Tin mới

Các Tôn giáo tỉnh Hậu Giang góp sức bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang phát động tổ chức Hội thi “Tôn giáo với môi trường xanh”. Qua hội thi đã khơi dậy sự đoàn kết, đồng lòng góp sức của các tôn giáo trong việc xây dựng cơ sở thờ tự thông thoáng, sạch đẹp, còn tín đồ tôn giáo biết xử lý rác thải, bảo vệ môi trường ở địa bàn dân cư.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

 Các hố bỏ rác do chùa An Long Phật Đường hỗ trợ xây dựng góp phần bảo vệ môi trường ở địa phương.

Xóm ấp thêm xanh, sạch

Tọa lạc trên vùng đất phèn vốn là trở ngại cho cây cối phát triển, nhưng khuôn viên Hội quán Hưng Ninh Tự, ở ấp Hòa Đức, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp luôn được bao bọc bởi những hàng dầu và các loại hoa, kiểng bởi ý thức cao trong bảo vệ môi trường của Hội quán. Ở đây cũng có đầy đủ hố xí, thùng phân loại rác để tiện cho việc bảo vệ môi trường…

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa An, Hội quán Hưng Ninh Tự đã hội đủ các tiêu chí của cơ sở thờ tự có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; trên địa bàn xã còn vài cơ sở thờ tự khác cũng rất chú trọng xây dựng môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Chùa An Long Phật Đường, ở ấp Bình Trung, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ cũng không kém. Khoảng sân rộng trong chùa luôn được quét dọn sạch sẽ, thông thoáng, tạo cảm giác thoải mái, thanh tịnh, trang nghiêm nơi cửa Phật; khuôn viên chùa cũng được trồng khá nhiều cây kiểng cắt tỉa gọn gàng.

Nhận thấy tầm quan trọng của môi trường đối với cuộc sống nên Trụ trì chùa An Long Phật Đường Nguyễn Trường Vĩnh thường xuyên phối hợp với chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tín đồ và người dân ở địa phương quan tâm dọn dẹp cảnh quan môi trường xung quanh nhà sạch, đẹp. Đặc biệt là vận động bà con không vứt rác bừa bãi xuống kênh, mương; quan tâm xây hố xí, hố rác hợp vệ sinh.

Đáng ghi nhận là chùa đã hỗ trợ kinh phí xây dựng hơn 10 hố bỏ rác với số tiền hơn 5 triệu đồng để người dân có nơi bỏ rác thải sinh hoạt. Bà Lý Diệu Thanh, ở ấp Bình Trung, xã Long Bình, chia sẻ: “Hễ đi lễ tại chùa là tôi được nghe trụ trì tuyên truyền về bảo vệ môi trường, rồi chính quyền địa phương cũng đến nhà vận động nên bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ, giữ gìn vệ sinh chung. Nhiều người dân đã làm theo định hướng ấy, góp phần cho xóm ấp thêm xanh, sạch”.

Với Hội đồng Giáo xứ họ đạo Phụng Tường, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp đã nâng chất mô hình bảo vệ môi trường ra nhiều ấp. Toàn họ đạo có hơn 100 lò đốt rác mini theo hộ gia đình được giáo dân tự trang bị với chi phí khoảng 120.000 đồng/lò đều mang lại hiệu quả cao trong giải quyết rác thải nông thôn. Chị Phạm Thị Thu Oanh, thuộc họ đạo Phụng Tường, nói: “Ở nhà thờ, trong mỗi tuần đi lễ, cha đều tuyên truyền cho chúng tôi về bảo vệ môi trường, rồi chính quyền địa phương cũng đến nhà phổ biến. Qua đó, tôi đã biết phân loại rác nào đốt được, rác nào giữ lại ủ làm phân”.

Quan trọng là tuyên truyền - vận động - hướng dẫn

Kể câu chuyện tôn giáo góp phần bảo vệ môi trường ở địa phương mình, ông Lê Thanh Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường VII, cho biết, trước đây, Chi nhánh Cấp thoát nước - Công trình đô thị thành phố Vị Thanh có bố trí thùng rác để người dân ở khu vực 5 bỏ rác thải sinh hoạt nhưng có trường hợp chưa chấp hành tốt.

Thấy vậy, Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc phường phối hợp với Ban lãnh đạo Quan Đế Miếu, khu vực 5, phường VII, xây dựng mô hình “Quan Đế Miếu tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng tuyến đường không rác thải”. Thực hiện mô hình này, phường phối hợp với Ban lãnh đạo Quan Đế Miếu đi đến từng nhà người dân để vận động bỏ rác đúng nơi quy định, nhất là không bỏ rác xuống kênh xáng Xà No.

Ông Đường Tỷ, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng mô hình, cho rằng: “Khi Đảng ủy, UBND và Mặt trận Tổ quốc phường nêu ý tưởng thành lập mô hình thì tôi đồng thuận rất cao. Tận dụng những lần người dân đến viếng Quan Đế Miếu, chúng tôi chủ động tuyên truyền, vận động bà con phải bỏ rác thải sinh hoạt đúng chỗ. Nhờ mô hình mà ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên thấy rõ”.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang đánh giá, từ hội thi “Tôn giáo với môi trường xanh” đã giúp cho các chức sắc, chức việc và hơn 90% tín đồ các tôn giáo thay đổi dần nhận thức và có đăng ký hành động cụ thể để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhờ vậy mà tại nhiều khu dân cư, người dân tích cực tham gia xử lý rác thải, bảo vệ môi trường xanh, nước sạch trong sinh hoạt hoặc trồng cây xanh tạo cảnh quan sạch đẹp.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, đúc kết: “Để hội thi được triển khai đạt kết quả cao, có sức lan tỏa mạnh mẽ thì việc tuyên truyền, phổ biến trong các tôn giáo, tín đồ tôn giáo được các cấp, các ngành chú trọng và có cách làm đặc biệt. Cách làm là tranh thủ các buổi sinh hoạt tôn giáo, cán bộ ở cơ sở ra sức tuyên truyền về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Từ đó, nâng dần nhận thức của bà con trong công tác này”.

Song song với tuyên truyền, Mặt trận các cấp còn vận động bà con góp sức thực hiện cũng như hướng dẫn mô hình, cách làm sao cho phù hợp ở từng khu dân cư.

Nhờ thực hiện tốt cả 3 yếu tố: tuyên truyền - vận động - hướng dẫn nên cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã thành công trong việc phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường.

Sự đóng góp của các tôn giáo, tín đồ tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua là rất đáng ghi nhận và cần được phát huy hơn nữa trong thời gian tới, nhất là khi tỉnh nhà đang tập trung thực hiện Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

T.S

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản