Tin mới

Đồng bào công giáo Nga Sơn chung sức xây dựng quê hương

(Mặt trận) -Với tinh thần “kính Chúa, yêu nước”, đồng bào công giáo huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) không chỉ hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mà còn đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương.

Huyện Hòa An (Cao Bằng): Tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia

Ninh Thuận: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lai Châu: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

 Mô hình trồng cây ăn quả của giáo dân Vũ Thanh Hảo, ở thôn 2, xã Nga Liên.

Xã Nga Liên có khoảng 8.000 giáo dân, chiếm 93,7% dân số toàn xã, sinh hoạt tín ngưỡng tại 3 giáo xứ Tam Tổng, Phúc Lạc và Vĩnh Thiện. Từ nhiều đời nay, đồng bào công giáo trong xã chung sống đoàn kết, gắn bó, tương trợ nhau phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, thực hiện Chương trình XDNTM, bà con giáo dân đã đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền đóng góp kinh phí, ngày công lao động và hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Xác định XDNTM là hành trình có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, vậy nên sau khi về đích NTM năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Nga Liên lại bắt tay vào XDNTM nâng cao. Với phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội phối hợp cùng các linh mục vận động bà con giáo dân chung tay thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao. Từ năm 2020 đến nay, bà con giáo dân trong xã đã hiến 234m2 đất thổ cư, 547m2 đất sản xuất cùng 1.370 ngày công để bê tông hóa 4,9 km đường giao thông nông thôn, với giá trị hơn 2,8 tỷ đồng. “Ý Đảng - lòng dân” là yếu tố quan trọng không chỉ đưa Nga Liên cán đích xã NTM nâng cao, mà còn giúp diện mạo nông thôn nơi đây ngày càng đổi mới.

Nga Sơn có 27.763 giáo dân, chiếm hơn 18% tổng dân số toàn huyện, sống đan xen ở 12 xã và sinh hoạt ở 12 giáo xứ. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thanh Hóa, Ban Đoàn kết Công giáo huyện Nga Sơn đã chủ động phối hợp với MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể chính trị tuyên truyền, vận động bà con giáo dân tích cực tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động, gắn với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Từ đó phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quê hương Mai An Tiêm ngày càng giàu đẹp, văn minh. Từ năm 2015 đến nay, đồng bào công giáo trong huyện đã tự nguyện đóng góp 19,756 tỷ đồng, hiến 5.675m2 đất ở và 106.899m2 đất canh tác, tháo gỡ 2.467m tường rào, hơn 10.000 ngày công để làm đường giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đồng thời, các gia đình giáo dân còn đầu tư hơn 115 tỷ đồng xây mới, chỉnh trang 1.379 nhà ở, 1.834 cổng, ngõ theo tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Từ “lòng dân, sức dân”, 100% số xã của huyện Nga Sơn đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã Nga An, Nga Trường đã về đích NTM nâng cao.

Cùng với XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đồng bào công giáo huyện Nga Sơn còn hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Thực hiện tốt chủ trương “dồn đổi ruộng đất” của huyện Nga Sơn, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị các xã vùng giáo đã tích cực vận động Nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa để đầu tư phát triển sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Từ quỹ đất được tạo ra, đồng bào công giáo đã đầu tư xây dựng 39 trang trại tổng hợp, 310 gia trại chăn nuôi. Nét nổi bật trong phát triển sản xuất của đồng bào công giáo huyện Nga Sơn thời gian qua là nâng tầm cây cói - cây trồng chủ lực của địa phương. Bằng việc tổ chức lại sản xuất, người dân các xã vùng giáo đã cải tạo hơn 300 ha cói hoang hóa để đầu tư thâm canh. Nhiều hộ gia đình giáo dân đã kết hợp thâm canh cây cói với phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp và mô hình nuôi trồng thủy sản, cho thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm/ha. Để khai thác hết tiềm năng đất đai, bà con giáo dân còn mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, cho hiệu quả kinh tế, như: mô hình trồng rau an toàn, dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà màng, nhà lưới; mô hình cánh đồng mẫu lớn, với hàng trăm ha ớt xuất khẩu, hoa, đào tết, dưa hấu... Nhờ phát triển sản xuất hiệu quả nên đời sống của đồng bào công giáo huyện Nga Sơn ngày càng được nâng lên. Đã có hàng trăm hộ gia đình giáo dân vượt khó, thoát nghèo, vươn lên khá giả, trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi ở địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 3,01%.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như đóng góp tiền của trong XDNTM và phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng bào công giáo trên quê hương Mai An Tiêm đã và đang tích cực chung tay vào sự phát triển đi lên của huyện Nga Sơn.

N.Thanh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản