Tin mới

Các tôn giáo trên địa bàn Thu đô Hà Nội chung tay đẩy lùi đại dịch

(Mặt trận) -Phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc với phương châm sống “tốt đời đẹp đạo”, kể từ khi bùng phát đợt dịch thứ tư đến nay, các tôn giáo trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có nhiều hoạt động chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19. Không chỉ ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19, các Phật tử, bà con giáo dân… còn tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho lực lượng tuyến đầu cũng như người có hoàn cảnh khó khăn.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Các thành viên Ủy ban Bác ái xã hội thuộc Giáo xứ Hà Đông (Hà Nội) hỗ trợ nhu yếu phẩm cho lao động khó khăn trên địa bàn

Lan tỏa yêu thương

Kể từ khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội ngày 24/7, anh Phạm Văn Khanh (quê Thái Bình, trú tại phường Phú Lương, quận Hà Đông) cũng như 14 thợ xây khác trong nhóm phải nghỉ việc. Không đi làm cũng có nghĩa là không có tiền công, mọi sinh hoạt hằng ngày đều trông chờ vào sự quan tâm của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm. “Chúng tôi rất cảm động khi được các thành viên Ủy ban bác ái xã hội (Caritas) thuộc giáo xứ Hà Đông đến thăm, tặng gạo, dầu ăn, trứng, lạc… giúp chúng tôi vượt qua khó khăn”, anh Phạm Văn Khanh chia sẻ.

Kể từ khi thành phố bùng phát dịch lần thứ tư, Caritas Hà Nội (thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội) đã triển khai chương trình “Hạt gạo tình thương” hỗ trợ các lao động tự do, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong các khu nhà trọ, những người già neo đơn… Linh mục Nguyễn Văn Quang, Trưởng ban Caritas Hà Nội cho biết, đến nay chương trình đã chuyển 40 tấn gạo cùng các nhu yếu phẩm như rau, bột ngọt, dầu ăn… hỗ trợ các gia đình khó khăn tại Thủ đô, không phân biệt tôn giáo.

“Trong đó, chúng tôi đã phối hợp với UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hoàn Kiếm tặng 5 tấn gạo hỗ trợ người dân hai phường Phúc Tân, Chương Dương bị phong tỏa. Với việc làm nhỏ bé này, chúng tôi mong những lao động nghèo sẽ vượt qua khó khăn do đại dịch, qua đó góp phần lan tỏa tinh thần bác ái trong cộng đồng”, linh mục Nguyễn Văn Quang cho biết thêm.

Tương tự, khi dịch bùng phát, chùa Đình Quán (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) phối hợp cùng chính quyền trao tặng hàng trăm suất quà hỗ trợ sinh viên bị mắc kẹt không thể về quê và lao động mất việc làm. Nhà chùa còn gói hàng trăm bánh chưng tặng các chốt trực kiểm soát dịch, tổ chức “Chợ 0 đồng” tặng rau xanh cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ni sư Thích Tịnh Quán, trụ trì chùa Đình Quán chia sẻ, những phần quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng trong đó hàng nghìn con tim thương yêu từ những người con Phật cùng hướng về bà con gặp khó khăn.

Từ khi thành phố thực hiện giãn cách, chị Lê Thị Minh (quê Thanh Hóa), sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng FPT phải ở lại phòng trọ gần chùa Đình Quán cùng các bạn. Bày tỏ cảm kích khi nhận được phần quà hỗ trợ của nhà chùa, chị Minh cho biết: “Thời gian qua, tôi phải mượn tiền của bạn để chi trả sinh hoạt phí hằng ngày. Chúng tôi biết ơn nhà chùa đã tặng gạo, dầu ăn, rau xanh trong lúc khó khăn này”.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, trong đợt dịch thứ tư này, các tăng, ni, Phật tử hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng giúp đỡ nhân dân vùng tâm dịch, chia sẻ vật chất, ủng hộ tiền và thực phẩm cho nhân dân. Điều đó thể hiện lòng từ bi của đạo Phật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Hỗ trợ công tác phòng, chống dịch

Với nhiều cách làm hay, thiết thực, các tôn giáo đã và sẽ tham gia, có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố. Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Trưởng ban Hoằng pháp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, 100% cơ sở Phật giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; luôn đồng hành cùng chính quyền trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền ủng hộ đợt 4 là gần 2 tỷ đồng và thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố để đẩy lùi dịch bệnh.

Theo Trưởng ban Tôn giáo thành phố Phạm Tiến Dũng, gần đây, cộng đồng các tôn giáo như: Công giáo, Tin lành… cũng ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố hàng trăm triệu đồng cùng các thiết bị y tế hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. “Chúng tôi mong rằng, cộng đồng các tôn giáo tiếp tục đồng hành cùng chính quyền các cấp của thành phố trong cuộc chiến chống đại dịch còn kéo dài này”, ông Phạm Tiến Dũng bày tỏ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng tôn giáo Thủ đô đã có nhiều đóng góp thiết thực vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 cũng như ủng hộ tuyến đầu chống dịch. “Các con số tổng hợp bước đầu khó có thể đánh giá được hết những đóng góp tích cực, tiêu biểu của các tôn giáo trong cuộc chiến chống đại dịch. Điều này một lần nữa khẳng định truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của các tôn giáo Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Kim Dung nhấn mạnh./.

Đ.H - N.T

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản