Tin mới

Bình Thuận: Khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng đồng bào DTTS

(Mặt trận) -Nhiều năm qua công tác dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh thực hiện. Các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), vùng cao, miền núi, vùng sâu, vùng xa trong cả nước được quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Vẫn còn nhiều khó khăn

Trong thời gian qua, Bình Thuận đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS, điển hình là Nghị quyết số 04 và Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy (khóa X); Nghị quyết số 17, ngày 14/12/2011 của HĐND tỉnh. Đồng thời tỉnh còn có nhiều chính sách khác như: đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển vật tư nông nghiệp và nông sản hàng hóa; chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên từ bậc mầm non đến bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển cây cao su, giải quyết đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn phát triển sản xuất… Mặc dù đã có nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng ĐBDTTS, tuy nhiên vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

 Làm gốm ở Bắc Bình. Ảnh: Đ.Hòa

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do vùng ĐBDTTS chủ yếu là ở miền núi, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chậm phát triển, xuất phát điểm rất thấp. Bên cạnh đó biến đổi khí hậu, sự cố môi trường chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực phân tán, dàn trải, chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy nội lực của đồng bào để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng ĐBDTTS. Bên cạnh đó nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu còn hạn chế, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm, giải quyết đầu ra cho nông sản còn khó khăn, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc…

Nâng cao đời sống ĐBDTTS

Từ thực tế trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025. Theo đó, trong giai đoạn này quan điểm của tỉnh là phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh vùng ĐBDTTS được thực hiện theo nguyên tắc tập trung nguồn lực tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, phát huy tinh thần tự lực của ĐBDTTS. Tập trung địa bàn đặc biệt khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tập trung có hiệu quả các vấn đề bức thiết. Thúc đẩy đào tạo nghề giải quyết việc làm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng ĐBDTTS và miền núi. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của ĐBDTTS so với bình quân chung của cả nước. Trước hết, tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, từ ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động từ xã hội, gắn kết phát triển kinh tế giữa các địa phương. Tập trung khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững…

Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi các cấp, ngành và địa phương phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân, phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Hài hòa các cơ chế, quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của chương trình, ưu tiên lựa chọn các nội dung đầu tư có định mức cao hơn để tổ chức thực hiện đối với các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình đối với cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng.

Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành. Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện chương trình, trong đó, ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định, có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, tăng cường huy động các nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài. Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định, bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng…

THANH QUANG

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản