Tin mới

Đồng bào các tôn giáo ở Gia Lai góp sức xây dựng quê hương: Tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động, hòa nhập với sự phát triển của địa phương

(Mặt trận) -Những năm qua, tỉnh Gia Lai luôn nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào các dân tộc. Qua đó, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động và phát huy vai trò tích cực trong đời sống xã hội, xây dựng quê hương phát triển.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Đồng bào các tôn giáo ở Gia Lai hoạt động đúng pháp luật và hòa nhập với sự phát triển của địa phương 

Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, hơn 20 năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ban, ngành đoàn thể của tỉnh Gia Lai đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân, gắn với chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết này.

 Đồng thời, tỉnh Gia Lai thực hiện theo Luật Tôn giáo tín ngưỡng và người dân có quyền tự do tôn giáo, hỗ trợ người dân được tham gia sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định pháp luật; xây dựng tu bổ cơ sở tôn giáo, tạo điều kiện cho người dân được sinh hoạt tôn giáo ở nơi gần nhất trong khu dân cư mà người dân sinh sống.

Tỉnh Gia Lai hiện có 120 ngôi tự viện cùng hơn 500 vị chức sắc, tăng ni. Nhiều vị tăng ni trẻ có trình độ cao được đào tạo trong và ngoài nước, trong đó có 11 tiến sĩ và thạc sĩ, hơn 60 cử nhân Phật học. Đây là nguồn tăng tài kế thừa hoạt động Giáo hội tại địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của Giáo hội.

Hòa thượng Thích Từ Vân, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, cho biết: Những năm qua, Phật giáo Gia Lai ngày càng phát triển. Nhiều ngôi chùa, tịnh xá được trùng tu nâng cấp hoặc xây dựng có quy mô lớn, kiến trúc phong phú, đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Phật giáo và người dân, hòa nhập với sự phát triển của địa phương. 

Nổi bật như chùa Minh Thành (TP. Pleiku) được đầu tư xây dựng quy mô, là trung tâm tổ chức các sự kiện lớn của Phật giáo. Hay trường Trung cấp Phật học tỉnh được thành lập và đã hoàn thành 3 khóa đào tạo, với gần 150 tăng ni sinh tốt nghiệp, hiện đang đào tạo khóa IV, với gần 40 tăng ni sinh.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong tỉnh luôn hướng dẫn toàn thể chức sắc, tăng ni và đồng bào phật tử trên địa bàn tỉnh sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật và Hiến chương của Giáo hội, phát huy tinh thần “Trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội” do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra. Tiếp tục quan tâm làm tốt các hoạt động từ thiện và chung tay góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đối với Chi hội Tin lành Plei Ia Lang, TP. Pleiku (Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Nam) hiện có hơn 800 tín hữu người Gia Rai sinh sống. Bà con theo đạo đã tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Ông Puih Weng, tín hữu của Chi hội, cho hay: “Tôi cùng với mục sư và Ban Chấp sự hướng dẫn bà con tín hữu sinh hoạt tôn giáo, thực hiện tinh thần kính Chúa - yêu nước theo đường hướng “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa phục vụ Tổ quốc và dân tộc” do Hội thánh Tin lành Việt Nam- miền Nam đề ra”. Đồng thời, vận động bà con tín đồ cần tỉnh táo, không theo tà đạo, không tin, chia sẻ những thông tin phản động trên mạng xã hội, gìn giữ an ninh trật tự và vận động bà con tín hữu hưởng ứng tham gia xây dựng gia đình văn hóa và làng văn hóa”.

Ngoài ra, TP. Pleiku đã hợp tổ chức cho chức sắc, tu sĩ, tín đồ quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo, các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo...

Đặc biệt, các cấp chính quyền địa phương thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với mục sư, trưởng các nhóm đạo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng giáo dân để giải quyết thấu đáo; cũng như kịp thời ngăn chặn các hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự tại địa phương cơ bản ổn định. Điển hình như huyện Phú Thiện, Chư Prông, Đăk Đoa..., trước đây, là nơi tình trạng tôn giáo diễn biến phức tạp, xảy ra hiện tượng tuyên truyền đạo trái pháp luật, thì nay hoạt động tín ngưỡng đã đi vào nề nếp.

Ông Ksor Thu, Trưởng thôn Sô Ma Lơng A (xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) phấn khởi nói: "Ngày trước có một số người dân tin vào "Tin lành Đê-ga" qua sự giải thích, phân tích kiên trì, mạnh mẽ của các cấp Đảng ủy, chính quyền, người dân đã am hiểu, phân biệt được những cái đúng, sai, không theo các đạo lạ, cùng với giữ gìn truyền thống văn hóa, tập tục của dân tộc, tập trung vào việc phát triển kinh tế. 

"Có được kết quả này, còn nhờ vào công tác an ninh, những chính sách giáo dục thiết thực của chính quyền địa phương. Cùng với đó, những năm qua địa phương luôn tạo điều kiện cho các đối tượng lầm lỡ được vay vốn nuôi bò, đổi giống lúa mới…".

Ðể làm tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, tỉnh Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật tín ngưỡng tôn giáo tại các nơi có đông tín đồ sinh sống. Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai giải quyết kịp thời nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào. 

Đồng thời, Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai cũng đã tham mưu, đề xuất tỉnh giải quyết kịp thời theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tôn giáo theo quy định của pháp luật. Vào dịp Tết và lễ trọng của các tôn giáo, Ban Tôn giáo tỉnh đã cùng với cấp ủy, chính quyền, MTTQ các địa phương tổ chức thăm, tặng quà và gặp mặt thân mật các chức sắc, tu sĩ, đồng bào tôn giáo tiêu biểu. Qua đó, ghi nhận và biểu dương những thành quả trong việc tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Nô, Phó ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai thông tin: Thời gian qua, ở một số tỉnh cũng đã xảy ra hoạt động của những đạo lạ, tà đạo làm ảnh hưởng đến tư tưởng, cuộc sống của phật tử, tín đồ. Để điều này không xảy ra ở địa phương, Ban Tôn giáo tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng liên quan tham mưu UBND tỉnh làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; kịp thời giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng, hợp pháp của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo; tăng cường công tác vận động tín đồ nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, sống "tốt đời, đẹp đạo", tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; đồng thời kiên quyết đấu tranh với những đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Đức Cảnh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản