(Mặt trận) -Với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua bà con đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận đã tích cực phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM), củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.
Đến các khu dân cư vùng đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni chúng tôi ghi nhận kinh tế nông nghiệp phát triển, đời sống người dân no ấm, diện mạo NTM khởi sắc. Hệ thống giao thông thôn xóm được Nhà nước hỗ trợ kinh phí cùng người dân đóng góp được bê-tông khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản, hàng hóa. Ông Châu Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Toàn tỉnh có khoảng 29.700 tín đồ Hồi giáo Bàni cư trú tập trung tại 12 thôn thuộc 6 xã của 4 huyện: Ninh Hải, Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Nam. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện trên nhiều lĩnh vực nên đời sống kinh tế - xã hội của tín đồ ngày một khởi sắc. Các chức sắc, chức việc và bà con tín đồ thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định pháp luật. Các vị chức sắc lồng ghép chương trình hành lễ với vận động tín đồ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào xóa đói, giảm nghèo và “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Diện mạo thôn xóm, làng xã đã thay đổi khá rõ nét, nhiều gia đình làm ăn có hiệu quả, thu nhập khá, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm những phương tiện sinh hoạt có giá trị.
|
Đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) phát triển kinh tế từ mô hình trồng măng tây xanh. |
Không chỉ vận động bà con tín đồ chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh còn vận động tín đồ đóng góp nhiều tỷ đồng tham gia cùng chính quyền bê-tông hàng nghìn mét đường giao thông khu dân cư. Nhiều bà con tín đồ tự nguyện hiến đất ở, đất sản xuất làm đường giao thông nông thôn thông thoáng, khang trang; tự nguyện trồng, chăm sóc cây xanh dọc các đường và các nhà sinh hoạt cộng đồng tạo môi trường xanh mát; tự nguyện tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường xanh- sạch - đẹp, các khu dân cư tổ chức mô hình thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, lắp đặt camera an ninh và bóng đèn chiếu sáng bảo đảm đi lại an toàn và phòng, chống kẻ gian xâm nhập vào khu dân cư. Thành lập các tổ tự quản về an ninh trật tự hoạt động hiệu quả, góp phần giữ vững cuộc sống bình yên thôn xóm.
Qua giới thiệu của Sư cả Châu Minh Hương, chúng tôi đến thăm thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) là địa bàn có gần 2.500 nhân khẩu là tín độ Hồi giáo Bàni. Đời sống của bà con nơi đây ngày càng nâng cao nhờ vào nguồn thu nhập từ măng tây xanh, trồng rau màu kết hợp chăn nuôi gia súc. Chị Kiều Thị Khanh, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, cho biết: Những năm qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện, người dân thôn Tuấn Tú đã có cuộc sống ấm no, sung túc hơn trước rất nhiều. Đến nay, toàn thôn chỉ còn 6 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo, thấp hơn một nửa so với tỷ lệ hộ nghèo của xã An Hải là 2,2%. Nhiều mô hình sản xuất cánh đồng lớn rau sạch và măng tây xanh được nông dân áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các gia đình Kiều Thị Khoán, Kiều Thị Hẹn, Châu Văn Năng, Châu Thị Ngói... là những điển hình tiêu biểu nỗ lực vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Cuộc sống khấm khá, người dân tích cực đóng góp thực hiện các chương trình an sinh xã hội và tham gia xã xây dựng NTM và thôn NTM kiểu mẫu với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng phát triển hạ tầng khu dân cư, tạo diện mạo nông thôn khởi sắc. Chị Kiều Thị Khoán, chia sẻ: Nhờ được các vị chức sắc, người có uy tín trong cộng đồng và Ban Công tác Mặt trận thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động nên người dân chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ các chương trình hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác của các sở, ban, ngành đã giúp nhiều hộ thoát nghèo; riêng gia đình tôi từ khó khăn để vươn lên có “của ăn, của để”. Thu nhập mỗi tháng từ 2 sào măng tây cộng với 2 chiếc máy cày, đàn bò sinh sản cũng được gần trăm triệu đồng. Nhờ đó cuộc sống gia đình ngày càng no ấm và có điều kiện cho các con học hành đến nơi, đến chốn.
Cùng với làng Chăm Tuấn Tú, cộng đồng Hồi giáo Bàni các địa phương khác trong tỉnh cũng phấn khởi chào mừng Đại hội đại biểu Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra vào ngày 12/7. Trong những năm qua, dưới sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng Hồi giáo Bàni đã phát huy tinh thần đoàn kết, bản sắc văn hóa, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, con cháu được học hành, có việc làm ổn định. Đến nay, hộ đói không còn, hộ nghèo giảm mạnh, hộ khá giàu ngày càng tăng, mối đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân cư ngày thêm gắn bó, lòng tin của các chức sắc, các tín đồ đối với Đảng và Nhà nước không ngừng củng cố, nâng cao.
Phát huy những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ mới 2023-2028, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận tiếp tục vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống văn minh, văn hóa ở địa bàn khu dân cư. Nhân rộng các mô hình đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, tích cực tham gia xây dựng NTM; nhân rộng các khu dân cư sáng - xanh - sạch- đẹp và an toàn về an ninh trật tự. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện chương trình sinh hoạt cộng đồng với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Diễm My – Ngọc Bích