Tin mới

“Cầu nối” quan trọng gắn kết nhân dân

(Mặt trận) -Dưới sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, những năm qua, đội ngũ người có uy tín (NCUT) trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phát huy tinh thần trách nhiệm, bằng uy tín của mình làm “cầu nối” quan trọng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Họ như những “cây cao” giữa đại ngàn, tỏa bóng trên miền biên giới, trở thành điểm tựa để nhân dân các dân tộc đoàn kết, vượt khó vươn lên, xây dựng vùng đất biên cương ngày càng giàu đẹp.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Dưới sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền và người có uy tín, người dân thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) tích cực phát triển kinh tế.

Tỉnh Hà Giang là tỉnh miền núi với 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 87,3% dân số toàn tỉnh, nhiều năm qua, tỉnh Hà Giang đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ NCUT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.983 NCUT được cộng đồng bầu chọn gồm các già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn, các chức sắc tôn giáo, nghệ nhân dân gian, nhân sĩ, trí thức là cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, người sản xuất, kinh doanh giỏi…

Để phát huy hiệu quả vai trò NCUT trên các lĩnh vực, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền cho NCUT; cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN của địa phương. Tổ chức gặp mặt, biểu dương, khen thưởng kịp thời NCUT tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc...

 Người có uy tín xã Sủng Là, huyện Đồng Văn (ngoài cùng bên phải) cùng con cháu gìn giữ nghề thêu, dệt trang phục truyền thống của dân tộc Lô Lô. Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Đội ngũ NCUT đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo QP-AN; là hạt nhân nòng cốt đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các thôn, bản, tổ dân phố và từng hộ gia đình. Thường xuyên giáo dục con cháu trong gia đình và cộng đồng không vi phạm pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội; cảnh giác với mọi âm mưu của các thế lực thù địch; tích cực học tập nâng cao trình độ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Nhiều NCUT có kinh nghiệm hay nguyên là lãnh đạo, công chức các cấp về hưu đã tư vấn cho cấp ủy, chính quyền cơ sở về kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Với tinh thần cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, đội ngũ NCUT thực sự là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, động viên con cháu, cộng đồng tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều NCUT đã trở thành tấm gương sáng về phát triển kinh tế ở cơ sở, điển hình như ông Hà Văn Nhớ, thôn Lùng Cu, xã Quang Minh (Bắc Quang) chuyển đổi vườn tạp trồng chuyên canh cây ăn quả có múi (bưởi, cam, quýt) và chăn nuôi tổng hợp, thu nhập bình quân đạt 350 triệu đồng/năm. Hay gia đình ông Nguyễn Quang Thuộc, dân tộc Tày, thôn Thượng An, xã Đồng Yên (Bắc Quang) phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi tổng hợp, thu nhập trên 400 triệu đồng/năm... Trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, những NCUT ở các thôn, bản đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, góp công, góp của cùng chính quyền các cấp thức hiện các tiêu chí, đem đến diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn của địa phương.

Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đội ngũ NCUT đã tích cực vận động đồng bào chấp hành các quy ước, hương ước của thôn, bản; ăn, ở hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà; vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Nhiều NCUT là nghệ nhân dân gian đã phát huy vai trò trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền dạy cho con cháu những làn điệu dân ca, dân vũ, các nghề truyền thống như dệt lanh, rèn, chạm bạc, đan lát, thêu thổ cẩm… và các tín ngưỡng, lễ hội độc đáo; góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên giới quốc gia, những NCUT đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng vận động, giáo dục con cháu, cộng đồng tham gia lực lượng dân quân tự vệ, động viên con em lên đường nhập ngũ; vận động đồng bào khu vực biên giới đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc giới. Nhiều NCUT đã tham gia vào các mô hình tự quản trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bằng sự ảnh hưởng và uy tín của mình đã góp phần cùng các thành viên trong mô hình tự quản về an ninh trật tự giải quyết nhiều vụ việc ngay từ cơ sở; không để các phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền, kích động, gây rối an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Với sự am hiểu phong tục, tập quán, nắm được tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng dân cư, cùng kinh nghiệm và uy tín của mình, gần 2.000 NCUT trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã thực sự trở thành cánh tay nối dài giúp cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền.

 NGUYỄN PHƯƠNG

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản