Tin mới

Dầu Tiếng (Bình Dương): Đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, chăm lo

(Mặt trận) -Những năm qua, bên cạnh việc tập trung đầu tư các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương cũng đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng cao, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

'Điểm tựa' giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

Đakrông (Quảng Trị): Phát huy vai trò người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

 Thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có nhiều hoạt động chăm lo cho ĐBDTTS. Trong ảnh: Huyện đoàn Dầu Tiếng phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh trao học bổng cho các em học sinh là con ĐBDTTS

 Đổi thay ở vùng ĐBDTTS

Có dịp trở lại xã Minh Hòa, đi trên những con đường thẳng tắp, rộng rãi được tô điểm thêm bởi những ngôi nhà khang trang và vững chắc, chúng tôi cảm nhận được sự khởi sắc của vùng quê này. Dẫn chúng tôi đi trên con đường nhựa vào ấp, ông Phạm Văn Hoàng Sang, Trưởng ban Điều hành ấp Hòa Lộc, cho biết ấp Hòa Lộc là địa bàn có số đồng bào dân tộc Chăm nhiều nhất huyện với gần 200 hộ. Trong năm 2023, đồng bào dân tộc Chăm đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chung tay thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động tại địa phương. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp luôn quan tâm, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Nhờ đó, đồng bào Chăm luôn đoàn kết, gắn bó, chung tay xây dựng phát triển quê hương…

Thời gian qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể, đời sống của ĐBDTTS ở Minh Hòa đã được cải thiện và ngày càng nâng cao. Con em ĐBDTTS được học nghề miễn phí và được giải quyết việc làm sau học nghề. Ngoài ra, xã Minh Hòa còn thực hiện giải ngân nguồn vốn nước sạch, vệ sinh môi trường và giải quyết việc làm cho các hộ ĐBDTTS. Cùng với đó, UBND xã phối hợp vận động trao tặng 1 căn nhà mái ấm nông dân trị giá 110 triệu đồng cùng hàng ngàn phần quà vào dịp lễ, tết…

Là hộ gia đình ĐBDTTS có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, chị Ksiu Hờ Phỉa, người dân tộc Bana ở ấp Hòa Thành, xã Minh Hòa, chia sẻ: “Gia đình chúng tôi rất may mắn khi nhận được sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của các đoàn thể cũng như chính quyền địa phương. Có được căn nhà vững chắc như thế này là điều mà gia đình chúng tôi không bao giờ dám mơ tới, nhưng nay đã thành hiện thực. Có nhà, chúng tôi sẽ cố gắng lao động hơn”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết trên địa bàn xã hiện có 239 hộ dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Chăm sinh sống tại ấp Hòa Lộc, còn lại sống rải rác ở các ấp khác. Nhìn chung, đời sống của các hộ ĐBDTTS khá ổn định với công việc chủ yếu là đánh bắt cá và làm nông. Những giải pháp đồng bộ, hiệu quả của chính quyền các cấp đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tạo niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước của đồng bào.

Nỗ lực nâng cao đời sống

Thông tin về việc phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có đông ĐBDTTS sinh sống, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho hay những năm qua, được sự tập trung đầu tư của Nhà nước, tình hình đời sống, sản xuất của ĐBDTTS trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Nhìn chung, đời sống của các hộ ĐBDTTS khá ổn định, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng các loại cây, như: Cao su, điều, mì… Ngoài ra, một số hộ kinh doanh buôn bán nhỏ tại các chợ trên địa bàn. Đa phần các hộ đồng bào đều có đất đai, nhà cửa ổn định và đã tiếp cận với dự án sử dụng nước sạch, bảo đảm cho cuộc sống hàng ngày.

Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho ĐBDTTS. Có thể kể đến việc tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng; hỗ trợ sản xuất thông qua hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương… Cụ thể, trong năm 2023, huyện Dầu Tiếng đã tổ chức giới thiệu việc làm và ưu tiên đào tạo nghề cho ĐBDTTS với các lớp cạo mủ cao su, nấu ăn đãi tiệc, may gia dụng, trồng bưởi, kỹ thuật chăn nuôi - thú y, trồng nấm; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực giáo dục như miễn giảm học phí, tặng thẻ bảo hiểm cho các học sinh ĐBDTTS thuộc hộ nghèo và cận nghèo; vận động thăm, tặng quà nhân dịp lễ, tết…

Bên cạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, huyện Dầu Tiếng còn luôn quan tâm và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đảo ĐBDTTS tham gia như các giải bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, hội thi đi bộ đội hình...; bảo đảm điều kiện tiếp cận thông tin trong các hộ gia đình đồng bào dân tộc; thường xuyên tổ chức chiếu phim lưu động nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào.

“Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho ĐBDTTS trong giai đoạn tới, bên cạnh giải pháp trọng tâm là ưu tiên phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện về giáo dục - đào tạo, y tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, huyện Dầu Tiếng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ĐBDTTS chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc; hỗ trợ ĐBDTTS thoát nghèo…”, ông Tùng nói.

 Huyện Dầu Tiếng hiện có 1.049 hộ ĐBDTTS với 2.820 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là người Chăm, Khmer, Tày, Mường, Hoa, Tà mun… Toàn huyện hiện có 19 hộ nghèo (theo chuẩn Trung ương) và 16 hộ cận nghèo (theo chuẩn tỉnh) là hộ ĐBDTTS. Trong những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, ĐBDTTS trên địa bàn huyện luôn phát huy truyền thống đoàn kết, vượt khó vươn lên, hăng hái thi đua lao động sản xuất, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

N.PHƯƠNG

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản