Tin mới

Công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay: Thực trạng và giải pháp

(Mặt trận) - Trong quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn khẳng định: Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực trong lịch sử dân tộc. Công tác tôn giáo nhằm tăng cường vận động, đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thanh Sơn tập trung thực hiện chính sách người dân tộc

Hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại xã biên giới Bạch Đích

Đời sống đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng ngày càng khởi sắc

  Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa nhân Đại lễ Phật đản 2022. ( Ảnh: Báo DT&PT)

Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hiện nay nước ta đã công nhận và chứng nhận đăng ký hoạt động 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo có trên 26,5 triệu người chiếm khoảng 27% dân số, hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc, 29.658 cơ sở thờ tự của các tôn giáo.

Ngoài ra còn có hơn 100 tổ chức, hệ phái, nhóm tôn giáo khác chưa được đăng ký hoạt động hoặc chưa đủ điều kiện công nhận về tổ chức và hàng chục hiện tượng "tôn giáo mới", trong đó có một số hiện tượng tín ngưỡng tôn giáo mang tính chất "đạo lạ", "tà đạo" có hoạt động ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán, văn hóa, sức khỏe của Nhân dân.

Nước ta là quốc gia đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo, theo ước tính có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Về cơ bản, sinh hoạt của các tôn giáo tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước; có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển Tổ quốc.

Đồng bào các tôn giáo đa số là người lao động thuần túy, có tinh thần yêu nước, sống gắn bó, đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đa số chức sắc, nhà tu hành tôn giáo ở nước ta yên tâm phụng đạo, giúp đời, hướng tới xây dựng cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo", mong muốn được hoạt động tôn giáo bình thường trong khuôn khổ pháp luật và đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước.

Trong những năm qua, số lượng chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo có sự gia tăng đáng kể; cơ sở thờ tự của các tôn giáo được sửa sang, xây dựng mới ngày càng nhiều, trong đó có nhiều cơ sở thờ tự được xây dựng khang trang, to đẹp và có giá trị nghệ thuật, văn hoá cao; hầu hết các cơ sở đào tạo của tôn giáo được mở rộng, nâng cấp và hàng năm đào tạo, bồi dưỡng hàng chục ngàn tu sĩ học tập có kết quả; nhiều chức sắc, nhà tu hành được tổ chức tôn giáo gửi đi đào tạo ở nước ngoài; nhiều sinh hoạt tôn giáo lớn có tính khu vực và quốc tế được tổ chức tôn giáo trong nước đăng cai tổ chức đã thành công tốt đẹp.

Các hoạt động an sinh xã hội, xã hội hóa y tế, giáo dục (nhất là giáo dục mầm non), bảo trợ xã hội, dạy nghề, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường của các tôn giáo được đẩy mạnh, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chăm lo cho người nghèo, người có công với đất nước, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, tàn tật, xây dựng nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết; chăm sóc, giúp đỡ những người bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, Covid-19, cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu... với số tiền mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng.

Hoạt động đối ngoại nhân dân tôn giáo của tổ chức và chức sắc các tôn giáo ngày càng được mở rộng với hàng trăm hoạt động thăm viếng, hội thảo khoa học quốc tế, giao lưu trao đổi về tôn giáo và văn hoá, từ thiện xã hội... với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc tổ chức thành công các sinh hoạt tôn giáo lớn mang tầm khu vực và quốc tế càng khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm tự do tôn giáo của Nhân dân, đồng thời mở rộng đối ngoại nhân dân và nâng cao hình ảnh tốt đẹp và vị thế của nước ta trong khu vực và trên trường quốc tế.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội... đã quan tâm đến việc vận động, đoàn kết đồng bào các tôn giáo (chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ) thông qua các cơ chế, chính sách để các tôn giáo gắn bó đồng hành cùng dân tộc; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; phát triển đoàn viên, hội viên trong vùng đồng bào có đạo; bồi dưỡng, xây dựng lực lượng người có uy tín, tiêu biểu trong chức sắc, nhà tu hành, trí thức, đảng viên có đạo và tín đồ các tôn giáo, làm nòng cốt trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đã từng bước xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân tôn giáo.

Các giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo phù hợp với yêu cầu xây dựng xã hội mới đã cơ bản được khuyến khích phát huy. Các tôn giáo tham gia ngày càng có hiệu quả trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và các hoạt động xã hội hóa y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, mở rộng đối ngoại nhân dân tôn giáo.

Về công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy, đảng uỷ trực thuộc đã quan tâm công tác phát triển đảng viên là người có đạo1, phân công nhiệm vụ cho đảng viên có đạo trong việc nắm bắt tình hình và làm tốt công tác vận động, đoàn kết tín đồ tôn giáo ở cơ sở; xây dựng và củng cố hệ thống chính trị trong vùng đồng bào có đạo; chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát triển thành viên, đoàn viên, hội viên trong vùng đồng bào có đạo; xem xét, lựa chọn, bố trí chức sắc, nhà tu hành, chức việc, trí thức, đoàn viên, hội viên là người có đạo tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tham gia vào Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và cơ quan dân cử các cấp, coi đó là những nhân tố nòng cốt để vận động, đoàn kết tổ chức và đồng bào tôn giáo.

Việc tôn giáo tham gia các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội. Tổ chức Mặt trận các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, những năm gần đây, số lượng chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo đã tham gia các hoạt động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến quan trọng. Số lượng các chức sắc, nhà tu hành tham gia Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp có xu hướng tăng, chất lượng ngày càng tốt hơn, bước đầu phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động quần chúng tôn giáo.

Quan hệ giữa chức sắc, tổ chức tôn giáo với hệ thống chính trị cởi mở, gần gũi; nhiều phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động được đông đảo chức sắc, đồng bào tôn giáo hưởng ứng và tham gia, tạo môi trường xã hội lành mạnh trong vùng đồng bào có đạo, ngăn chặn việc lợi dụng, kích động, chia rẽ của các thế lực xấu.

Theo báo cáo nhiệm kỳ qua, tổng số chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo do các tỉnh, thành phố giới thiệu, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 6 vị, đạt tỷ lệ trúng cử 60%, trong đó: Phật giáo có 3 vị (Hà Nội, Quảng Ninh và Sóc Trăng); 1 vị là chức sắc Công giáo (đơn vị bầu cử tỉnh Bình Dương); 1 chức sắc đạo Balamôn tỉnh Bình Thuận; 1 vị là tín đồ đạo Balamôn tỉnh Ninh Thuận. Số chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo trúng cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 117 vị, đạt tỷ lệ trúng cử 61,58%, trong đó: Phật giáo 63 vị (59 chức sắc, 4 tín đồ); Công giáo 40 vị (24 chức sắc, 16 tín đồ); 3 vị Tin Lành (2 chức sắc, 1 tín đồ); 5 vị Cao Đài (3 chức sắc, chức việc, 2 tín đồ); 2 vị chức việc Phật giáo Hòa Hảo; 5 tín đồ theo đạo Bàlamôn.

Số chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo trúng cử Hội đồng nhân dân cấp huyện, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 368 vị, đạt tỷ lệ 30.03%, trong đó, Phật giáo 200 vị (176 chức sắc, 24 tín đồ); Công giáo 123 vị (38 chức sắc, 85 tín đồ); 4 vị Tin Lành (2 chức sắc, 2 tín đồ); 10 vị Cao Đài (1 chức sắc, chức việc, 9 tín đồ); 5 vị chức sắc Phật giáo Hòa Hảo; 12 vị Hồi giáo (4 chức sắc, 8 tín đồ); 8 vị theo đạo Tứ ân Hiếu nghĩa (1chức sắc, 7 tín đồ); 5 vị theo đạo Bàlamôn (1 chức sắc, 4 tín đồ).

Số chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo trúng cử Hội đồng nhân dân cấp xã, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 8.679 vị, đạt tỷ lệ trúng cử 61,63%, trong đó: Phật giáo 1.614 vị (887 chức sắc, 727 tín đồ); Công giáo 5.494 vị (458 chức sắc, 5.036 tín đồ); 863 vị Tin Lành (65 chức sắc, 798 tín đồ); 236 vị Cao Đài (59 chức sắc, chức việc, 177 tín đồ); 140 vị Phật giáo Hòa Hảo (73 chức việc, 67 tín đồ); 118 vị Hồi giáo (7 chức sắc, 111 tín đồ); 1 vị chức sắc Minh Sư đạo; 2 vị tín đồ theo đạo Baha’i; 51 vị theo đạo Tứ ân Hiếu nghĩa (2 chức sắc, 49 tín đồ); 1 vị chức sắc đạo Bửu Sơn Kỳ Hương; 9 vị theo đạo Tịnh độ Cư sĩ Phật hội (8 chức sắc, 1 tín đồ); 148 vị theo đạo Bàlamôn (3 chức sắc, 145 tín đồ); 1 vị chức sắc Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam; 1 vị tín đồ Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn.

Số chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX là 53 vị, trong đó: Phật giáo 18 vị, chiếm tỷ lệ 33,96 %; Công giáo 10 vị (chiếm tỷ lệ 18,86 %); Cao Đài 8 vị (chiếm tỷ lệ 15,09 %); Các tôn giáo khác (Phật giáo Hòa Hảo, Baha’i, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh Lý đạo, Minh Sư đạo, Hồi giáo, Bàlamôn, Mặc môn, Tứ ân Hiếu nghĩa, Hiếu nghĩa Tà Lơn, Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm) 17 vị (chiếm tỷ lệ 32,07 %). Số chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh là 556 vị; Tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện là 2.653 vị; Tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã là 15.276 vị.

Các tôn giáo ngày càng đoàn kết, gắn bó trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo báo cáo của các tỉnh, thành ủy trong cả nước, tính đến nay, số lượng cốt cán và người có uy tín trong tôn giáo trên địa bàn các tỉnh, thành phố được phát huy là 172.993 người bao gồm: 16.516 người do Mặt trận các cấp phát huy; 14.000 người do Hội Nông dân Việt Nam các cấp phát huy; 109.307 người do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp phát huy; 5.496 người do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp phát huy; 4.517 người do Hội Cựu Chiến binh Việt Nam các cấp phát huy; 1.136 người do Liên đoàn Lao động các cấp phát huy…

Nhằm phát huy tốt hơn nữa công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ 2024 - 2029, Mặt trận các cấp cần tập trung thực hiện tốt những nội dung cụ thể sau:

Một là, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được hiến định tại Điều 9 Hiến pháp: “Thực hiện tốt vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân (trong đó có 27 triệu đồng bào các tôn giáo); tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Hai là, chú trọng thực hiện tốt trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại Điều 4 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: (1) Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; (2) Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (3) Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tê ́- xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; (4) Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; (5) Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Ba là, tích cực tham gia cùng Đảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa, đưa những quan điểm, chủ trương tiến bộ của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về “Phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước” vào cuộc sống. Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo”; Nghị quyết số 43 ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc để tiếp tục thực hiện tốt vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo.

Bốn là, tăng cường công tác xây dựng cốt cán phong trào và chính sách đối với cốt cán phong trào trong các tôn giáo ở nước ta hiện nay, thực hiện Thông báo số 150-TB/TW ngày 25/12/2013 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 02-HD/MTTW-ĐĐ ngày 15/8/2019 của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Gắn việc đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tăng cường vận động đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay” với việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 02/KL-ĐCT ngày 29/12/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo.

Năm là, tăng cường tập hợp các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tham gia làm thành viên của Mặt trận; thu hút các cá nhân tiêu biểu tôn giáo tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cơ quan dân cử ở các cấp với số lượng, cơ cấu phù hợp; bồi dưỡng, xây dựng, phát huy vai trò cốt cán và người có uy tín, tiêu biểu trong chức sắc, nhà tu hành, trí thức, đảng viên có đạo và tín đồ các tôn giáo, làm nòng cốt trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và chương trình hành động của Mặt trận.

Sáu là, vận động, đoàn kết đồng bào các tôn giáo tham gia triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; nhất là phong trào thi đua. “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước; Cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế"; xây dựng các khu dân cư “Tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”, các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào có đạo; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, của đồng bào các tôn giáo. Thường xuyên quan tâm, xây dựng mối quan hệ gắn bó, hài hòa, củng cố niềm tin của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước.

Bảy là, có hình thức biểu dương, khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân tôn giáo có nhiều đóng góp tích cực trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động của Mặt trận, chính quyền các cấp; có hình thức phù hợp để nhân rộng các mô hình điểm, cách làm hay sáng tạo, hiệu quả trong các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo... đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Tám là, phát huy quyền làm chủ của đồng bào các tôn giáo thông qua vai trò giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tôn giáo; tăng cường công tác đối ngoại nhân dân trong tôn giáo; vận động, đoàn kết đồng bào ta ở nước ngoài là chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chín là, tăng cường công tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan và các tôn giáo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tình hình hoạt động của các tôn giáo; phối hợp tham mưu có hiệu quả về công tác tôn giáo, đấu tranh với các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xâm hại lợi ích của đất nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, của đồng bào các tôn giáo.

Mười là, chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ về công tác tôn giáo; quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo; quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có chuyên môn, nghiệp vụ sâu, có tâm huyết về công tác tôn giáo được luân chuyển, bổ nhiệm vào những vị trí thích hợp để khuyến khích, trọng dụng nhân tài theo quan điển chung của Đảng.

Tài liệu tham khảo

1.   Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

2.  Nghị quyết số 43 ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

3.  Kết luận số 02/KL-ĐCT ngày 29/12/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo.

4.  Tìm hiểu về các tôn giáo ở nước ta hiện nay và công tác vận động, đoàn kết, phát huy vai trò của tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2022.

5.  Ban Tôn giáo Chính phủ, (2022): Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2022.

Chú thích:

1. Đến nay, cả nước có 82.751 đảng viên là người có đạo, chiếm 1,74% tổng số đảng viên; xây dựng và củng cố hệ thống chính trị trong vùng đồng bào có đạo.

VŨ ĐĂNG MINH - Trưởng Ban Tôn giáo,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản