Tin mới

Bình Thuận tăng cường đoàn kết tôn giáo, dân tộc

(Mặt trận) -Cụ thể hóa các chính sách của Ðảng, Nhà nước về công tác tôn giáo, dân tộc, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện mô hình: "Lực lượng vũ trang tăng cường đoàn kết tôn giáo, dân tộc".

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

 Đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận trao quà tặng đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.

Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị; củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần hoàn thành tốt kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương.

Chủ động xây dựng chương trình phối hợp

Ðón tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, sạch đẹp ở khu phố 3, phường Phước Lộc, thị xã La Gi (Bình Thuận), ông Trần Sơn Trung, giáo dân tại Giáo xứ Vinh Thanh vui vẻ cho biết, trước đây gia đình không có nhà phải ở nhờ họ hàng. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã La Gi phối hợp Giáo xứ Vinh Thanh hỗ trợ xây dựng cho gia đình ông một căn nhà "Tình nghĩa quân - dân" với tổng giá trị 160 triệu đồng, trong đó, Ban CHQS thị xã hỗ trợ 50 triệu đồng, giáo xứ hỗ trợ 40 triệu đồng, số còn lại của người thân trong gia đình giúp đỡ. Ông Trung xúc động cho biết: Nếu không có sự quan tâm của Ban CHQS thị xã La Gi và giáo xứ thì gia đình không biết đến bao giờ mới có thể xây được nhà. Có được ngôi nhà của mình, gia đình chúng tôi sẽ cố gắng vươn lên, chấp hành tốt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,thực hiện tốt phương châm "Kính Chúa, yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo".

Xây dựng nhà "Tình nghĩa quân - dân" là một trong những nội dung hoạt động cụ thể của mô hình "Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bình Thuận tăng cường đoàn kết tôn giáo, dân tộc" do Bộ CHQS tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2018. Là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, trên địa bàn Bình Thuận có 35 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 34 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 95.900 người, chiếm 7,54% dân số toàn tỉnh; có tám tôn giáo được Nhà nước công nhận đang hoạt động với 496.295 tín đồ, chiếm 39,44% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, LLVT tỉnh Bình Thuận thường xuyên quán triệt thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Ðảng và Nhà nước; quan tâm chăm lo và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, đồng bào các dân tộc, đồng bào có đạo. Mối quan hệ, tình đoàn kết quân dân ngày càng củng cố. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có cấp ủy, chỉ huy đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc, tôn giáo, chưa thu hút, thuyết phục được hoàn toàn chức sắc, nhà tu hành, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào DTTS quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của LLVT. Vì thế, đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

Xuất phát từ thực tế đó, năm 2016, Ðảng ủy, Bộ CHQS tỉnh thống nhất chọn huyện Ðức Linh, địa phương có tỷ lệ đồng bào có đạo khá cao làm điểm xây dựng mô hình "LLVT huyện tăng cường đoàn kết với đồng bào tôn giáo" và huyện Bắc Bình, địa phương có đông đồng bào là người DTTS, nhất là dân tộc Chăm làm điểm xây dựng mô hình "LLVT huyện tăng cường đoàn kết với đồng bào dân tộc". Thượng tá Nguyễn Văn Ðương, Chính trị viên Ban CHQS huyện Ðức Linh cho biết, lúc đầu triển khai mô hình còn bỡ ngỡ bởi chưa có đơn vị nào trong Bộ CHQS tỉnh thực hiện. Ban CHQS huyện đã tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ trong LLVT huyện; chủ động tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, UBND huyện và các đồng chí trong ban chỉ đạo tôn giáo về chủ trương để ban hành văn bản chỉ đạo các cấp ủy, địa phương phối hợp thực hiện. Ban đầu, đơn vị tổ chức đi thăm các vị chức sắc, nhà tu hành tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn huyện vào dịp Tết, Lễ...

Thông qua các cuộc gặp này, chỉ huy đơn vị có những thông tin chính xác hơn cung cấp cho ban chỉ đạo tôn giáo chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh, không để xảy ra vụ việc phức tạp dẫn đến điểm nóng, ảnh hưởng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Năm 2019, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nhiều nhà cửa của bà con dân tộc theo đạo Tin lành ở thôn 9, xã Mê Pu. Ban CHQS huyện Ðức Linh đã liên hệ với Chi hội Tin lành Mê Pu 2 đặt vấn đề hỗ trợ giúp xây dựng một căn nhà cho một gia đình tín đồ tại đây. Vị Mục sư, Quản nhiệm Chi hội rất ủng hộ việc này và cùng tham gia vận động các nguồn đóng góp tiền xây dựng căn nhà cho gia đình bà K’Thị Hên, 71 tuổi, tín đồ người dân tộc K’Ho neo đơn có hoàn cảnh khó khăn. Căn nhà trị giá 70 triệu đồng, mỗi bên đóng góp 35 triệu đồng giúp cuộc sống của bà Hên đỡ khó khăn vất vả. Mục sư Huỳnh Văn Tùng, Quản nhiệm Chi hội Tin lành Mê Pu 2, huyện Ðức Linh bày tỏ vui mừng khi thấy bộ đội hỗ trợ giúp xây dựng nhà cho tín đồ Tin lành là người DTTS ở địa phương, chứng tỏ mối quan hệ của LLVT với tôn giáo, dân tộc ngày càng đoàn kết, gắn bó. Mục sư Tùng chia sẻ: Tôi thấy mối quan hệ này là rất tốt và cần được tiếp tục phát huy. Là một mục sư, tôi cũng phải có trách nhiệm phối hợp chính quyền và LLVT trong vấn đề bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, hướng dẫn giáo dân làm những điều tốt, chấp hành đúng các quy định của pháp luật, của địa phương và Hiến chương, đường hướng của Hội thánh Tin lành Việt Nam "Sống Phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc".

Tăng cường đoàn kết quân - dân

Qua hai năm thực hiện mô hình điểm tại hai đơn vị, bước đầu đem lại nhiều kết quả tích cực, mối đoàn kết giữa LLVT và chức sắc, nhà tu hành, chức việc, đồng bào các tôn giáo, các dân tộc gắn bó hơn, có sự đồng cảm, chia sẻ, hỗ trợ trong các hoạt động, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Một số tôn giáo bày tỏ sự ủng hộ, đồng thuận cao với LLVT, tuyên truyền vận động giáo dân tham gia nhập ngũ, chấp hành pháp luật... Từ kết quả đạt được, năm 2018, Ðảng ủy, Bộ CHQS tỉnh quyết định triển khai nhân rộng mô hình "LLVT tỉnh tăng cường đoàn kết với đồng bào tôn giáo, dân tộc" thực hiện tại tất cả các Ban CHQS huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị LLVT trong tỉnh nhằm đẩy mạnh hơn nữa mối đoàn kết và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị.

Ðại tá Phạm Văn Long, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận cho biết, mô hình này chính là sự cụ thể hóa để thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị của Ðảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về công tác tôn giáo, dân tộc, tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới.

Một nội dung cụ thể có ý nghĩa rất lớn đến việc tăng cường đoàn kết tôn giáo dân tộc được Bộ CHQS tỉnh đặt ra là LLVT phối hợp các địa phương, các tôn giáo xây dựng nhà "Ðoàn kết" cho đồng bào tôn giáo còn khó khăn với hình thức mỗi bên đóng góp một nửa kinh phí xây dựng. Trong hai năm 2018 và 2019, LLVT trong tỉnh phối hợp các tôn giáo xây dựng 14 căn nhà "Ðoàn kết", sau đổi thành nhà "Tình nghĩa quân - dân" trao tặng các gia đình giáo dân, người DTTS có hoàn cảnh khó khăn tại tất cả 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS các địa phương phối hợp các ban, ngành, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thăm hỏi, tặng quà hơn 230 cơ sở tôn giáo, cơ sở thờ tự và các địa phương có đồng bào DTTS nhân các ngày lễ trọng, các hoạt động của các tổ chức tôn giáo và đồng bào DTTS. Tổ chức gặp mặt giao lưu với 425 vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo. Riêng năm 2019, Bộ CHQS tỉnh tổ chức gặp mặt, giao lưu với 62 vị chức sắc, nhà tu hành, già làng, trưởng bản tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Bằng việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp thực tiễn, LLVT tỉnh Bình Thuận đã nhận được sự tin tưởng, quý mến, tôn trọng, tình cảm chân thành của các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người có uy tín trong đồng bào DTTS; thể hiện qua sự ủng hộ nhiệt tình đối với việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và trong nhiều hoạt động khác. Những năm gần đây, tỷ lệ công dân nhập ngũ là người DTTS và người có đạo ở trong tỉnh hằng năm tăng hơn 4%; lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên tham gia huấn luyện cũng tăng cao và có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức và hành động.

Ðại tá Phạm Văn Long, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận cho rằng: "Thông qua việc thực hiện các nội dung hoạt động của mô hình đã tăng cường sự hiểu biết, gắn bó giữa lực lượng vũ trang với đồng bào các dân tộc và đồng bào tôn giáo, làm cầu nối giữa đồng bào các dân tộc và đồng bào tôn giáo với cấp ủy, chính quyền, từ đó gặp gỡ, trao đổi và thống nhất giải quyết các vấn đề liên quan. Ðồng thời, kịp thời động viên, khích lệ chức sắc, chức việc các tôn giáo phát huy truyền thống yêu nước, tích cực tham gia vận động tín đồ, giáo dân thực hiện tốt công tác quốc phòng địa phương, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác dân vận, góp phần giữ vững ổn định chính trị, làm thất bại âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch.

ĐÌNH CHÂU

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản