(Mặt trận) -Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng có đạo, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm tiếp tục duy trì, nhân rộng và lan tỏa các mô hình ở cơ sở.
|
Tại xã Đạ Đờn, việc nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” thực sự đi vào cuộc sống |
Huyện Lâm Hà hiện có 14 xã và 2 thị trấn với tổng dân số là 149.597 người, đang cư trú tại 170 thôn, tổ dân phố. Hiện, địa phương có 30 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó đồng bào DTTS có 36.822 người, chủ yếu theo Công giáo và Tin lành. Toàn huyện hiện có 4 tôn giáo gồm Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài với tổng số 55.082 tín đồ với 35 cơ sở thờ tự hợp pháp.
Ông Hoàng Sơn - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lâm Hà cho biết: Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Mô hình “Dân vận khéo”, công tác dân tộc, tôn giáo luôn được các cấp, ngành quan tâm triển khai có hiệu quả, nhất là thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội trong vùng đồng bào DTTS, vùng có đạo. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của huyện.
Qua 5 năm, Huyện ủy Lâm Hà đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành liên quan để thực hiện. Cụ thể, trong năm 2022, Ban Dân vận đã phối hợp tổ chức đợt công tác dân vận tập trung tại 2 thôn PreTieng 1 và PreTieng 2, xã Phú Sơn. Năm 2023, triển khai kế hoạch xây dựng Mô hình “Dân vận khéo” về vận động Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS tại thôn Đạ Ty. Đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo 867 của huyện phối hợp Ban Chỉ đạo 502 của tỉnh tổ chức đợt công tác dân vận tập trung tại các thôn đồng bào DTTS tại xã Đạ Đờn. Cùng với đó, tiếp tục triển khai nhân rộng Mô hình “Dân vận khéo” vận động, hỗ trợ cho bà con chuyển đổi trồng dâu, nuôi tằm; triển khai thực hiện Mô hình “Hỗ trợ sinh kế” cho bà con.
Đồng thời, Huyện ủy Lâm Hà giao Ban Chỉ huy Quân sự huyện, cơ quan Công an huyện phối hợp tham mưu đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh Nhân dân trong vùng đồng bào DTTS, đồng bào có đạo. Cùng với đó Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã lồng ghép thực hiện xây dựng Mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS, vùng đồng bào có đạo gắn với triển khai phong trào thi đua yêu nước, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Giai đoạn 2018 - 2023, toàn huyện có 6 Mô hình “Dân vận khéo” tập thể trong vùng đồng bào có đạo và 43 mô hình tập thể, 3 mô hình cá nhân trong vùng đồng bào DTTS. Nổi bật như các Mô hình “Hỗ trợ sinh kế trồng dâu, nuôi tằm”, xây dựng “Khu dân cư tiêu biểu, Khu dân cư kiểu mẫu”; “Phụ nữ tôn giáo giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thực hiện sống tốt đời, đẹp đạo”; “Không thách cưới”; “3 không”; “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; “Thắp sáng đường quê”; “Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh”; “Xây dựng giếng nước sạch cho bà con”; “Xây dựng nhà Nhân ái”; vận động thành lập tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế; trao tặng các mô hình sinh kế cho thanh niên đồng bào DTTS.
Cụ thể, đối với các trường học có con em vùng đồng bào DTTS luôn được quan tâm để xây dựng, nhân rộng Mô hình “Dân vận khéo”. Điển hình như Trường Lý Tự Trọng (thị trấn Đinh Văn) với các mô hình như: “Thực hiện an toàn giao thông”; “Tuyên truyền giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh khối 8, 9”; “Phòng, chống bạo lực học đường”; “Tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử”.
Còn tại các xã có đông đồng bào DTTS, tôn giáo đều được triển khai thực hiện xây dựng và nhân rộng các Mô hình “Dân vận khéo” trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đơn cử như thị trấn Đinh Văn với các mô hình như “Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi heo”; “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; “Thắp sáng đường quê”; “Xây dựng nhà tằm, hỗ trợ trồng dâu”, “Mắt camera an ninh”. Tại xã Đạ Đờn có các mô hình như: “Tổ già làng tự quản”; “Dệt thổ cẩm”, “Đội Cồng chiêng Hội Người cao tuổi”; “Tổ trồng dâu, nuôi tằm”; “Đám tang không để quá 48 giờ, không rải vàng mã, không dùng nhạc hiếu”.
Hay tại xã Phú Sơn với các mô hình như: “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Phụ nữ sống xanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh”, “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, “ Câu lạc bộ Bóng đá Đoàn Thanh niên”. Còn xã Phi Tô có các mô hình như “Tổ truyền thông cộng đồng”; “Phụ nữ sống xanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh”; “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”; “Câu lạc bộ bóng chuyền nữ”; “Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm”; “Nuôi heo đất”, “Câu lạc bộ Hát then”; “Câu lạc bộ Cồng chiêng”; “Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy”; “Trồng dâu, nuôi tằm ở xã Mê Linh”; “Thu gom ve chai, rác thải nhựa giúp đỡ học sinh nghèo ở xã Phúc Thọ”; “Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm ở Phúc Thọ”; “Vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ sinh kế cho 31 hộ DTTS tại xã Liên Hà”...
“Trong thời gian tới, huyện Lâm Hà tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phối hợp đồng bộ trong hệ thống chính trị, phát huy vai trò nòng cốt của đoàn viên, hội viên, các cốt cán phong trào, các già làng, chức sắc tiêu biểu nhằm thực hiện hiệu quả xây dựng, nhân rộng Mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS, đồng bào có đạo. Bên cạnh đó, phát huy vai trò tham mưu của Ban Dân vận Huyện ủy, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, Ban Chỉ đạo công tác tín ngưỡng, tôn giáo huyện thường xuyên làm tốt công tác phối hợp, kịp thời tham mưu Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt triển khai Mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS, vùng có đạo gắn với thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng các cấp về công tác dân tộc, công tác tôn giáo” - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Hà khẳng định.
Thu Hiền