Tin mới

Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Là huyện biên giới của tỉnh Sơn La, huyện Sốp Cộp có trên 96% dân số là đồng bào dân tộc. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các chính sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã và đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Thanh Sơn tập trung thực hiện chính sách người dân tộc

Hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại xã biên giới Bạch Đích

Đời sống đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng ngày càng khởi sắc

 Tuyến đường liên bản Púng Báng - Sam Kha, huyện Sốp Cộp, hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã chỉ đạo thực hiện đầy đủ các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động phân bổ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, như phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội; đa dạng hóa sinh kế, xây dựng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhân dân nâng cao ý thức tự lực, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nỗ lực phấn đấu vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và nguồn lực địa phương để đầu tư cho các địa bàn khó khăn. Trong đó, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông. Bằng nguồn vốn lồng ghép của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khác, từ năm 2022 đến nay, huyện đã xây dựng 15 tuyến đường bê tông, dài gần 42 km, tổng chi phí đầu tư trên 120 tỷ đồng. Hiện nay, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 12 tuyến đường; phấn đấu đến hết năm 2025, huy động các nguồn lực để bê tông trên 40 tuyến đường nội bản, liên bản, liên xã, với chiều dài hơn 20 km.

 Giai đoạn 2021-2023, huyện được giao hơn 120 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, huyện đã hỗ trợ 271 téc, bồn chứa nước cho các hộ nghèo khó khăn về nước sinh hoạt trên địa bàn 8 xã; đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung; bố trí sắp xếp dân cư tại 2 xã Mường Lạn và Mường Lèo. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường PTDT bán trú TH và THCS Nậm Lạnh hơn 5,3 tỷ đồng. Mở lớp xóa mù chữ cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ cho các đội văn nghệ, hỗ trợ trang thiết bị cho nhà văn hóa.

Thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng, đến nay, nguồn vốn tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện có tổng dư nợ gần 354 tỷ đồng, gần 8.600 hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn vay vốn để giải quyết việc làm, sản xuất, kinh doanh. Chị Vì Thị Mai, bản Liềng, xã Mường Lèo, cho biết: Năm 2020, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 4 con bò. Sau 3 năm chăm sóc, từ số tiền bán bò, gia đình đã trả được tiền vay và đầu tư đào ao nuôi cá. Được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 hỗ trợ 30 kg cá giống và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Kinh tế gia đình từng bước ổn định, các con có điều kiện học tập tốt hơn.

Bên cạnh đó, huyện luôn quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ năm 2022 đến nay, đã tổ chức 16 hội nghị tập huấn truyền thông Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” cho trên 3.500 lượt người; tổ chức 16 lớp phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 505 học sinh tại các trường học thuộc các xã vùng biên.

Ông Thào A Cờ, Chủ tịch UBND xã Sam Kha, cho biết: Xã có 9 bản, với 612 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Mông. Hiện nay, đường từ trung tâm huyện về xã đã được rải nhựa; tuyến đường liên xã Sam Kha - Mường Lèo hoàn thành, tạo điều kiện cho việc trao đổi hàng hóa, vận chuyển nông sản. Trụ sở làm việc, nhà văn hóa của xã được đầu tư xây dựng khang trang; 100% bản có đường ô tô và có điện lưới quốc gia; 7 bản có nhà văn hóa kiên cố. Chương trình mục tiêu quốc gia đã làm cho đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, bản vùng cao được đổi mới rất nhiều.

Triển khai các chương trình, dự án đã góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện Sốp Cộp, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Mạnh Hùng

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản