Tin mới

Cầu Ngang: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer

(Mặt trận) -Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer, những năm qua huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đầu tư sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn.

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

 Diện mạo vùng đồng bào Khmer huyện Cầu Ngang.

05 năm qua, đã đầu tư xây dựng 99 công trình kết cấu hạ tầng nông thôn với tổng kinh phí hơn 43,8 tỷ đồng. Thực hiện dự án phát triển sản xuất đa dạng sinh kế, huyện hỗ trợ trên 10,7 tỷ đồng cho 717 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện dự án nuôi bò; hỗ trợ 727 hộ Khmer vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm với số tiền trên 5,8 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào Khmer nghèo.

Bên cạnh đó, đã mở 75 lớp dạy nghề cho 1.359 lao động, tạo điều kiện giải quyết việc làm mới cho 19.350 lượt lao động làm việc trong và ngoài tỉnh. Nổi bật trong 05 năm qua là công tác xuất khẩu lao động gắn với xóa nghèo, nhất là trong vùng đồng bào Khmer; đã có 203 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Từ đó hộ nghèo giảm bình quân 2,95%/năm, vùng đồng bào Khmer giảm 4,9%/năm...

Hòa thượng Thạch Son, Chủ tịch danh dự Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Ngang, Sư cả chùa Mới, xã Hiệp Hòa, cho rằng: thông qua nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào Khmer giảm đáng kể; trình độ học vấn trong vùng đồng bào Khmer có nhiều bước phát triển; công tác bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc được Đảng, Nhà nước chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt...

Ông Thạch Sa Rây, cán bộ hưu trí, người uy tín trong vùng dân tộc Khmer huyện Cầu Ngang, nhận định: sau các chủ trương của Đảng, chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy, Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và mới đây Quyết định số 369/QĐ-UBND của UBND tỉnh Trà Vinh về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (từ năm 2021 - 2025) trên địa bàn tỉnh đã tạo nên nguồn lực mới, động lực mới trong mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer trong giai đoạn mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho biết: để đưa Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và mới đây Quyết định số 369/QĐ-UBND, ngày 14/02/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh, huyện Cầu Ngang đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 đầu tư hơn 92,86 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương, tỉnh 62,28 tỷ đồng; vốn vay tín dụng chính sách hơn 30,48 tỷ đồng thực hiện nhựa hóa, bê-tông hóa hoặc cứng hóa đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của Nhân dân.

Giải quyết nhu cầu cấp thiết của hộ dân tộc thiểu số (DTTS); trong đó: hỗ trợ đất ở cho 42 hộ; nhà ở cho 360 hộ; chuyển đổi nghề cho 164 hộ; nước sinh hoạt phân tán cho121 hộ. Hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất da dạng hóa sinh kế phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật. Hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin góp phần giảm nghèo thông tin; hỗ trợ, tạo điều kiện cho 66 người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở; bồi dưỡng kiến thức về chính sách dân tộc, công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức.

Huyện phấn đấu đến 2025 mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng lên trên 80 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm từ 03 - 04%/năm; 100% ấp có đường ô-tô đến trung tâm; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỷ lệ hộ dân tộc Khmer được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99%; sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt trên 99,7%; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã và ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS. Phấn đấu hỗ trợ đạt 100% đối tượng hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, ấp đặc biệt khó khăn,chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, nhà ở.

Tỷ lệ học sinh Khmer đi học trong độ tuổi: tiểu học đạt 100%, trung học cơ sở 99%, trung học phổ thông đạt trên 80%. Tỷ lệ dân số người Khmer tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 95% trở lên. Trên 70% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS; phấn đấu đạt trên 80% người lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sau khi học nghề.

Song song với phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính sách an sinh xã hội, huyện chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 100% ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng; 80% ấp có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các DTTS tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Xây dựng và phát huy tốt vai của người có uy tín, lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động; triển khai thực hiện tốt các phong trào hành động cách mạng, các hoạt động từ thiện xã hội; hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, giảm nghèo; thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" đạt được những kết quả quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, thúc đẩy các phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân, xây dựng tốt khối đại đoàn kết toàn dân trong giai đoạn mới.

ĐÌNH CẢNH

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản