(Mặt trận) -Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo tại TP HCM đã tích cực tham gia bảo vệ môi trường (BVMT). Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, hoạt động hiệu quả, góp phần tạo cho môi trường sống thêm sạch đẹp, an toàn. Bên cạnh đó, người dân trong khu vực cũng trở nên gắn bó, trách nhiệm hơn với nơi mình sống.
|
Hoạt động tham gia bảo vệ môi trường của các tôn giáo. |
Hòa thượng Thích Lệ Trang - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM chia sẻ, với kết quả bước đầu của công tác vận động chức sắc, đồng bào phật tử tham gia BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu ghi nhận đã tạo sự chuyển biến tích cực trong giới tăng, ni, phật tử, nhất là trụ trì, người đứng đầu các tự viện. Nhờ vậy, tại Thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình cũng như cách làm hay.
Điển hình như chùa Liên Hoa (quận 11) được biết đến là ngôi chùa 20 năm “nói không” với việc đốt vàng mã và vận động không thắp hương trong cơ sở tự viện, dành những khoản tiền này để giúp đỡ các hộ dân nghèo, học sinh nghèo, với số tiền tiết kiệm chăm lo đến nay là gần 18 tỷ đồng.
Đích thân Hòa thượng Thích Duy Trấn (trụ trì chùa) cùng tăng chúng đi vận động đồng bào các khu phố xung quanh tự viên thực hiện BVMT thông qua “30 phút cộng đồng” dọn vệ sinh, quét rác trên các tuyến đường của khu phố trong khu vực lân cận chùa vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần. Hiện nay, lực lượng tham gia đã lên đến 60 người, được trang bị đầy đủ dụng cụ quét thu dọn rác, khu vực quét dọn đã được mở rộng thêm bán kính.
Hay như tại Chùa Quan Âm Tu viện (quận Phú Nhuận) kiên quyết “nói không với túi nilon”, đã mạnh dạn đưa chương trình giáo dục ý thức BVMT vào giảng dạy các em thanh, thiếu niên tại khóa tu “Gieo hạt từ tâm”; tặng 600 thùng đựng rác cho các hộ gia đình tại phường 2, quận Phú Nhuận, hưởng ứng việc kêu gọi mọi người cùng phân loại rác tại nguồn nhằm chung tay góp phần BVMT vì sức khỏe của mỗi chúng ta và vì một thành phố văn minh, sạch đẹp.
Chùa cũng tham gia công tác trồng cây xanh, thả cá phóng sinh và thả 7 đóa sen khổng lồ trên kênh Nhiêu Lộc với chủ đề “Sen xanh vì một thế giới sạch và xanh” cũng kêu gọi chư ni và phật tử sử dụng túi tự hủy, không sử dụng túi nilon để góp phần BVMT. Với những việc làm nêu trên, chùa Quan Âm Tu viện đã nhận được giải thưởng do UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên & Môi trường trao tặng năm 2017.
Trong khi đó, nhiều vị chức sắc, tu sĩ Phật giáo đã vận động đồng bào phật tử hưởng ứng tham gia các mô hình tự quản tại khu dân cư. Qua đó, hình thành các “Khu phố thân thiện môi trường - Khu phố không rác”, “Tuyến đường, tuyến phố, tuyến hẻm văn minh”, “điểm sáng văn hóa”…
Hầu hết, các cơ sở Phật giáo đều quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường, hưởng ứng các hoạt động trồng thêm nhiều cây xanh trong khuôn viên cơ sở và xung quanh các tự viện. Tham gia các hoạt động “Mỗi tuần 15 phút vì thành phố văn minh, sạch đẹp” do hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp phát động.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM cũng đã chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo 24 quận, huyện nghiêm túc thực hiện cam kết về BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu đã ký kết với MTTQ Việt Nam và ngành Tài nguyên và Môi trường.
Tích cực phối hợp tổ chức khảo sát, xây dựng các mô hình về BVMT trong cộng đồng Phật giáo và khu dân cư, trong đó các cơ sở thờ tự làm nòng cốt và vận động đồng bào phật tử tham gia nhằm bảo vệ, giữ gìn môi trường tại nơi công cộng và tại các cơ sở tự viện trên địa bàn Thành phố. Tích cực đề xuất, kiến nghị và phối hợp để giám sát các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cán bộ, công chức thực hiện quy định pháp luật về BVMT.
Theo ông Nguyễn Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM, không ít người vẫn còn lưu giữ ký ức về dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hôi thối, nước đen kịt, với bao rác thải trôi nổi ngày nào. Nhưng nay dòng kênh xưa đã hồi sinh, từng bước nhường chỗ này xanh tươi ngập tràn sức sống. Dọc theo hai con đường Trường Sa và Hoàng Sa, uốn lượn giữa hàng cây xanh, hầu hết các nhà thờ bên bờ kênh đều có sự thay đổi diện mạo. Trong số đó không thể không nhắc đến Giáo xứ Tân Chí Linh (quận Bình Tân).
Từ khi đổi hướng theo mặt tiền kênh, khuôn viên nhà thờ trở thành nơi đón các cụ cao niên đến tập dưỡng sinh vào sáng sớm, cho trẻ em vui chơi, nô đùa, cho bà con trong khuc vực đến dạo chơi, hóng mát và trò chuyện mỗi buổi ban chiều. Khuôn viên giáo xứ giờ đã được bao phủ bởi những tán lá xanh tươi, xen kẽ những làn gió nhẹ, trong lành, là điểm hội tụ của bà con.
Ở trung tâm thành phố là vậy, đi xa một chút hướng về huyện Củ Chi, tinh thần ý thức làm đẹp nơi cư trú cũng được bà con Công giáo thể hiện qua việc xây dựng nông thôn mới. Địa bàn ấp Đình, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi có hai giáo xứ là Sơn Lộc và Bắc Đoàn. Thời gian gần đây, bộ mặt hai giáo xứ cũng có nhiều thay đổi.
Trong đó, Giáo xứ Bắc Đoàn có khoảng 7.000 giáo dân tại chỗ và 700 người nhập cư, cùng chung sống hòa thuận, yêu thương; còn Giáo xứ Sơn Lộc có số giáo dân là 3.000 người, kinh tế đa dạng, năng động. Khoảng 10 năm trở lại đây, giao thông khu vực nội vi hai giáo xứ được kiện toàn, 100% con đường quanh nhà thờ là đường trải bê tông. Từ những con lộ chật hẹp, người dân đã hiến thêm đất nhà để mở rộng ra và đóng góp tiền, công sức lao động vào công tác chung.
Trong sinh hoạt xứ đạo, các hội đoàn ý thức BVMT, nhóm giới trẻ, thiếu nhi thường có hoạt động dọn dẹp vệ sinh, bảo tồn cảnh quan. Quanh khu vực giáo xứ, cây cối luôn xanh mát, không khí trong lành; hệ thống giao thông, trường trạm phát triển, các nhu cầu vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao và đáp ứng tốt. Người dân tích cực trong xây dựng giao xứ và địa phương, lối sống tốt đạo, đẹp đời.
QUỐC ĐỊNH