Tin mới

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS và miền núi

(Mặt trận) -Một trong những mục tiêu chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 là tăng thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước. Ngay từ khi triển khai Chương trình, MTTQ các tỉnh đã và đang đẩy mạnh các kế hoạch phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cũng như đời sống cho đồng bào DTTS và miền núi.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang quan tâm chỉ đạo các mô hình dân vận 

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới ở cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Nơi đây có 19 dân tộc anh em cùng chung sống với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 87,7% cơ cấu dân số. Khoảng cách chênh lệch giữa vùng đồng bào DTTS, vùng đồng bào khó khăn và đô thị ở Hà Giang còn khá lớn. Theo chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm 42,08%; trong đó, hộ DTTS nghèo, cận nghèo là 78.263/79.102 hộ, chiếm 98,94% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi và để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang và Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Hà Giang đã đề ra Nghị quyết, theo đó tỉnh phấn đấu tăng trưởng kinh tế vùng DTTS bình quân đạt 8%/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS đạt 55 triệu đồng trở lên. Phấn đấu giảm 29 xã/127 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân 4%/năm trở lên, các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới.

Việc phát triển các làng nghề truyền thống đã mang đến thu nhập ổn định hơn cho bà con dân tộc ở Hà Giang. Những nghề truyền thống như làm khèn, trồng lanh dệt vải, may trang phục dân tộc, đan lát, nhuộm chàm, chạm bạc, rèn dao, rèn lưỡi cày… đã mở ra hướng thoát nghèo cho đồng bào thiểu số. Đặc biệt là nghề dệt vải lanh. Sản phẩm của các hợp tác xã (HTX) nơi đây không chỉ dừng lại ở các mặt hàng quần áo truyền thống mà còn nhiều sản phẩm mới như ví, khăn, vỏ gối, khăn trải bàn… trở thành hàng hóa có mặt ở nhiều thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Cơ cấu kinh tế bền vững của các làng nghề góp phần tạo công ăn việc làm cho đồng bào thiểu số và mang lại thu nhập ổn định cho họ.

Song song với đó, tỉnh Hà Giang đã và đang phát triển trà Shan Tuyết nhằm cải thiện thu nhập bình quân cho đồng bào nơi đây. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng tại vùng cao biên giới Hà Giang. Theo thống kê, Hà Giang có gần 21 nghìn ha trà, trong đó hơn 70% diện tích là trà Shan Tuyết cổ thụ. Tỉnh xác định đây là hướng đi bền vững, phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm bằng hình thức sản xuất trà an toàn, hữu cơ.

Cũng là một trong những tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn của nước ta và là tỉnh vùng cao, biên giới, gồm 25 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào thiểu số chiếm 66.2% dân số toàn tỉnh, Lào Cai vẫn còn rất nhiều xã nghèo, xã chậm phát triển, tỉ lệ nghèo ở mức cao và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Để đạt được các mục tiêu nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng lên 2 lần so với năm 2020. Tầm nhìn đến năm 2045 tăng mức thu nhập bình quân của cộng đồng các DTTS bằng 2/3 bình quân chung của tỉnh.

Tỉnh Lào Cai có hơn 70% lao động là người DTTS ở khu vực nông thôn vùng cao, vùng sâu. Tỉnh tập trung đào tạo nghề gắn với thực tế vùng miền, tạo việc làm và thu nhập ổn định hơn cho người lao động. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai hướng dẫn các huyện, thị xã và thành phố chủ động khảo sát nhu cầu và xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Các cơ sở giáo dục, dạy nghề tập trung vào các ngành sản xuất truyền thống sẵn có của tỉnh như kỹ thuật trồng và khai thác rừng trồng, chế biến lâm sản, trồng rau an toàn, hướng tới phát triển các lĩnh vực ngành nghề mới như du lịch cộng đồng, xây dựng…

Không chỉ đào tạo nghề và kết nối việc làm, các chính sách vay vốn hỗ trợ việc làm được triển khai đồng bộ, tạo thuận lợi cho nhiều thanh niên DTTS mạnh dạn khởi nghiệp, nhiều mô hình kinh doanh đã đạt được kết quả nổi bật như mô hình nuôi cá, nhà hàng, nhà nghỉ cộng đồng…

Thanh Hóa là tỉnh cực Bắc khu vực miền Trung Việt Nam, có dân số đông, khu vực miền núi của tỉnh này có trên 1 triệu người sinh sống. UBND và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa đã đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn, cụ thể đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người ở khu vực đồng bào thiểu số và miền núi gấp 2 lần trở lên so với năm 2020. Đến năm 2030, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS bằng ½ thu nhập bình quân chung cả tỉnh, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Tầm nhìn đến năm 2045, thu nhập bình quân của người DTTS đạt trên ½ bình quân chung của cả nước. Cơ bản không còn hộ nghèo, người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Để đạt được mục tiêu trên, Thanh Hóa xác định các HTX có vai trò rất quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, đồng thời còn là mô hình chống tái nghèo hiệu quả và bền vững. Các HTX đã giải quyết việc làm cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm nghèo và cải thiện nâng cao đời sống hộ thành viên. Nhiều HTX đã kết nối thị trường đầu ra, đầu vào, liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ thông qua nhiều hình thức khác nhau như các diễn đàn kết nối nông sản, hội chợ xúc tiến thương mại, sàn giao dịch, website... Các HTX vùng đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa đã và đang hoạt động có hiệu quả góp phần vào việc trên khai thực hiện kế hoạch nâng cao thu nhập bình quân cho người dân.

Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đòi hỏi vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước tại vùng đồng bào DTTS. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu.

Hồng Nhung

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản