Tin mới

"Đầu tàu" trong các phong trào thi đua yêu nước ở vùng biên

(Mặt trận) -Những năm qua, đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình luôn là những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước ở vùng biên giới và đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh trật tự của địa phương.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

Nhiều đóng góp tích cực

Nhiều năm qua, với vai trò là NCUT ở bản K-Vi (xã Dân Hóa), ông Hồ Thoong (dân tộc Bru-Vân Kiều) đã tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và vận động bà con dân bản giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, bài trừ những tập tục lạc hậu.

Ông Hồ Thoong cũng là người được giao trọng trách cất giữ cuốn sách lá quý hiếm. Ông cho biết, cuốn sách được làm bằng lá cây, có chiều dài khoảng 50cm, gồm 150 chiếc lá (150 trang), được người Khùa xem như báu vật của cha ông để lại. Nhiều năm qua, việc giữ gìn cuốn sách luôn được ông nâng niu, cất giữ cẩn thận. Chính vì vậy, đến nay, dù đã hàng trăm năm trôi qua, cuốn sách vẫn còn nguyên vẹn. Cùng với đó, ông Thoong còn là người làm kinh tế giỏi, tích cực vận động người dân vượt khó, trồng rừng kinh tế, chăn nuôi trâu bò để thoát nghèo.

Hàng chục năm nay, người dân vẫn quen gọi ông Hồ Xây (NCUT ở bản Rôông, xã Trọng Hóa) là “nghệ nhân” của người Khùa. Cách gọi đầy quý trọng ấy xuất phát từ việc người đàn ông này luôn nhiệt huyết, đam mê bảo tồn, trao truyền nghề đan lát và các giá trị văn hóa dân tộc khác cho các thế hệ trẻ.

 Tổ hợp tác mây tre đan Trọng Hóa phát triển nghề đan lát nhờ sự truyền dạy của ông Hồ Xây, người có uy tín ở bản Rôông.

Bởi lẽ, đối với đồng bào người Khùa, nghề đan lát không đơn thuần là nghề thủ công truyền thống mà còn ẩn chứa một kho tàng văn hóa độc đáo. Các sản phẩm đan lát không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà còn là những lễ vật không thể thiếu trong các dịp quan trọng như cúng tế, đám cưới…

Đặc biệt, từ năm 2023, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa phối hợp với dự án Plan Quảng Bình hỗ trợ xã Trọng Hóa thành lập tổ hợp tác mây tre đan, ông Hồ Xây đã đảm nhiệm tốt vai trò của một người “truyền nghề” để giữ gìn nghề truyền thống của người Khùa.

Cũng giống như ông Thoong, ông Xây, ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản-NCUT ở bản Ón (xã Thượng Hóa) được biết đến như một điển hình về tinh thần gương mẫu, đi đầu, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào người Sách, người Rục nơi đây. Không chỉ nêu gương trong phát triển kinh tế gia đình, ông Tư luôn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con về cách chọn giống, kỹ thuật nuôi trồng để có năng suất, thu nhập cao.

Nhờ vậy, từ chỗ “săn bắt, hái lượm”, đến nay người Rục, người Sách ở bản Ón đã biết đầu tư chuồng trại để chăn nuôi, trồng rừng để phát triển kinh tế. Ông Tư luôn tâm niệm, để dân hiểu, dân tin và làm theo những chủ trương của Đảng, Nhà nước thì bản thân mình phải thật sự gương mẫu trong tất cả các phong trào ở địa phương. Vì vậy, thời gian qua, ông đã vận động con cháu trong gia đình và bà con dân bản luôn chấp hành pháp luật, không rượu chè, cờ bạc, phá rừng mà phải chăm lo phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Thực tế, ông Hồ Thoong, ông Hồ Xây hay ông Trần Xuân Tư chỉ là 3 trong nhiều NCUT tiêu biểu trong đồng bào DTTS ở huyện Minh Hóa. Họ không chỉ là nhịp cầu nối quan trọng gắn kết ý Đảng và lòng dân, mà còn tiên phong dẫn dắt đồng bào DTTS vững tin đi theo Đảng, Nhà nước, là “đầu tàu” trong các phong trào thi đua yêu nước ở vùng biên cương Tổ quốc.  

Kịp thời động viên, hỗ trợ

Trao đổi về những đóng góp quan trọng của đội ngũ NCUT trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Những năm qua, NCUT trong đồng bào DTTS đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, NCUT còn làm tốt công tác thông tin hai chiều giữa cấp ủy chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể để nắm tình hình trong nhân dân ở khu dân cư, thực hiện tốt phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

“Thời gian tới, huyện Minh Hóa tiếp tục quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ đối với NCUT; đồng thời, đề xuất ban hành quy chế quy định cụ thể về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của NCUT để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ này trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương”, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, NCUT thực sự là lực lượng nòng cốt, “cầu nối” quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, đóng góp tích cực trong phong trào thi đua yêu nước; tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, họ còn kịp thời giải quyết những bức xúc, nổi cộm của người dân ngay từ cơ sở, tránh những trường hợp mâu thuẫn kéo dài, khiếu kiện vượt cấp, giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn. Bằng uy tín của mình, họ đã vận động người dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới, chăm lo sản xuất, vươn lên giảm nghèo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa thông tin: Hiện trên địa bàn huyện hiện có 37 NCUT gồm: Già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, nghệ nhân, người sản xuất giỏi… đến từ 2 DTTS chính là Bru-Vân Kiều (người Khùa) và Chứt (người Mày, Rục, Sách).

Đội ngũ này sinh sống trực tiếp tại địa bàn dân cư nên có điều kiện nắm tình hình, tuyên truyền, vận động sát cơ sở. Do vậy, huyện luôn tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để NCUT phát huy hết khả năng, vai trò, ảnh hưởng tích cực của mình trong cộng đồng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những NCUT có thành tích trong lao động, sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Tùng Lâm- P.Phương

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản