo thành sản phẩm hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị, năng suất và chất lượng sản phẩm. Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

Còn tại huyện Bạch Thông, trong năm 2023, huyện được giao gần 60 tỷ đồng cho 10 dự án phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hiện nay, huyện đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án và đưa ra giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719. Đặc biệt, các dự án về đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng đang được huyện triển khai thực hiện. Đây là dự án được thực hiện đối với các chợ trong quy hoạch, thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, ưu tiên các chợ đang hoạt động nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, quá tải cần đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết thêm, tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tập trung mở các tuyến đường lâm nghiệp, xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung, phát triển đa dạng hàng hóa nông sản… Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hóa.

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng cũng đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS và miền núi vươn lên, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, tỉnh cũng đang xây dựng và nhân rộng mô hình hộ gia đình tự vươn lên thoát nghèo, tạo việc làm ổn định, bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ y tế, dạy nghề cho các hộ nghèo, nhất là các hộ nghèo là đồng bào DTTS ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Với sự nỗ lực vào cuộc trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã cho thấy quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Trên tinh thần đó với những giải pháp thiết thực, cụ thể Chương trình MTQG 1719 sẽ thực sự là đòn bẩy phát triển các địa phương vùng DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn, tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS phát triển bền vững.

PHƯƠNG NGUYÊN

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản