Tin mới

Đổi thay ở vùng đồng bào Khmer Kiên Giang

(Mặt trận) -Kiên Giang là một trong 3 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào Khmer sinh sống. Những năm qua, từ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của từng hộ dân nên đời sống của đồng bào Khmer đã đổi thay mạnh mẽ, ngày càng khởi sắc, nâng cao.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Các đội tham gia giải đua ghe ngo tại ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer, tại huyện Gò Quao (Kiên Giang).

Kiên Giang có khoảng 261.200 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 14,94% dân số của tỉnh; trong đó, đồng bào Khmer chiếm hơn 13%. Đồng bào Khmer tập trung sinh sống nhiều ở các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Giang Thành, TP. Hà Tiên…

ĐOÀN KẾT VƯƠN LÊN

Chỉ chưa đầy 5 năm về định cư trên vùng đất phèn mặn, cằn cõi, đảng viên Thạch Le Ne (41 tuổi) - Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Núi Mây, ấp Tà Săng, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương giờ đã là tỷ phú. Với hơn 200 công đất, mỗi vụ nuôi tôm và cua, anh Ne thu khoảng 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Năm 2000, anh Thạch Le Ne theo cha mẹ cùng 5 người anh em từ tỉnh Trà Vinh về sinh sống ở ấp Tà Săng. Những năm đầu, khi cơ giới hóa còn ít, nhiều mùa lúa thất bát, sau khi có vợ và ở riêng, cuộc sống gia đình anh Ne gặp nhiều khó khăn. Không nản chí, anh Ne tìm phương pháp nuôi tôm, cua hiệu quả ở vùng đất mới.

Cuối năm 2018, anh Ne cải tạo lại 2ha nuôi tôm quảng canh và đạt kết quả ngoài mong đợi. Vụ tôm nuôi cuối năm 2018 anh thắng lớn, với doanh thu gần 200 triệu đồng. Có tiền tích lũy, anh mua thêm 18ha, nâng tổng số diện tích đất lên 20ha, thu nhập từ 600-800 triệu đồng/2 vụ/năm.

Năm 2020, anh Thạch Le Ne thành lập Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Núi Mây. Hợp tác xã hoạt động bước đầu mang lại hiệu quả trong việc cung ứng con giống, thức ăn, vôi và liên kết thương lái, doanh nghiệp thu mua tìm đầu ra tôm, cua trên địa bàn.

Anh Danh Xề Rây - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tà Săng nhận xét: “Anh Thạch Le Ne là tấm gương sáng trong đồng bào Khmer ở đây. Anh không chỉ giỏi trong nuôi tôm, cua mà còn là đảng viên tích cực tham gia các hoạt động, phòng trào, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương”.

Xã Định Hòa là địa phương đông đồng bào Khmer, với khoảng 3.340 hộ, chiếm gần 64% dân số của xã, có những ấp 100% là đồng bào Khmer. Nhiều năm qua, địa phương này thực hiện tốt công tác đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò những người có uy tín với đồng bào Khmer ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương.

Lãnh đạo xã Định Hòa cho biết, khi tuyên truyền, vận động thực hiện những chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, địa phương này đều phân công cán bộ, đảng viên là đồng bào Khmer xuống địa bàn truyền đạt bằng tiếng Khmer để đồng bào dễ hiểu.

Ông Danh Kha Miêu - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh - Nông dân ấp Hòa Út, xã Định Hòa là một trong những người Khmer có bản lĩnh chính trị vững vàng. Qua nắm vững kiến thức, ông Miêu tuyên truyền cho 100% xã viên, hội viên cựu chiến binh, nông dân tích cực tham gia làm hàng rào cây xanh, cột cờ, vệ sinh môi trường xung quanh nhà.

Ngoài ra, ông Miêu còn cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lực lượng Công an, phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

TIẾP THÊM ĐỘNG LỰC

Những ngày cận tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023 của đồng bào Khmer, anh Danh Quốc Cường (42 tuổi), ngụ ấp Hòa Hưng, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành vui mừng vì vừa thoát nghèo. Phấn khởi hơn, anh vừa được Ban Chỉ đạo Tết quân - dân tỉnh Kiên Giang xét và khởi công xây dựng căn nhà mới với số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng.

Vợ chồng anh Cường làm nghề phụ hồ. Với ý chí và nghị lực, vợ chồng anh nuôi 2 người con học lớp 12 và lớp 10. Có thêm căn nhà mới, niềm vui nhân lên gấp đôi như tiếp thêm sức để vợ chồng anh Cường vươn lên trong cuộc sống.

Chương trình Tết quân - dân mừng tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023 được tổ chức lần đầu tiên ở tỉnh Kiên Giang. Qua đây, tỉnh sẽ cất 24 căn nhà (50 triệu đồng/căn) cho hộ dân khó khăn về nhà ở; xây dựng 6 cây, 2 tuyến đường giao thông nông thôn dài 2.500m; thực hiện tuyến đường hoa, kéo điện thắp sáng đường quê; khám bệnh, tặng quà, trao học bổng, tặng xe đạp cho học sinh vượt khó học tốt...

“Việc tổ chức các hoạt động Tết quân - dân mừng tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023 thể hiện sự quan tâm chăm lo cấp ủy Đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang đối với các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào Khmer; tuyên truyền, giáo dục, phát huy tinh thần đoàn kết yêu nước, thắt chặt tình quân - dân trong thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết.

Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer trên địa bàn. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, nhiều hộ tự vượt khó vươn lên, nhờ vậy cuộc sống ngày càng ổn định.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho biết hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, Kiên Giang phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương, thể hiện được vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh có 11.868 hộ nghèo, chiếm 2,57%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số 3.314 hộ, chiếm 4,73%.

Công tác xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer được các ngành và địa phương quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 101/116 xã và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 33 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc Khmer. 100% xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường giao thông nông thôn.

Hộ gia đình đồng bào Khmer sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 89,3%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào Khmer cơ bản ổn định…

Về xã Minh Hòa vào những ngày này, nhiều người dễ dàng bắt gặp nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi của đồng bào Khmer. Người dân được nghỉ ngơi, vui chơi trong những ngày tết Chôl Chnăm Thmây sau một năm lao động vất vả. Nhịp sống ở xã Minh Hòa thay đổi cũng phản chiếu chính đời sống của đồng bào Khmer thay đổi từng ngày.

LÊ VINH

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản