(Mặt trận) -Trong những năm qua, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông luôn chú trọng thực hiện nhiều giải pháp phổ biến, giáo dục pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), từ đó góp phần giúp đồng bào nâng cao hiểu biết về các quy định của pháp luật.
Sau khi đưa cây mắc ca vào giỏ, chị Thị Sanh ở bon Bu P’răng 2A, xã Quảng Trực (Tuy Đức) không quên đội mũ bảo hiểm để lên xe máy đi vào rẫy. Thói quen đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy được chị Sanh thực hiện nhiều năm nay. Theo chị Thị Sanh, trong thời gian qua, nhiều tổ chức, đoàn thể đã tổ chức nhiều buổi phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các quy định về Luật Giao thông đường bộ. Qua các buổi tuyên truyền, không chỉ gia đình tôi mà bà con trong bon đều ý thức được cần phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông.
Theo bà Thị Y Ran, Trưởng bon Bu P’răng 2A, bon có 106 hộ dân. Nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương và nhận thức của người dân trong bon được nâng lên nên hiện nay việc lấn chiếm đất rừng, phá rừng, khai thác lâm sản không còn xảy ra, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết không còn nữa...
Huyện Tuy Đức hiện có 23 dân tộc sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS là 5.482 hộ với 27.892 khẩu, chiếm hơn 43%. Huyện có địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, số hộ dân di cư tự do vào địa bàn nhiều, hộ đồng bào DTTS nghèo, có trình độ dân trí thấp. Trước tình hình trên, huyện Tuy Đức luôn quan tâm phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho bà con.
|
Chị Thị Sanh (bên trái) thường xuyên được phổ biến tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước |
Trong 8 tháng đầu năm 2022, huyện Tuy Ðức tổ chức tuyên truyền được 10 hội nghị, thu hút 435 lượt người tham gia. Nội dung được phổ biến chủ yếu như: Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Biên phòng Việt Nam; chương trình, chính sách của đồng bào DTTS và triển khai các nghị định, thông tư liên quan đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh...
Để giúp bà con nhanh hiểu, dễ nhớ, huyện tổ chức nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tổ chức hội nghị tuyên truyền tại các thôn, bon, bản; cấp phát tờ rơi; phối hợp với đài truyền thanh huyện tuyên truyền trên loa đài tại 6 xã trên địa bàn... Đặc biệt, cán bộ cơ sở đã tích cực tư vấn, truyền thông trực tiếp, đến từng nhà vận động giúp thay đổi tư duy, cách nghĩ của người dân về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết và các quy định của pháp luật. Thông qua đó, không chỉ thay đổi về ý thức pháp luật, người dân vùng DTTS đã tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa nhiều cây trồng, vật nuôi và áp dụng các mô hình hiệu quả vào sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tuy Đức cho biết, những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật vùng đồng bào DTTS ngày càng giảm, tiêu biểu như tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm hẳn. Nhiều người dân đã nhận thức và tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông, luật lâm nghiệp, không phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tuân thủ quy định Luật Hôn nhân và gia đình…
Cũng theo ông Minh, mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vùng đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực nhưng hiệu quả chưa rõ nét. Vì vậy, thời gian tới, huyện Tuy Đức sẽ tiếp tục quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên bảo đảm về phẩm chất, năng lực chuyên môn, cùng am hiểu về tâm lý, tập quán của đồng bào DTTS. Đồng thời, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, giúp đồng bào nâng cao nhận thức, gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ bình yên khu dân cư. Đặc biệt, huyện sẽ đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ và hình ảnh dễ hiểu, phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của từng dân tộc.
Đức Hùng