(Mặt trận) - Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, các chương trình, đề án, dự án thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH, bảo tồn văn hóa truyền thống, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
|
Lắp đặt điện năng lượng mặt trời cho ĐBDTTS ở làng Canh Giao (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh). Ảnh: HỒNG PHÚC |
Ưu tiên nguồn lực
Không khó để nhận ra sự đổi thay ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi của tỉnh. Những con đường bùn lầy, hay việc phải băng rừng vượt núi để đến làng hầu như không còn. Thay vào đó là những con đường bê tông thẳng tắp, khang trang, sạch sẽ. Nhiều khu tái định cư, các công trình điện - đường - trường - trạm khang trang mọc lên.
Ông Đinh Văn Mực, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Liên (huyện Vân Canh), hồ hởi nói: “5 năm qua, xã có hai công trình ý nghĩa được nhà nước đầu tư là cấp điện lưới quốc gia cho 3 làng (Kà Bông, Cát, Chồm) và xây dựng khu dân cư tập trung Kôm Xôm. Các công trình được đầu tư chính là bệ phóng giúp đời sống ĐBDTTS trên địa bàn chuyển biến mạnh mẽ; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân 3,37%/năm”.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Bùi Tấn Thành cũng cho biết, cơ sở hạ tầng của huyện đã được đầu tư khá hoàn thiện, tạo “đòn bẩy” để vùng ĐBDTTS phát triển, khởi sắc. “Tuyến ĐH 47 từ trung tâm huyện đi xã Vĩnh Thuận, tuyến ĐT 637 đoạn qua xã Vĩnh Sơn, cùng hàng chục công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng… được xây dựng không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, thu hẹp khoảng cách miền núi - đồng bằng mà còn đảm bảo an sinh xã hội cho ĐBDTTS”, ông Thành kể.
Được biết, chỉ riêng Tiểu dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và Chương trình 30a từ năm 2016 đến nay đã đảm bảo nguồn vốn lần lượt là 187,7 tỷ đồng và 1.151 tỷ đồng để đầu tư hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng cho vùng ĐBDTTS và miền núi. Ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, nhìn nhận: “Nhờ sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của các cấp nên cơ sở hạ tầng vùng ĐBDTTS từng bước được tăng cường, hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH ở khu vực này”.
Chuyển biến tích cực
Ghi nhận ở vùng ĐBDTTS thời gian qua, chúng tôi nhận thấy tinh thần tự lập, tự lực trong ĐBDTTS ngày càng nâng cao. Tình trạng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước đã giảm hẳn. Anh Nguyễn Văn Thạch, 43 tuổi (trưởng làng Hòn Mẻ, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) đã biết chuyển đổi cây trồng hiệu quả, biến 6 ha đất “sỏi đá” thành “cơm” từ trồng cây keo, lúa, mì. Ngoài ra, anh còn sắm chiếc máy cày hơn 200 triệu đồng để cơ giới hóa nông nghiệp, vừa cày đất của gia đình, vừa cày thuê cho bà con trong làng. Anh Thạch bày tỏ: “Chỉ cần cần cù, chịu khó, biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất thì sẽ có thành quả”.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh: Việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng ĐBDTTS ngày càng toàn diện, có hiệu quả, đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao thu nhập cho ĐBDTTS. Tuy nhiên, thực tế đời sống của ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở các thôn, làng đặc biệt khó khăn.
Thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thiết thực, lâu dài nâng cao chất lượng đời sống cho ĐBDTTS. Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án trong vùng ĐBDTTS. Đi đôi với đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thiện cơ bản các thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Ngoài ra, tập trung giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết trong vùng ĐBDTTS.
Theo Báo Bình Định