(Mặt trận) -Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Trà Vinh luôn phát huy cao vai trò, là cầu nối quan trọng giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Biểu dương, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. |
Trà Vinh có dân số trên 01 triệu người, với 03 dân tộc chính là: Kinh, Khmer, Hoa, trong đó, dân tộc Khmer chiếm trên 31% dân số. Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn phát huy cao vai trò, là cầu nối quan trọng giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số; có đóng góp lớn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Thông qua tín nhiệm, bầu chọn của người dân, tỉnh hiện có 429 người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là những người có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng và có sức lan tỏa trong cộng đồng như các đồng chí cách mạng lão thành, cán bộ hưu trí, các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ban nhân dân ấp, khóm và những người sản xuất, kinh doanh giỏi.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người có uy tín còn đóng góp vào công tác an sinh xã hội, góp phần giữ gìn an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... Họ luôn phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở địa phương làm tốt vai trò nòng cốt trong các phong trào như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Trong xây dựng nông thôn mới, người có uy tín luôn tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thi đua lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập, giảm nghèo; gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, hiến đất làm đường giao thông...
Thời gian qua qua, người có uy tín trong tỉnh tham gia hòa giải thành công 259 vụ việc, xây 8 cầu nông thôn, hiến trên 20.000m2 đất làm đường, xây trường và vận động được 1.500 phần quà hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, vận động, xây cất 15 nhà tình thương, 2 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học gần 1,3 tỷ đồng, vận động nhà hảo tâm tài trợ mổ mắt miễn phí cho người nghèo…
Người có uy tín còn cùng chính quyền địa phương thành lập 4 tổ hợp tác đan đát với 54 hộ tham gia; thực hiện 5 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, 4 mô hình trồng rau an toàn, 2 mô hình trồng ớt chỉ thiên. Với tinh thần tương tương ái, lá lành đùm lá rách, người có uy tín còn vận động những hộ có điều kiện cho hộ nghèo mượn 157.450m2 đất để sản xuất.
Đến nay, tỉnh Trà Vinh đã hoàn thành 5/8 tiêu chí tỉnh nông thôn mới; 8/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025.
Tại hội nghị biểu dương 429 người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2021-2022, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình đã biểu dương, khen ngợi người có uy tín tiêu biểu trong việc tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước.
Đánh giá cao vai trò cầu nối của người có uy tín giữa cấp ủy, chính quyền cơ sở với đồng bào dân tộc thiểu số, ông Lê Thanh Bình mong mỏi, thời gian tới, người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò trên các lĩnh vực đời sống xã hội, hướng dẫn, động viên nhân dân thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”
Hằng Linh