Đa dạng ngành nghề đào tạo
Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú An Giang (ấp Tô Hạ, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) được thành lập năm 2009, trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm dạy nghề huyện Tri Tôn và chính thức chiêu sinh khóa đầu tiên tháng 3-2011. Đây là trường trung cấp nghề dân tộc nội trú đầu tiên của ĐBSCL. Nhiệm vụ của trường là đào tạo nghề cho đồng bào DTTS Khmer trong tỉnh An Giang, đặc biệt là đồng bào DTTS Khmer ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Trường được xây dựng theo kiến trúc hiện đại, đầy đủ các phòng, ban; các khối hành chính, phòng học lý thuyết, hội trường, xưởng thực hành, ký túc xá... Ngoài ra, trường còn có không gian rộng rãi, thoáng mát, tạo điều kiện cho học sinh học tập, vui chơi, rèn luyện thể dục - thể thao...
Hiện nay, trường có 3 khoa, gồm: Công nghệ thông tin, Cơ điện - Nông nghiệp, Giáo dục thường xuyên - Bộ môn chung và 3 phòng, gồm: Phòng Đào tạo, Phòng Tổng hợp - Tài chính - Thiết bị, Phòng Công tác học sinh - Quan hệ doanh nghiêp, tất cả đều đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ. Trường thực hiện 2 chương trình đào tạo song song là trung cấp nghề và giáo dục thường xuyên. Đối với công tác dạy nghề, trường đào tạo 15 nghề trình độ trung cấp, 2 nghề trình độ sơ cấp, 20 nghề cho lao động nông thôn.
Những năm qua, nhà trường luôn chủ động xây dựng các ngành nghề phù hợp với tình hình địa phương, thị trường lao động và nhu cầu DN. Hàng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 90%. Học sinh sau khi ra trường có việc làm đạt tỷ lệ trên 85%, mức lương từ 4,5-10 triệu đồng/tháng; số còn lại tự tạo việc làm cho bản thân với nguồn thu nhập ổn định.
Nâng cao chất lượng dạy học
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú An Giang Cao Văn Thích cho biết, các chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của DN sử dụng lao động. Nhà trường cam kết 100% học sinh đạt chuẩn đầu ra đều có việc làm sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, đơn vị đã thực hiện các hoạt động liên kết với DN và các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh.
“Đối với việc liên kết với các DN, các đơn vị sẽ cùng tham gia với nhà trường trong việc xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy, thực hành nghề nghiệp cho học sinh. Ngoài ra, còn phối hợp sử dụng các trang thiết bị của nhà trường và DN. Nhờ vậy, các em học sinh khi ra trường không còn bỡ ngỡ, có thể trực tiếp thao tác trang thiết bị của DN mà không cần phải đào tạo lại.
Nhà trường còn phối hợp với các trường cao đẳng, đại học đào tạo liên thông chương trình cao đẳng, đại học (hệ từ xa, hệ vừa học vừa làm) và sau đại học. Qua đó, giúp học sinh rút ngắn thời gian học tập mà kiến thức tiếp cận không thua kém so với học chính quy. Đặc biệt, từ năm 2020, nhà trường phối hợp cùng một số DN, triển khai chương trình nguồn nhân lực phục vụ xuất khẩu lao động” - ông Thích chia sẻ.
Giai đoạn 2021-2026, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú An Giang thực hiện chiến lược phát triển đào tạo nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn, vững về tay nghề, đáp ứng nhu cầu của DN, thị trường lao động. “Hiện nay, nhà trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phê duyệt 2 nghề trọng điểm là công nghệ ôtô và cơ điện nông thôn. Với 2 ngành nghề được phê duyệt, nhà trường sẽ được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đổi mới chương trình dạy học...
Ngoài ra, huyện Tri Tôn là địa phương được phê duyệt theo Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cùng với 2 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo và nông thôn mới), nhà trường sẽ được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo học sinh” - ông Thích thông tin thêm.
Điểm nổi bật của Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú An Giang là liên kết với DN, qua đó rút ngắn khoảng cách đào tạo với thực tế sản xuất, gắn đào tạo với thực tiễn. Cùng với mục tiêu đào tạo kiến thức, đơn vị còn chú trọng công tác rèn luyện đạo đức, tác phong cho học sinh; quan tâm phát triển các phong trào văn-thể-mỹ, tạo sân chơi bổ ích cho các em giao lưu, thể hiện tài năng của mình...
Cung với đó, nhà trường còn hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn theo quy định Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất theo hướng trường nghề chất lượng cao, đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn DN; tạo lập môi trường đào tạo thân thiện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Năm học 2022, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú An Giang tuyển sinh 700 học sinh. Trong đó có 400 học sinh hệ trung cấp; 60 học sinh hệ sơ cấp; 240 học sinh học nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra, trường còn liên kết với các trường cao đẳng, đại học tuyển sinh các lớp cao đẳng, đại học (hệ từ xa, hệ vừa học vừa làm) và sau đại học...
|
ĐỨC TOÀN