|
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Thạch Phong thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản để thoát nghèo bền vững. |
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo
5 năm qua (giai đoạn 2016-2020), từ nguồn vốn Chương trình 135, Trà Vinh đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn xây dựng 308 công trình, duy tu, bảo dưỡng 122 công trình; thực hiện 261 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình cho 2.722 hộ; tổ chức mở 186 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thu hút 11.633 lượt người với kinh phí 250,7 tỷ đồng. Ngoài ra, Trà Vinh thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động quỹ an sinh xã hội, tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ đầu tư cho công tác giảm nghèo.
Bên cạnh đó, các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định số 102/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán theo Quyết định số 755/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ xây dựng nhà hỏa táng cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã triển khai thực hiện tốt... với tổng kinh phí 250,7 tỷ đồng.
Ông Hà Thanh Sơn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg (giai đoạn 2018 - 2019), tỉnh Trà Vinh được Trung ương phân bổ 46 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề, tạo việc làm. Đến nay, tỉnh đã giải ngân cho 1.430 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền 46,1 tỷ đồng và năm 2020, được phân bổ thêm 7 tỷ đồng, hiện đang triển khai thực hiện.
“Đi đôi với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, các cấp, các ngành còn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động đồng bào chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số...” - Ông Sơn nói.
Ông Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết: Thời gian qua, Trà Vinh tập trung nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tỉnh cũng hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp hộ nghèo tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống.
“Bên cạnh đó, sự nỗ lực phấn đấu, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trong tỉnh và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân nên tốc độ giảm nghèo được đẩy nhanh, hộ nghèo giảm từ 13,23% năm 2016 xuống còn 1,57% vào cuối năm 2020 (bình quân hằng năm giảm 2,33%); hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 23,12% giảm xuống còn 3,92% (với 3.495 hộ), hộ cận nghèo dân tộc thiểu số còn 4,78% (với 13.690 hộ)” - Ông Ngọc cho biết.
Phum, sóc khởi sắc
Những ngày này, về Trà Cú, huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm 62,4%) và nghèo nhất tỉnh Trà Vinh có thể cảm nhận rõ ràng sự khởi sắc trong các phum, sóc. Các tuyến đường từ huyện về xã, từ xã tới ấp đều được bê tông hóa, dọc hai bên đường là những ngôi nhà mới khang trang nằm san sát. Ở đâu cũng bắt gặp niềm vui hiện hữu trên từng khuôn mặt rám nắng của bà con người Khmer.
Trong năm 2020, từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện Trà Cú đã triển khai xây dựng mới 11 công trình hạ tầng giao thông; duy tu, bảo dưỡng 12 công trình giao thông, nhà văn hóa; hỗ trợ 8 dự án phát triển sản xuất (có 175 hộ hưởng lợi) và nhân rộng 8 mô hình phát triển kinh tế (có 60 hộ hưởng lợi) về sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi… với tổng kinh phí 15,2 tỷ đồng.
Chúng tôi đến ấp Cây Da, xã Đại An, huyện Trà Cú - ấp có 75,6% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống để xem sự chuyển mình vượt qua nghèo khó nhờ mô hình trồng ớt của bà con Khmer ở đây. Những con đường liên ấp, đường trục nội đồng được cứng hóa và những hàng cột thẳng tắp để đưa điện vươn ra các cánh đồng phục vụ trồng màu.
Bà Hà Thị Nhờ bồi hồi kể: “Ngày xưa người dân ở đây cực khổ lắm! Ấp này, đường sá đi lại vất vả, chuyên chở hàng hóa khó khăn, nay bà con rất phấn khởi, Nhà nước đầu tư làm đường giao thông, trường mẫu giáo, tiểu học rất gần nhà, thuận lợi cho bà con đi lại, sinh hoạt, giao thương”... Nói về làm kinh tế gia đình, bà Nhờ cho biết: “Mấy năm trước, gia đình tôi trồng lúa với ớt, nhưng bây giờ đã bỏ vụ lúa rồi, chỉ dành toàn bộ đất để trồng ớt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm nay, được mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi”.
Nói về sức bật của huyện nhà, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho rằng: Kết nối được hệ thống giao thông là quan trọng nhất. Khi thực hiện các chính sách của Trung ương, Trà Cú ưu tiên đầu tư vào các tuyến đường liên ấp, liên xã. Đến nay, các tuyến đường liên xã đã nối kết được toàn huyện.
“Qua 5 năm thực hiện các chính sách giảm nghèo đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào Khmer nghèo, tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với công tác giảm nghèo. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, đã giảm được 6.266 hộ nghèo (giảm 3,12%/năm); trong đó có 4.213 hộ nghèo Khmer (giảm 7%). Đến nay, hộ nghèo giảm còn 2,7% (với 1.058 hộ), trong đó, hộ nghèo Khmer chiếm 3,31%; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,5 triệu đồng/người/năm (tăng 2,1 lần so năm 2015)” - Ông Bình nói.
Một trong những tấm gương về điển hình thoát nghèo nhờ chính sách giảm nghèo là gia đình anh Thạch Phong ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Anh Phong kể, trước đây, gia đình anh được vay 10 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 167 của Chính phủ. Sau khi có nhà ở, anh vay vốn ưu đãi để lập nghiệp với số tiền 30 triệu đồng. Với số tiền trên, anh Phong đầu tư nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo nên chỉ sau vài năm, gia đình anh đã thoát nghèo. Khi đã có vốn, anh Phong đầu tư mua được máy gặt đập liên hợp, mỗi vụ gặt thuê khoảng 600 công đất, thu lãi 50 triệu đồng.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer Trà Vinh đã và đang thay đổi từng ngày, đó là thành quả từ các chương trình, chính sách dân tộc và sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương cùng sự cần cù lao động quyết tâm xóa đói, giảm nghèo của bà con Khmer.
Phương Nghi