Tin mới

Các tôn giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chung tay bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Đồng hành các cấp chính quyền, Mặt trận và các sở, ban, ngành trong công tác bảo vệ môi trường, các tôn giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tích cực vận động tín đồ thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng thành phố môi trường xanh-sạch-đẹp.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Các phật tử chùa Tân Ninh (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) tham gia dọn dẹp bãi biển.
Ảnh: N.QUANG
Hành động thiết thực nâng cao nhận thức

Với hơn 2.000 tín hữu tại thành phố Đà Nẵng, nhiều năm qua, Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam có trụ sở Trung ương giáo hội tại Đà Nẵng đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho các tín hữu trong công tác bảo vệ môi trường. Theo mục sư Trần Quý Bửu, Tổng Thư ký Ban trị sự Tổng hội Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, đến nay, trong mỗi gia đình tín hữu đều có góc tái chế bao gồm các bao ni lông được giặt sạch tái sử dụng, các vỏ chai được chế thành những vật dụng cần thiết. Với những việc làm thiết thực, các gia đình nhận thấy được hiệu quả, tích cực hưởng ứng và dần thay đổi thói quen sử dụng nhựa một lần.

Trong khi đó, Cộng đồng tinh thần tôn giáo Baha’i Đà Nẵng nhiều năm qua luôn xây dựng nếp sống văn hóa, chung tay bảo vệ môi trường tại khu dân cư. Ông Võ Văn Nga, đại diện cộng đồng cho biết, cộng đồng luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động tín đồ tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể như: tặng giỏ nhựa đi chợ cho bà con sinh sống xung quanh trung tâm, huy động nhóm thanh niên phụng sự tham gia dọn bãi biển Xuân Thiều, hướng dẫn tín đồ phân loại rác thải tại nguồn và cách tận dụng chai nhựa để làm đồ trang trí trong gia đình. Năm 2015, Cộng đồng biên soạn tập tài liệu về

“Tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu” giúp nâng cao kiến thức của tín đồ về những hành vi gây hại đến môi trường và các hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường đến hơn 600 tín đồ tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố trong cả nước. “Cộng đồng sẽ tiếp tục vận động tín đồ chung tay cùng các cấp chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp; thực hiện hiệu quả chương trình ký kết phối hợp thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu do Mặt trận thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường phát động”, ông Nga nói.

Theo Đại đức Thích Hạnh Quang, Trụ trì chùa Tân Ninh (quận Hải Châu), nhà chùa thường xuyên vận động phật tử, du khách thập phương khi đến chùa chỉ thắp 1 nén nhang, hạn chế đốt vàng mã, không rải vàng mã khi đưa tang. Sau 5 năm tích cực vận động làm thay đổi nhận thức của đồng bào phật tử, đến nay trong khuôn viên chùa Tân Ninh đã không còn tình trạng đốt vàng mã. Thay vào đó, nhà chùa trọng việc trồng cây xanh trong khuôn viên để tạo mảng xanh. Đồng thời, sử dụng hướng dẫn phật tử tiết kiệm điện, bảo vệ nguồn nước và môi trường nơi sinh sống.

Theo Giáo hữu Thượng Đại Thanh, Ban Cai quản Họ đạo Cao đài Hòa Phong (Hội Thánh Cao đài Tòa Thánh Tây Ninh), ban cai quản họ đạo thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh thực hiện tốt việc bảo đảm vệ sinh môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, người lớn làm gương cho trẻ nhỏ, dạy dỗ ý thức từng thế hệ của các đồng đạo trong gia đình tích cực với công tác bảo vệ môi trường.

Lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng Đặng Quang Vinh, chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và 7 tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố được các tổ chức tôn giáo ủng hộ, tham gia có hiệu quả. Sau thời gian triển khai thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực: các tôn giáo tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình tham gia bảo vệ môi trường trên địa bàn phù  hợp với đặc điểm của từng tôn giáo và địa bàn khu dân cư nơi có đông đồng bào có đạo; có sự phối hợp giữa nhiều lực lượng, cách thức triển khai sáng tạo, phù hợp với giáo lý, giáo luật của tôn giáo và yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Qua đó, khẳng định vai trò “tốt đời, đẹp đạo”, tăng cường vận động đoàn kết các tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà NẵngTrần Thị Mẫn cho biết, nhiều năm qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố đã luôn đồng hành với thành phố trong công tác chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình bảo vệ môi trường được các tôn giáo xây dựng và nhân rộng như: cơ sở tôn giáo nói không với rác thải nhựa, túi nhựa và túi nilon; cơ sở tôn giáo không cúng rải đốt vàng mã, cơ sở tôn giáo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Các cấp Mặt trận thành phố thường xuyên giữ mối quan hệ và tích cực tuyên truyền vận động đến chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ về các hoạt động như: xóa bỏ những tập quán, thói quen sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, làm tăng nguy cơ biến đổi khí hậu; tích cực xây dựng cơ sở tôn giáo xanh, sạch, đẹp, văn minh; nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân ở cộng đồng. Đồng thời triển khai ký kết với các tổ chức tôn giáo về thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Từ đó, góp phần thay đổi thói quen, hành vi của tín đồ theo hướng tích cực về bảo vệ môi trường trong cộng đồng tôn giáo cũng như trong xã hội, chung tay cùng nhân dân thành phố thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và tiến tới thực hiện mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” đến năm 2025.

XUÂN HẬU - NGUYỄN QUANG

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản