Tin mới

Di Linh (Lâm Đồng): 20 năm xây dựng khối ''Đại đoàn kết''

(Mặt trận) -Việc tổ chức hiệu quả “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” suốt 20 năm qua là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng khối “Đại đoàn kết” vững chắc ở Di Linh. Đó cũng là nền tảng quan trọng, tạo sự ổn định để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn có trên 66.000 người dân tộc thiểu số (DTTS) này.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Thắng trao Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng và giấy công nhận Khu dân cư kiểu mẫu cho Thôn 12, xã Hòa Ninh
Ông Triệu Trí Kiên - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Di Linh, khẳng định: 20 năm qua, các cấp Mặt trận huyện Di Linh đã bền bỉ thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền để từng bước nâng cao nhận thức của Nhân dân về vấn đề “Đại đoàn kết”. Từ đó, người dân đã chủ động hưởng ứng, tham gia tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đến nay, cứ vào ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) hàng năm, 183/183 khu dân cư trên địa bàn huyện đều tổ chức ngày hội với những điểm nhấn, sắc thái riêng mang đặc trưng của từng vùng.

Với sự định hướng, chỉ đạo chặt chẽ của MTTQ các cấp, “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” trên địa bàn huyện Di Linh hàng năm đều được tổ chức trang trọng, ý nghĩa. Trong ngày hội, Mặt trận Tổ quốc tại các khu dân cư đều ôn lại truyền thống vẻ vang qua từng chặng đường kể từ ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và cùng khẳng định vai trò quan trọng của công tác Mặt trận trong tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đồng thời, đánh giá kết quả việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong năm, trên địa bàn và triển khai phương hướng nhiệm vụ, nâng cao chất lượng thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua của thời gian tiếp theo. Đặc biệt, có địa phương còn lồng ghép trong ngày hội việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ tệ nạn xã hội; động viên người dân tích cực tham gia Phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn... 

Và từ việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ trên trong sự đồng thuận, đoàn kết của người dân, tại các khu dân cư trên địa bàn huyện Di Linh đã lần lượt xuất hiện nhiều mô hình thiết thực, ý nghĩa như: Tiếng kẻng an ninh; Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ; giúp nhau phát triển kinh tế; tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm; tổ đổi công… “Các mô hình đã thực sự phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của Nhân dân ở cộng đồng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương”, ông K’Broi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Di Linh đánh giá.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Di Linh, khẳng định thêm, tính gắn kết cộng đồng, vai trò tự quản là giá trị xuyên suốt trong quá trình tổ chức ngày hội suốt 20 năm qua ở Di Linh. Bởi thông qua ngày hội, Nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, góp sức tham gia xây dựng quê hương. 20 năm qua, nhiều khu dân cư đã huy động được sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của những người con xa quê, các doanh nghiệp và chính người dân đóng kinh phí để tổ chức ngày hội trên 5 tỷ đồng. Đặc biệt, từ các ngày hội, các khu dân cư đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” đạt và vượt chỉ tiêu, qua đó hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đột xuất để phát triển sản xuất, điều trị bệnh, học tập; vận động người dân hiến 7.189 m2 đất làm đường, hội trường; đóng góp trên 7 tỷ đồng tiền làm đường bê tông và 28.670 ngày công; 17.360 hộ nghèo được giúp ngày công và cây, con giống,... Đó là những nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Và, tỷ lệ hộ nghèo giảm đến cuối năm 2022 còn 3,9%; thu nhập bình quân đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, tăng 29 triệu đồng/người/năm so với năm 2003… là những con số minh chứng sống động cho sự phát triển đó.

Thông qua việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở các khu dân cư, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thi đua phát triển sản xuất - kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa. 20 năm qua, huyện Di Linh đã có 69 “Khu dân cư tiêu biểu”, 54 “Khu dân cư kiểu mẫu” và có 14 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; đã có gần 1.000 tập thể, 7 ngàn cá nhân, trên 18 ngàn lượt hộ gia đình văn hóa tiêu biểu nhận được khen thưởng từ các cấp. Đó là sự động viên, khích lệ để “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” tiếp tục được phát huy hiệu quả và mỗi người dân chủ động, tích cực góp sức xây dựng khối “Đại đoàn kết” ngày càng vững chắc.

NGỌC NGÀ 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản