Tin mới

Các bản làng huyện Hướng Hóa ngày càng khởi sắc

(Mặt trận) -Qua 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã làm thay đổi diện mạo các bản làng huyện vùng cao huyện Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS không ngừng được nâng cao.

Thanh Sơn tập trung thực hiện chính sách người dân tộc

Hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại xã biên giới Bạch Đích

Đời sống đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng ngày càng khởi sắc

 Người dân các xã vùng Lìa, huyện Hướng Hóa làm đất để trồng mới cây sắn nguyên liệu -Ảnh: Đ.P

Là một trong 14 xã thuộc khu vực III của huyện Hướng Hóa, xã Thanh hiện có 863 hộ với 4.246 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm 97%, sinh sống ở 6 thôn, bản. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với các chương trình dự án, kết quả bước đầu thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã làm thay đổi đời sống người dân và cảnh quan bộ mặt nông thôn xã biên giới này.

Chủ tịch UBND xã Thanh Hồ A Cất cho biết: trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, bước đầu tuy gặp không ít khó khăn, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của huyện và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các phòng, ban cấp huyện, xã Thanh đã triển khai thực hiện và đã thu được những kết quả đáng phấn khởi. Cùng với triển khai hỗ trợ chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất, xây dựng đường vào khu sản xuất ở các thôn: Thanh Ô, thôn Mới, A Ho, Thanh 1, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Ba Viêng, thôn Mới, xã tập trung chỉ đạo các thôn, bản triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo.

Theo đó, ngoài nguồn vốn hỗ trợ 40 triệu đồng/ nhà, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, xã còn huy động lực lượng thanh niên, lao động tại địa phương đóng góp ngày công xây dựng để giảm bớt chi phí cho hộ nghèo. Nhờ vậy, đến nay đã hỗ trợ cho 67 hộ nghèo triển khai xây dựng nhà ở, trong đó có 40 ngôi nhà đã hoàn thiện.

Gia đình anh Hồ Văn Thông ở thôn A Ho thuộc hộ nghèo của xã, hai vợ chồng và 2 đứa con sống trong ngôi nhà sàn tạm bợ. Nay được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, gia đình anh đang hoàn thiện ngôi nhà sàn kiên cố trị giá trên 100 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, anh vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội theo lãi suất ưu đãi 40 triệu đồng, còn lại 25 triệu đồng từ bà con, họ hàng cho mượn.

“Trước đây, gia đình tôi sống trong ngôi nhà sàn tạm bợ, nay nhờ Nhà nước quan tâm hỗ trợ và cho vay ưu đãi để tôi làm được ngôi nhà sàn kiên cố, vợ chồng tôi rất mừng. Khi có nơi ở tươm tất rồi, gia đình tôi sẽ tích cực trồng sắn, trồng chuối, chăn nuôi bò, dê, lợn, gà để có thu nhập, trả nợ vay và dần thoát khỏi diện hộ nghèo”, anh Thông chia sẻ.

Chương trình MTQG 1719 là chương trình thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi với một nguồn lực đầu tư rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nơi địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa một cách toàn diện. Chương trình mang tính chất tổng thể, dài hạn 10 năm và là một chương trình mới, đặc thù dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chính vì thế thời gian qua, huyện Hướng Hóa đã tập trung tổ chức chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện và đã giải ngân hơn 114 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 73,79% so với kế hoạch. Trong đó, vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là hơn 54 tỉ đồng, đạt 88,87% so với kế hoạch; vốn phân bổ năm 2023 là 60 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 64,07% so với kế hoạch.

Nhờ các nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 mà hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống đồng bào DTTS ở Hướng Hóa có những chuyển biến tích cực. Người dân có thêm điều kiện tiếp tục đẩy mạnh trồng, chăm bón các cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sắn, chuối... gắn với các nhà máy chế biến; mở rộng diện tích lúa nước, chăn nuôi bò, dê; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm từng bước được nâng lên. Kết cấu hạ tầng được tăng cường.

Các công trình giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhà văn hóa truyền thống, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học... được đầu tư sửa chữa, xây mới phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ dân sinh, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả khả quan. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, giữ gìn và phát huy...

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong thời gian đến, huyện Hướng Hóa cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, như đối với một số dự án, tiểu dự án do người dân tự thực hiện, đề nghị các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn chi tiết thủ tục thanh toán theo hướng đơn giản hóa, phù hợp với điều kiện của người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn.

Về vướng mắc trong đối tượng thụ hưởng kinh phí chương trình đào tạo nghề, đề nghị UBND tỉnh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH bổ sung đơn vị “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên”, là đối tượng thụ hưởng của chương trình.

Đối với việc giao vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình MTQG năm 2024 và các năm sau, huyện Hướng Hóa đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính xem xét, giao tổng dự toán đối với từng dự án, không giao chi tiết theo ngành, lĩnh vực như hiện nay để dễ dàng thực hiện; đề nghị UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ngành liên quan sớm bố trí kinh phí lồng ghép, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo Đề án của tỉnh cũng như của Chương trình MTQG 1719 nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở trên địa bàn huyện được tốt hơn.

T.L - Đ.P

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản