Tin mới

Đak Đoa quan tâm tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Những năm qua, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm giúp cho người lao động vùng khó khăn tăng thêm thu nhập, thay đổi tư duy.

Đak Đoa quan tâm tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

Ổn định cuộc sống nhờ có việc làm

Trước đây, anh Phâng (làng Ktăng, xã Kdang) không có việc làm ổn định. Nhà không có đất sản xuất nên anh phải đi làm công nhân cho một số công ty tại tỉnh Bình Dương, Bình Phước.

Năm 2023, sau khi trở về địa phương và được tham gia lớp học nghề cạo mủ cao su, anh trở thành công nhân của Nông trường Cao su Kdang (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang).

Anh Phâng chia sẻ: “Cuộc sống của gia đình tôi dần ổn định kể từ khi được học nghề và vào làm công nhân cạo mủ cao su. Nguồn thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng giúp chúng tôi có thể trang trải cuộc sống. Điều tôi phấn khởi nhất là có công việc ổn định ngay tại quê hương mình, không phải đi làm xa nhà nữa”.

 Anh Hlững và anh Phâng (làng Ktăng, xã Kdang) phấn khởi vì được Nông trường Cao su Kdang nhận vào làm việc sau khi tham gia lớp học nghề cạo mủ. Ảnh: T.D

Cũng chung niềm vui như anh Phâng, anh Hlững (làng Ktăng) kể: Trước đây, gia đình anh thuộc diện khó khăn. Khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia lớp học nghề cạo mủ cao su trong 3 tháng, anh đã tích cực tham gia.

Năm 2023, sau khi học nghề, anh được giới thiệu vào làm việc tại Nông trường Cao su Kdang. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc sống của gia đình anh. Hàng tháng, anh nhận lương trên 13 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh không còn thiếu trước hụt sau nữa.

“Tôi sẽ cố gắng học hỏi để nâng cao tay nghề, trở thành thợ cạo mủ giỏi, có thu nhập cao hơn để cải thiện đời sống gia đình”-anh Hlững bày tỏ.

Anh Ngâp-Trưởng thôn Ktăng-cho biết: “Làng hiện có 180 hộ, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Đối với một số hộ ít đất sản xuất, chính quyền địa phương hỗ trợ tham gia các lớp học nghề.

Làng có 12 người lao động là DTTS hoàn thành lớp học nghề cạo mủ cao su và trở thành công nhân của Nông trường Cao su Kdang. Với thu nhập ổn định, họ dần tự tin vươn lên trong cuộc sống”.

Dẫn chúng tôi đến tham quan kho thóc của gia đình, chị YKam (làng Đăk Mong, xã Đak Krong) hào hứng cho hay: “Trước đây, với 3 sào lúa của gia đình, tôi canh tác không đủ ăn. Sau khi được tham gia lớp học nghề trồng lúa, tôi đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng, chăm sóc lúa. Hiện nay, mỗi sào tôi thu về trên 6 tạ. Từ đó, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống từng bước được cải thiện”.

Làng Đăk Mong hiện có trên 36 ha lúa nước 2 vụ. Năm 2023, để người dân cải thiện năng suất, ổn định thu nhập, xã Đak Krong đã phối hợp mở lớp đào tạo nghề trồng lúa cho người dân trong làng.

Sau khi áp dụng khoa học kỹ thuật từ việc làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản, người dân đã từng bước nâng cao nhận thức và phát triển sản xuất lúa 2 vụ theo hướng bền vững.

Chú trọng triển khai nhiều giải pháp

Việc bảo đảm các điều kiện để tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS được chính quyền các địa phương ở Đak Đoa đặc biệt chú trọng.

Hàng năm, các cơ quan liên quan tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch, đăng ký nhu cầu đào tạo nghề với cơ quan cấp trên, đồng thời thực hiện chiêu sinh mở lớp; định hướng cho người lao động đăng ký học các ngành nghề phù hợp với nhu cầu.

Đặc biệt, tập trung vào các ngành nghề nông nghiệp hoặc các ngành nghề phi nông nghiệp có nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động như: thợ xây, sửa chữa máy cày công suất nhỏ, may công nghiệp, nghề hàn, chăn nuôi thú y, trồng rau an toàn…

 Năng suất lúa của người dân làng Đăk Mong (xã Đak Krong) được nâng cao sau khi tham gia lớp đào tạo nghề trồng lúa. Ảnh: T.D

Ông Đinh Guin-Phó Chủ tịch UBND xã Kdang-cho biết: “Hàng năm, chúng tôi tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng chất lượng nguồn lao động, nhu cầu học nghề, nhu cầu việc làm của người DTTS.

Trên cơ sở đó, giới thiệu người dân tham gia các lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo nhu cầu gắn với việc tổ chức thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất đối với người DTTS.

Từ đầu năm đến nay, xã có 725 lao động qua đào tạo, trong đó 403 người qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ về sản xuất và tái canh cà phê bền vững, nghề hàn, cạo mủ cao su”.

Những năm qua, xã Đak Krong sử dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để giải quyết nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn, vùng đồng bào DTTS.

Đặc biệt, tập trung ưu tiên nguồn lực từ các chương trình, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ.

“Ủy ban nhân dân xã phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, khảo sát nhu cầu học nghề của đồng bào DTTS, hộ nghèo, cận nghèo. Thời gian tới, xã dự kiến phối hợp mở 4 lớp với các ngành nghề như: trình diễn cồng chiêng; trồng cà phê; trồng và chăm sóc cây mắc ca; sửa chữa, bảo dưỡng xe gắn máy.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, người lao động là đồng bào DTTS về chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm để người dân đăng ký tham gia”-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Krong Hà Văn Kiên nêu giải pháp.

Thông qua công tác tạo việc làm, huyện Đak Đoa đã giúp nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS cải thiện cuộc sống. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện liên kết với Trường Cao đẳng Gia Lai và các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, mở các lớp đào tạo trình độ trung cấp nghề.

Hàng năm, dựa trên kết quả rà soát nhu cầu học nghề của người lao động, Trung tâm xây dựng, bổ sung nội dung chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn lao động sản xuất ở địa phương.

Bà Lê Thị Hương, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Giai đoạn 2021-2023, huyện đã tổ chức 2 hội chợ việc làm thu hút hơn 2.600 người tham gia; 37 phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn với hơn 4.035 lượt người tham gia; 37 buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.

Riêng 9 tháng năm 2024, huyện đã tổ chức 7 buổi tư vấn hướng nghiệp học nghề, việc làm cho người lao động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi thu hút hơn 1.000 lượt lao động tham gia; 25 cuộc nói chuyện chuyên đề tại các thôn, làng thu hút 2.048 lượt người lao động tham gia; 10 buổi đối thoại giữa lãnh đạo UBND, Mặt trận các đoàn thể xã với người lao động thu hút 1.217 lượt người lao động tham gia.

Hiện nay, huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức đào tạo nghề cho 443 người lao động nông thôn; phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đào tạo nghề cho 319 người lao động ký hợp đồng làm việc tại Công ty.

Ngoài ra, có 2.533 lao động tự tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh, tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tổ chức đào tạo nghề phù hợp với vị trí công việc khi được tuyển dụng. Riêng 9 tháng năm 2024, toàn huyện có 1.418 lao động qua đào tạo nghề bằng nhiều hình thức.

Bà Lê Thị Hương-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa:Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của người lao động vùng DTTS; thực hiện vai trò kết nối giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người lao động. Cùng với đó, từng bước nâng cao vai trò của các đoàn thể, cán bộ, công chức xã trong công tác tuyên truyền về chính sách, chú trọng nội dung của Tiểu dự án 3-Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

T.D

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản