Tin mới

Đời sống mới ở vùng Công giáo

(Mặt trận) -Tỉnh Bắc Giang có 14 giáo xứ, 78 họ đạo với 27 nghìn giáo dân sinh sống ở 77 xã, phường, thị trấn. Những năm qua, đồng bào lương  -  giáo đồng thuận, chung sức xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

Đoàn kết xây dựng nông thôn mới

Dẫn tôi đi trên những con đường bê tông sạch sẽ, ông Nguyễn Trường Giang, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Công, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa) phấn khởi nói: “Thôn có 95% đồng bào công giáo sinh sống song ở đây lương - giáo một lòng, tất cả vì việc chung. Ngay khi nắm chủ trương xã phấn đấu về đích nông thôn mới cuối năm 2020, Chi bộ, ban quản lý thôn xây dựng kế hoạch trong đó ưu tiên thực hiện các tiêu chí chưa đạt với phương châm khó trước, dễ sau”.

 Tổ dân phố Tân Lập, thị trấn Tân An (Yên Dũng, Bắc Giang) ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Trước đó, năm 2016, để vận động nhân dân dồn điền đổi thửa 45 ha, cấp ủy, ban quản lý thôn chủ động tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những cánh đồng mẫu ở những địa phương khác rồi về tuyên truyền để triển khai. Nhờ vậy, sau hai tháng, thôn hoàn thành dồn đổi, xây dựng cánh đồng mẫu chuyên sản xuất giống lúa chất lượng cao. Trong năm 2020, từ sự đóng góp của bà con, thôn cứng hóa 4 km đường nội thôn, lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Đến tháng 12 năm nay, thôn Đồng Công đã đạt 16/16 tiêu chí nông thôn mới.

Giáo xứ An Tràng có 6 họ đạo, 2 giáo điểm nằm trên địa bàn huyện Yên Dũng và Lạng Giang với 1,2 nghìn giáo dân. Linh mục Nguyễn Huy Liệu, Chánh xứ An Tràng cho biết, trong các buổi dạy giáo lý, các chức sắc đều lồng ghép tuyên truyền, vận động giáo dân tích cực thực hiện mô hình "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, xây dựng xóm đạo tiên tiến". 

Cùng đó, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ "Vì người nghèo"; khuyến học, khuyến tài; đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”. Những năm gần đây, đời sống nhân dân cũng như diện mạo làng quê có nhiều thay đổi.

Minh chứng rõ nhất là ở tổ dân phố Tân Lập, thị trấn Tân An (Yên Dũng)- nơi có 85% giáo dân sinh sống. Giáo dân Nguyễn Thị Mùi nói: “Trước đây đường nội thôn nhỏ và dốc, đi lại vất vả. Sau khi đổ bê tông đường rộng hơn, giao thương thuận lợi”. Tìm hiểu được biết, tuyến đường được như hôm nay có phần đóng góp về công sức, kinh phí cũng như hiến gần 1 nghìn m2 đất của nhiều hộ trong tổ dân phố.

Theo đại diện Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Bắc Giang, từ năm 2016 đến nay, bà con ở các vùng công giáo đã đóng góp gần 20 tỷ đồng, hiến gần 240 nghìn m2 đất và hàng nghìn ngày công, qua đó góp phần làm cho hệ thống đường giao thông nông thôn thêm khang trang, sạch đẹp. Điển hình trong phong trào hiến đất làm đường là giáo dân thuộc các xứ, họ đạo: Ngọ Xá (Hiệp Hòa); Tân An, Yên Cư (Yên Thế); Cầu Chính, Mỹ Lộc (Lạng Giang); Minh Đạo (Yên Dũng).

Tích cực phát triển kinh tế

Thực hiện “người công giáo tốt phải là người công dân tốt”, bà con giáo dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động và phát triển kinh tế, gìn giữ an ninh trật tự. Ở nhiều nơi, bà con chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mang hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu phải kể đến họ đạo Đông Trước, Ngọ Xá, Ngọc Liễn (Hiệp Hòa), Tiên Sơn (Việt Yên) phát triển nghề mộc xuất khẩu; làng nghề sản xuất mỳ gạo thôn Châu Sơn, xã Ngọc Châu (Tân Yên); mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ở tổ dân phố Minh Đạo, thị trấn Tân An (Yên Dũng)...

Mới đây, đến xã Châu Minh (Hiệp Hòa), chúng tôi cảm nhận không khí thi đua lao động sản xuất với tiếng máy xẻ, máy bào, đục, chạm... Toàn xã có gần 300 hộ công giáo làm nghề mộc với 170 xưởng sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 1 nghìn lao động, mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Thế Hùng, giáo dân thôn Ngọc Liễn cho hay: “Công việc tuy vất vả song mang lại nguồn thu nhập chính đáng nên chúng tôi liên kết với nhau cùng sản xuất, nghiên cứu thay đổi kiểu mẫu, đưa thương hiệu đồ gỗ Ngọc Liễn vươn xa đến các tỉnh trong và ngoài nước”. Hay như giáo dân Nguyễn Huy Hoàng ở thôn Yên Tập Bắc, xã Yên Lư (Yên Dũng) có quy mô chuồng trại khép kín nuôi 50 con lợn nái, 450 con lợn thịt, ao nuôi cá rộng 5 nghìn m2; thu lãi khoảng 1,2 tỷ đồng/năm. Được biết hiện tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào công giáo còn 1,6%.

Không chỉ phát triển kinh tế, nhiều giáo dân còn tích cực tham gia công tác xã hội. Toàn tỉnh có 277 đảng viên là người công giáo; 95 đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, 91 người là cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ của các tổ chức đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn và các đoàn thể của thôn, tổ dân phố. Tiêu biểu như các ông: Nguyễn Anh Tuấn, công chức Văn hóa - Xã hội thị trấn Tân An (Yên Dũng); Nguyễn Văn Thắng, Trưởng thôn Rèn, xã Minh Đức (Việt Yên); bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Thượng (Yên Thế)...

Ông Phạm Đình Cấp, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Bắc Giang cho biết: Tiếp tục xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, thời gian tới Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào công giáo tích cực thi đua thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo", phát triển đa dạng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Quan tâm giữ gìn vệ sinh môi trường, đẩy mạnh hoạt động văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể dục thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, tương trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất, xây dựng mối đoàn kết lương - giáo ngày càng bền chặt.

Khôi Nguyên

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản