Tin mới

Đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) -Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các địa phương, kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư đồng bộ, đạt được kết quả quan trọng. Nhờ đó, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) cũng từng bước được nâng lên, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên khá giả…

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

 Ðường liên thôn tại xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) được đầu tư khang trang, kiên cố.

Tính đến nay, 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện lưới đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 76,7% thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ thôn có đường giao thông được kiên cố tăng nhanh...

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS và miền núi được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện nên đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, bộ mặt nông thôn miền núi đã có những đổi thay rõ rệt. Sau 10 năm thực hiện chương trình, đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Vùng DTTS và miền núi đã có 1.052 xã (chiếm 22,29%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 106 xã từ đặc biệt khó khăn đã phấn đấu trở thành xã nông thôn mới; có 27 huyện (chiếm 6%) vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS ngày càng toàn diện, có hiệu quả, đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện 30a, các xã đặc biệt khó khăn giảm 3%, 4%/năm, có nơi giảm hơn 5%; các tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống đã có hơn 90% số dân được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như trên, cơ sở hạ tầng vùng DTTS nhiều nơi vẫn còn rất thiếu và yếu kém. Hiện 54 xã chưa có đường ô tô kết nối UBND xã với UBND huyện; 9.474 thôn chưa có đường cứng hóa; 3.400 thôn chưa có điện lưới; 4.355 trường (mầm non, tiểu học, THCS, THPT…) chưa được kiên cố hóa; 2.917 xã chưa có chợ; 3.452 xã chưa có nhà văn hóa; 18.121 thôn chưa có nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng; cá biệt còn 49 trạm y tế chất lượng rất kém...

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; tại kỳ họp thứ 9, ngày 19/5/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 120 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021, 2030 được kỳ vọng sẽ giải quyết được những hạn chế, tồn tại nêu trên, góp phần tạo nên điện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

ĐOÀN MẠNH

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản