Tin mới

Đẩy mạnh công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường, đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã có nhiều cách làm sáng tạo, khơi dậy sức mạnh đoàn kết, ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo của hội viên và nhân dân.

Hỗ trợ nhà ở, giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp

Phú Thọ: Đẩy mạnh chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số

Phù Ninh: Tạo sinh kế cho người nghèo

 

Huyện Đồng Xuân có 288 hội viên CCB người đồng bào các dân tộc Ê Đê, Ba Na, Chăm... Những năm qua, nhờ làm tốt công tác dân vận mà đời sống người dân nơi này ngày càng khởi sắc, góp phần giảm nghèo ở địa phương.

Sâu sát với nhân dân

“5 năm qua, ngoài việc Hội CCB huyện tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, tập huấn, đối thoại quán triệt Chỉ thị 49 cho các ủy viên ban chấp hành cơ sở của 6 xã có đồng bào DTTS tham dự, mỗi năm ít nhất một lần, lãnh đạo Hội CCB huyện về các chi hội có người DTTS để tham gia sinh hoạt. Qua đó nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của hội viên cũng như người dân nơi đây để cùng tìm cách bàn bạc, tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống, giúp nhau phát triển kinh tế”, ông Huỳnh Trọng Sơn, Chủ tịch Hội CCB huyện Đồng Xuân cho biết.

Việc về cơ sở sinh hoạt đã giúp lãnh đạo hội sâu sát với hội viên và người dân. Qua đó tuyên truyền, vận động hội viên, người dân phát triển kinh tế, ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo Tin Lành trái pháp luật vào vùng đồng bào DTTS. Những khó khăn, vướng mắc của bà con trong cuộc sống được lãnh đạo hội động viên kịp thời. Trên cơ sở đó, ban chấp hành hội đề xuất lãnh đạo các cấp có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp.

Đồng thời hướng dẫn, giải thích cho bà con hiểu rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, không tin, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc, kích động của kẻ xấu; không truyền đạo trái pháp luật, gây rối trật tự xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Các hủ tục lạc hậu trong đời sống cũng dần được xóa bỏ; những phong tục, tập quán tốt đẹp, nhất là việc gìn giữ, phát triển không gian văn hóa cồng chiêng được bảo tồn, lưu giữ để xây dựng buôn làng vững mạnh, bình yên. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hội đã cùng với các ban ngành, đoàn thể vận động đồng bào hiến đất làm nhà sinh hoạt cộng đồng, xây trường mẫu giáo, làm đường bê tông...

Thực hiện các quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội, Hội CCB huyện đã phối hợp MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội tổ chức giám sát 6 đợt liên quan đến các chế độ chính sách, việc thực hiện các chương trình, dự án ở vùng đồng bào DTTS.

Các thành viên ban chấp hành cùng MTTQ huyện tổ chức gặp mặt già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào để trao đổi tâm tư, nguyện vọng; đề xuất, xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước của xã, thôn, xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh phù hợp với từng địa phương, cơ sở.

Ban chấp hành hội tham gia cùng cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan tổ chức các cuộc họp, giao ban chéo giữa các đơn vị giáp ranh trong và ngoài tỉnh như: huyện Vân Canh (Bình Định), Kông Chro (Gia Lai); tổ chức kết nghĩa giữa các xã giáp ranh với nhau; đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu giữa các địa bàn này, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nhằm xây dựng, củng cố tổ chức đội ngũ cán bộ dân vận, đổi mới phương thức công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, các cấp hội CCB phân công các thành viên trong ban thường vụ, thường trực phụ trách công tác dân vận; chủ tịch hội ở các xã có đồng bào DTTS được cơ cấu vào cấp ủy.

Thời gian qua, ban thường trực cử 52 lượt cán bộ hội là người DTTS tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ dân vận. Đến nay, hầu hết cán bộ làm công tác hội ở các xã có đồng bào DTTS đều có trình độ đạt chuẩn so với quy định; các chính sách, chế độ đặc thù được thực hiện đầy đủ, đúng quy định Nhà nước.

Giúp hội viên vươn lên thoát nghèo

Nhiều năm nay, các cấp hội CCB huyện đã phối hợp các ngành chức năng tổ chức 6 lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho 240 lượt hội viên CCB là bà con DTTS tham gia; vận động các nguồn tài trợ, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, của hội để xây mới, sửa chữa 35 nhà với tổng số tiền trên 1,2 tỉ đồng.

Công tác xóa đói, giảm nghèo chuyển biến rõ nét, tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm bình quân từ 3-5%/năm. Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng đồng bào DTTS; đời sống vật chất, tinh thần bà con nhân dân ngày càng được cải thiện.

Các cấp hội trong huyện vận động hội viên, người dân tăng cường phát huy nội lực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện gia đình và khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; tập trung phát triển cây mía, thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới như đầu tư hệ thống bơm tưới, cơ giới hóa...

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều cơ sở hội và hội viên CCB đã xây dựng được những mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả như các chi hội thôn Xí Thoại, Da Dù (Xuân Lãnh), Suối Cối 2 (Xuân Quang 1) với mô hình “Nhận quản lý rừng phòng hộ và nhận đất 5%” để tập thể trồng sắn, mía xây dựng quỹ hội. Các cá nhân tiêu biểu làm kinh tế giỏi như CCB Mang Xíu, Mang Kỷ, Mang Châu (xã Xuân Lãnh) với mô hình làm kinh tế “nông - lâm kết hợp”, mang lại lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng/năm.

CCB Ma Việt ở xã Xuân Quang 1 cho biết: “Được hội tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, tôi mạnh dạn thực hiện mô hình “Trồng sắn, mía, cây lâm nghiệp, kết hợp chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, heo rừng lai”. Mô hình này đã giúp gia đình tôi có thu nhập tương đối khá, từ 200-250 triệu đồng/năm. Nhờ đó, chúng tôi có điều kiện trang trải cuộc sống, đầu tư phát triển kinh tế trong thời gian tới”.

Sâu sát cơ sở, với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, các cấp hội CCB huyện Đồng Xuân đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc vươn lên làm giàu chính đáng. Từ năm 2015 đến nay, khoảng 90% hộ đồng bào DTTS có cuộc sống ổn định, xây được nhà ở kiên cố. Đại bộ phận gia đình đã bỏ hẳn các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Một số hộ theo đạo Tin Lành cũng chung sống hòa thuận, đoàn kết trong cộng đồng...

Theo ông Huỳnh Trọng Khuê, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Xuân, thời gian qua, các cấp hội CCB huyện luôn gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động, phong trào của địa phương. Bằng uy tín của mình, tổ chức này đã đóng góp rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, vươn lên giảm nghèo bền vững. Đồng thời, hội cũng là chỗ dựa tinh thần của người dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở.

Các cấp hội CCB huyện luôn gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động, phong trào của địa phương. Bằng uy tín của mình, tổ chức này đã đóng góp rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, vươn lên giảm nghèo bền vững. Đồng thời, hội cũng là chỗ dựa tinh thần của người dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở.

Ông Huỳnh Trọng Khuê, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy,

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Xuân

 HÀ ANH

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản