(Mặt trận) - Thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện đến cấp xã, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện sắp xếp lại 6 huyện, 76 xã và gần 1.900 thôn, bản, tổ phố. Trước sự xáo trộn lớn của bộ máy hành chính cơ sở, Cao Bằng cũng đã có những sự chuẩn bị tích cực nhằm đảm bảo công tác bầu cử ở các xã mới sáp nhập diễn ra an toàn, thuận lợi nhất.
|
Cán bộ xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng kiểm tra niêm yết danh sách cử tri tại các khu vực bỏ phiếu. |
Xã Ngọc Đào được hình thành từ việc sáp nhập 2 xã Phù Ngọc và Đào Ngạn của huyện Hà Quảng. Sau khi sáp nhập, diện tích, dân số của xã đã tăng lên gấp đôi với hàng chục xóm, bản được sắp xếp lại. Địa bàn mở rộng, một số nhóm hộ hiện cách trung tâm thôn tới 3-4km, có những khu vực đường núi, giao thông khó khăn nên bên cạnh làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự, đảm bảo cơ cấu theo yêu cầu, địa phương đặc biệt chú ý đến công tác tuyên truyền và tổ chức bầu cử.
Bà Đàm Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Ngọc Đào cho biết, với đặc thù địa phương có tỷ lệ khá lớn đồng bào dân tộc thiểu số nên tuyên truyền viên phải sử dụng nhiều ngôn ngữ Mông, Thái, Dao..., đồng thời việc bố trí các điểm bỏ phiếu cũng dựa trên tình hình thực tế tại địa bàn.
"Xã đã bố trí 7 đơn vị bầu cử, 9 khu vực bỏ phiếu. Các điểm bỏ phiếu được lựa chọn ở khu vực nhà văn hóa trung tâm các xóm để đảm bảo người dân có thể bỏ phiếu được thuận lợi nhất. Từ khi thực hiện công tác bầu cử đến nay chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân, cho đến thời điểm này chưa có bất cứ đơn thư, khiếu nại tố cáo nào liên quan công tác bầu cử ở địa phương" - bà Đàm Thị Huệ cho biết.
Còn tại xã Vân Trình, huyện Thạch An, sau sáp nhập địa giới hành chính với xã Thị Ngân cũng có tới 9 xóm, dân số hơn 2.700 người. Đến thời điểm này, việc niêm yết danh sách cử tri, đại biểu đã được địa phương chủ động thực hiện sớm giúp cử tri có thời gian để tìm hiểu về các ứng cử viên cũng như tránh được các sai sót có thể xảy ra trong công tác tổ chức. Xã cũng đã lên các phương án dự phòng các tình huống như dịch bệnh hoặc thời tiết xấu, ảnh hưởng đến việc di chuyển, đi lại của người dân.
Bà Nông Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Vân Trình, huyện Thạch An cho biết: "Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, thường xuyên phải xuống địa bàn năm tâm tư nguyện vọng của cử tri. Xã phân công cán bộ phụ trách các xóm, chi bộ cụ thể để kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chúng tôi cũng lấy các chi bộ, đảng viên, trưởng xóm, trưởng Ban công tác mặt trận và người có uy tín để làm nòng cốt vận động bà con hưởng ứng cho cuộc bầu cử".
Cao Bằng đã thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính của 6 huyện, 76 xã, gần 1.900 thôn, xóm, tổ phố. Sau sắp xếp, địa phương này giảm được 3 huyện, 38 xã, hơn 1.000 tổ, xóm. Mặc dù bộ máy được rút gọn, số lượng đơn vị hành chính giảm nhưng quy mô diện tích, dân số các địa phương lại tăng; một số xã cũng đa dạng hơn về thành phần dân tộc thiểu số nên công tác tuyên truyền cũng cần có sự linh hoạt, sâu sát hơn.
Ông Bế Thanh Tịnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết: dự báo trước một số khó khăn nhất định tại các xóm, xã mới sáp nhập nên tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác chuẩn bị từ nhân sự, tổ chức các điểm bỏ phiếu sao cho hợp lý và chú trọng đặc biệt đến công tác tuyên truyền bằng tiếng mẹ đẻ của đồng bào:
"Sau khi sáp nhập xong bộ máy đã hoàn toàn ổn định, việc tổ chức họp xóm, đặc biệt là qua các vòng hiệp thương lần 1, lần 2 và lần 3 đều nhận được sự ủng hộ, bỏ phiếu đồng thuận cao. Với quyết tâm cao, với truyền thống quê hương cách mạng, cùng một đội ngũ đảng viên tới 12% dân số, chúng tôi tin chắc rằng việc sáp nhập xóm, xã sẽ không ảnh hưởng đến công tác bầu cử lần này" - ông Bế Thanh Tịnh nói.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Cao Bằng có hơn 1.000 khu vực bỏ phiếu với tổng số dự kiến hơn 373.000 cử tri. Đến thời điểm này tất cả 161/161 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều triển khai công tác chuẩn bị bầu cử theo đúng kế hoạch đề ra./.
Theo VOV