Tin mới

Đak Đoa thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Để phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 23-5-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Ông Y Đức Thành-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy-cho biết: Toàn huyện có 17 xã, thị trấn với 111 thôn, làng, tổ dân phố; trong đó có 74 thôn, làng đồng bào DTTS. Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công 50 cơ quan, đơn vị kết nghĩa với 53 thôn, làng đồng bào DTTS. Đồng thời, Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện hướng dẫn 41 trường học kết nghĩa với 41 thôn, làng đồng bào DTTS. Các cơ quan, đơn vị phân công cán bộ xuống các thôn, làng nắm bắt tình hình, hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ tại địa phương, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất và đời sống.

 Trao đổi về công tác thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” tại xã Hà Bầu.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành và chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ trong việc ngăn chặn chuyển nhượng và cho thuê đất sản xuất trái pháp luật trong vùng đồng bào DTTS. Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về gìn giữ quỹ đất để đầu tư phát triển sản xuất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nhượng và cho thuê đất sản xuất trái pháp luật. Cùng với đó, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ trong việc giải quyết việc làm cho thanh niên người DTTS, giúp nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc học nghề, tìm cơ hội việc làm, tích cực lập thân, lập nghiệp.

Xã Ia Pết có tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn cao. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, xã đã chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo bằng nhiều cách thiết thực về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... Phối hợp mở lớp dạy nghề xây dựng cho lao động tại các làng DTTS, đồng thời chủ động liên hệ với doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại chỗ. Ông Luih-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng O Đeh-bộc bạch: “Nhờ tăng cường tuyên truyền, vận động và hỗ trợ về nhiều mặt nên nhận thức của bà con dân làng đã có nhiều chuyển biến. Bà con biết đưa cây-con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Làng duy trì nghề đan lát truyền thống và 3 nhóm thợ xây dựng nhà, tạo việc làm và thu nhập ổn định”.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho hay: Năm 2022, chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 2.680 lượt thanh niên người DTTS. Đồng thời, phối hợp mở lớp đào tạo nghề cho gần 2.600 lao động DTTS trong độ tuổi thanh niên. Toàn huyện có hơn 4.000 lao động người DTTS trong độ tuổi thanh niên được giải quyết việc làm. Ngoài ra, huyện có hơn 20 thanh niên người DTTS tham gia đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội huyện lồng ghép nội dung cuộc vận động vào các chương trình công tác trọng tâm, các hoạt động, phong trào và công tác an sinh xã hội. Tổ chức cấp phát tờ rơi, xây dựng các cụm pa nô, phim tài liệu tuyên truyền bằng 3 thứ tiếng (Việt, Bahnar, Jrai) đến các xã, thị trấn có làng DTTS. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, kêu gọi đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ về nhà ở, cải thiện đời sống cho người dân

 Hỗ trợ bò giống cho hộ DTTS khó khăn tại xã Glar.

Với việc đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc vận động, nhận thức của bà con người DTTS đã được nâng lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bà con chủ động tiếp cận các mô hình hay, cách làm hiệu quả, đầu tư vốn trồng cây công nghiệp; góp kinh phí kéo đường điện phục vụ sản xuất, tự nguyện hiến gần 31.000 m2 đất để xây dựng nông thôn mới. “Nhiều hộ không còn thụ động mà tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình, chi tiêu hợp lý để thoát nghèo và có tích lũy”-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Võ Tiến Đông cho biết.

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Ơng khẳng định: Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 10,2%, hộ cận nghèo còn 7,6%. Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động người DTTS. Cùng với đó, phát huy hiệu quả các nguồn lực để triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện cuối năm 2025 đạt dưới 7%.

N.T

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản